Mùa nắng nóng, đừng để cơ thể mất nước
Dấu hiệu cơ thể mất nước
Nắng nóng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, đây chính là nguyên nhân thiếu hụt lượng nước và muối cho cơ thể. Nếu không kịp bổ sung nước và muối khoáng cho cơ thể điện giải, thân nhiệt sẽ tăng cao rất dễ dẫn đến sốt và các bệnh khác. Các triệu chứng nhẹ của tình trạng mất nước bao gồm: môi và lưỡi khô; đau đầu; yếu ớt, chóng mặt hoặc mệt mỏi cực độ; nước tiểu ít và sậm mầu hơn bình thường; buồn nôn…Nếu gặp các dấu hiệu này, người lớn bình thường khỏe mạnh có thể tự điều trị. Nhưng nếu trẻ em hoặc người cao tuổi có các dấu hiệu trên thì không nên chủ quan, mà nên theo dõi thêm, khi thấy các dấu hiệu có vẻ nặng lên thì cần đi khám ngay.
Tình trạng nặng khi cơ thể mất nước sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng sau đây: miệng khô họng khát, da rất khô; thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh; hạ huyết áp, nhức đầu; mắt trũng, ít đi tiểu; xuất hiện mất phương hướng, dễ cáu kỉnh hoặc có mệt mỏi cực độ; tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy vừa phải trong 24 giờ trở lên; phân có máu hoặc phân đen…
Trường hợp nào dễ bị mất nước?
Người làm việc ngoài trời: Công nhân xây dựng, nhân viên cảnh sát, nhân viên vệ sinh thu gom rác và những người dành phần lớn thời gian làm việc trong nắng nóng, có ít thời gian nghỉ ngơi trong phòng hoặc uống bù nước. Vì vậy những trường hợp này dễ mất nước nhất.
Người đang tập thể dục: Trong những tháng mùa hè, nếu tập thể dục ngoài trời, cơ thể có nguy cơ mất nước cao, có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến nhiệt, bao gồm kiệt sức, đột quỵ và trong trường hợp nặng có thể tử vong.
Vận động viên: Những người dành hàng giờ tập luyện và thi đấu trong nắng nóng thường không có đủ lượng chất lỏng để bù đắp cho lượng nước đã tiêu hao gây ra bởi các hoạt động cơ bắp mạnh mẽ, cường độ cao.
Trẻ em: Vào mùa nắng nóng trẻ em cũng bước vào kỳ nghỉ hè, dành nhiều thời gian hoạt động ở ngoài trời. Vì trẻ em có diện tích bề mặt da lớn hơn so với khối lượng cơ thể, nên cơ thể trẻ thường tăng nhiệt nhanh hơn so với người lớn khi nhiệt độ không khí bên ngoài cao hơn nhiệt độ cơ thể.
Người cao tuổi: Khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của người cao tuổi bị giảm đi so với người trẻ. Người cao tuổi dinh dưỡng kém, mắc nhiều bệnh mạn tính và dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương do nhiệt hơn. Người cao tuổi có xu hướng uống ít nước và dễ mất nước nhất là trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, những người đi du lịch, tham quan vào những ngày nắng nóng cũng thường xuyên có những hoạt động ngoài trời, nơi đông người nóng bức, nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt cũng dễ có nguy cơ mất nước và sốc nhiệt.
Cách giữ mát và đủ nước cơ thể trong ngày nắng nóng
Uống nhiều nước: Nắng nóng làm cơ thể tiết nhiều mồ hôi và mất nước. Vì vậy, cơ thể cần uống nhiều nước hơn để bù đắp lượng nước đã mất đi. Hãy uống ngay cả lúc không cảm thấy khát. Vào lúc bạn khát, cơ thể bạn đã bị mất nước. Nước đun sôi để nguội là thức uống giải nhiệt tốt nhất. Bên cạnh đó, bạn có thể uống thêm các loại nước mát có chức năng giải nhiệt như rau má, lá vối, sắn dây, nước mía, nước chanh… Lưu ý, nước đá mát lạnh cũng giúp cơ thể “đã khát” hơn nhưng không nên uống nhiều vì dễ gây viêm họng. Tránh đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu trong khi ở dưới ánh nắng mặt trời hoặc môi trường tăng nhiệt. Đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu kích thích sản xuất nước tiểu, qua đó thúc đẩy sự mất nước. Bạn cũng có thể lựa chọn một trong những đồ uống thể thao với nhiều hương vị có sẵn trên thị trường.Thức uống thể thao giúp thay thế một số chất điện giải mà bạn bị mất qua mồ hôi và cung cấp năng lượng carbohydrate cho cơ bắp hoạt động.
Cụ thể nhu cầu nước ở từng nhóm như sau:
Người lớn: trung bình cần 8 -10 ly mỗi ngày vào mùa nắng nóng, mỗi ly chứa 200ml. Người lớn cần 300 ml chất lỏng trước khi bắt đầu hoạt động, cũng như thêm 150 ml mỗi 10 đến 20 phút trong khi đang hoạt động. Bạn nên tiêu thụ 400-600 ml chất lỏng trong vòng 2 giờ đầu tiên khi hoạt động ngoài trời.
Trẻ em: cần 100-200 ml chất lỏng trước khi bắt đầu các hoạt động ngoài trời, và sau đó bổ sung 100 ml mỗi 20 phút nếu vẫn ở ngoài trời nắng nóng. Kể cả khi quay trở vào nhà sau hoạt động ngoài trời, trẻ vẫn cần tiêu thụ từ 200-400 ml chất lỏng trong vòng 2 giờ đầu tiên sau khi chúng ngừng hoạt động.
Chọn trang phục thoáng mát: Trang phục màu tối hoặc sậm màu hấp thu bức xạ nhiệt rất tốt, làm cơ thể nóng thêm. Vì thế hãy chọn các màu sắc tươi sáng để giảm nhiệt cơ thể như: trắng, vàng chanh, màu pastel...Chất liệu vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi để cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Với những ai thường xuyên ra ngoài, nên chọn những bộ quần áo che chắn kín cơ thể hoặc mặc thêm phụ kiện chống nắng để tránh ung thư da.
Giảm cường độ tập thể dục hoặc hoạt động của bạn trong những ngày đầu nắng nóng, để cơ thể thích nghi với điều kiện thời tiết, sau đó dần trở về lịch tập như bình thường.
Cân bằng nhiệt độ cơ thể: Bất cứ khi nào có cơ hội, hãy nghỉ ngơi trong bóng râm; Điều quan trọng cần nhớ là bất cứ khi nào một người ở trong môi trường có nhiệt độ cao mà có triệu chứng choáng váng hoặc bất tỉnh, cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
DS. Hà Thắng
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ