Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh người già
Đáng nói, ngày càng nhiều người trẻ mắc căn bệnh này.
Chậm phát hiện, nguy cơ tàn phế
Ở tuổi 44, chị Đào Thanh Ng. (TP.HCM) đã có “thâm niên” 14 năm mắc Parkinson với dấu hiệu cứng chân tay, khó vận động.
Chị Ng. cho hay: “Lúc đầu, không hiểu mình mắc bệnh gì, ai chỉ đâu khám đó, thuốc đông y, tây y kết hợp nhưng bệnh nặng rất nhanh. Thời gian đầu, gia đình còn nghĩ mình bị đột quỵ”.
Chữa ở nhiều nơi, nhưng đến khi tới thăm khám tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, chị mới biết mình mắc căn bệnh mà chị vốn vẫn nghĩ chỉ gặp ở người già.
Chị Ng. đã can thiệp kích thích não sâu, giúp tình trạng ổn hơn nhưng hiện giờ vẫn đều đặn thăm khám và dùng thuốc hỗ trợ.
Còn với chị Nguyễn Thanh X. (TP.HCM) vốn là một giảng viên đại học, nhưng căn bệnh Parkinson đến sớm khiến chị phải ngừng công tác giảng dạy và chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.
Chị X. cho biết: “Tôi đã điều trị căn bệnh này 8 năm, nay tiếp tục duy trì. Nếu không có thuốc thì không tự đứng dậy, khi trở người hay nằm đều cứng như đá”.
Cũng có các dấu hiệu ban đầu tương tự chị Ng. như chậm vận động, cứng chân tay, chị X. còn không ngửi được mùi.
Theo TS.BS. Trần Ngọc Tài, Phó Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, người trẻ mắc Parkinson với các triệu chứng ban đầu như run tay, chậm cử động, rối loại dáng đi, tuy nhiên nhiều người vài năm sau mới phát hiện ra.
Trong khi đó, bệnh này cần nhận biết sớm, can thiệp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi chỉ sau 5 - 7 năm chậm can thiệp, người bệnh có nguy cơ bị tàn phế.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khoảng 5 - 10% người bệnh có yếu tố gien. Một số trường hợp khác thì ghi nhận do tiền sử gia đình hay do tiếp xúc nhiều với hóa chất, thuốc trừ sâu (nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác).
“Thông thường, bệnh Parkinson xuất hiện ở lứa tuổi từ 50 trở lên nhưng hiện căn bệnh này đang ngày một trẻ hóa. Ghi nhận trong một số nghiên cứu cho thấy thời gian gần đây nhiều người mắc bệnh Parkinson ở khoảng 30 - 40 tuổi, có tới 10% khởi phát bệnh trước 45 tuổi”, BS. Tài thông tin.
Cần được chẩn đoán bệnh sớm
Sự khác biệt lớn nhất giữa bệnh Parkinson ở người trẻ và người lớn tuổi chính là quá trình diễn tiến của bệnh.
Mặc dù phương pháp điều trị giống nhau, nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, đối với bệnh Parkinson khởi phát sớm, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì tốc độ tiến triển của bệnh thường chậm hơn rất nhiều so với người lớn tuổi.
BS. Trần Ngọc Tài thông tin, có thể nhận biết sớm bệnh Parkinson thông qua 4 triệu chứng chính như: Run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và mất ổn định tư thế.
Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như viết chữ khó khăn, nhỏ dần; giọng nói thay đổi; thường xuyên bị táo bón, chảy nước dãi; tiểu gấp; giảm ham muốn tình dục, mất ngủ…
Để hạn chế rủi ro mà bệnh gây ra, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh Parkinson tăng nặng theo thời gian.
Người bệnh ở giai đoạn nặng có thể gặp phải biến chứng như sa sút trí tuệ, sụt cân, suy kiệt, nhiễm trùng phổi và đường tiểu; té ngã gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt cổ xương đùi ở người lớn tuổi. Nếu không được kiểm soát tốt bằng thuốc cũng như vận động sẽ gây nên tình trạng tàn phế rất nặng nề.
“Vì vậy, nếu bệnh nhân được tư vấn tốt để điều trị cùng với các chương trình tập luyện phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân thực hiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày một cách tốt nhất. Việc điều trị sớm không chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng mà còn bảo vệ tế bào thần kinh cho người bệnh”, BS. Bình khuyến cáo.
Dựa vào độ tuổi thường mắc bệnh, từ trước đến nay Parkinson vẫn luôn được ngầm hiểu như là một bệnh lý của người lớn tuổi. Chính vì vậy mà các biểu hiện xảy ra ở người trẻ tuổi thường không được chú ý. Điều đó dẫn đến khả năng nhiều trường hợp đang tiềm ẩn bệnh Parkinson nhưng lại không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán sai trong một thời gian dài.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?