Những món ăn ngày Tết không tốt cho người mắc bệnh thận

Những món ăn đa dạng ngày Tết luôn hấp dẫn khẩu vị. Tuy nhiên, người bệnh thận cần lưu ý những khuyến cáo dưới đây để bảo vệ sức khỏe.

Có nên ăn bánh chưng, hành muối?

Theo chia sẻ của BS Đỗ Gia Tuyển, nguyên Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, trong các món ăn ngày Tết, đặc trưng nhất là bánh chưng. Loại bánh này rất giàu năng lượng và có nhiều chất béo, ít có lợi cho sức khỏe nhất là ở bệnh nhân suy thận mạn đã có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và bệnh nhân có hội chứng thận hư có tăng mỡ máu.

Mặt khác, bánh chưng cùng với dưa muối, thịt đông là những món ăn chứa một hàm lượng muối cao, nhiều chất béo, không tốt cho người mắc bệnh thận có kèm thêm tăng huyết áp hoặc bị phù.

Những món ăn ngày Tết không tốt cho người mắc bệnh thận

Bánh chưng, hành muối không tốt cho người bệnh thận.

Các loại thực phẩm như tôm, cá khô, xúc xích, thịt bò khô cũng có một hàm lượng muối cao, hoặc có nhiều chất béo cũng không tốt cho những bệnh nhân cần hạn chế muối và kiêng mỡ như bệnh thận.

Ngoài ra, các loại giò, chả... cũng là những món có nhiều chất béo, hàm lượng protein khá cao. Do vậy, người suy thận cũng chỉ nên ăn một lượng rất hạn chế, khoảng 100-150g/ngày và có thể ít hơn nữa nếu các bệnh nhân suy thận có kèm theo tăng huyết áp, suy tim hoặc suy thận giai đoạn điều trị bảo tồn chưa phải lọc máu chu kỳ.

Thức ăn từ phủ tạng của động vật như óc lợn, gan, dạ dày và một số thức ăn như dưa giá, măng, dù là măng tươi hay khô, đều là những thực phẩm làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu, nên tránh dùng ở những người bị mắc bệnh thận có tăng acid uric (bệnh goute) đi kèm.

Riêng đối với nước và trái cây, theo BS Tuyển, đây là loại thực phẩm được khuyên dùng nhiều trong những ngày Tết. Tuy nhiên điều này chỉ đúng đối với những người bình thường hoặc những người bị bệnh thận chưa có suy thận và tiểu ít.

Còn với bệnh nhân đã bị suy thận, ăn nhiều trái cây như cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, táo... có nguy cơ tăng kali máu, có thể tử vong rất nhanh nếu như tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim.

Với nước uống nên dùng nước đun sôi để nguội. Lượng nước qua ăn hoặc uống vào hàng ngày bằng số lượng nước tiểu trong ngày cộng thêm từ 400-500 ml. Với những người bị phù nhiều hoặc tăng huyết áp nên hạn chế nước. Tuyệt đối không uống rượu bia, không nên uống các loại nước ngọt có ga vì dễ gây các biến chứng về đột quỵ, nhất là người suy thận có tăng huyết áp.

Lưu ý với từng nhóm bệnh thận

Nhân dịp năm mới, BS Đỗ Gia Tuyển có những khuyến cáo cụ thể về dinh dưỡng đối với từng nhóm bệnh nhân thận.

Với bệnh nhân bị bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư, khi bệnh nhân chưa suy thận, những thực phẩm có thể dùng như: các chất bột đường, các loại gạo, mì. Về lượng chất béo chỉ nên sử dụng 20-25g/ngày, trong đó đa số là dùng dầu thực vật.

Chất đạm thì bổ sung thịt nạc, cá, sữa, đậu đỗ, lượng đạm nên duy trì 1,5-2g/kg/ngày. Nên sử dụng sữa bột ít hoặc không có bơ để tăng cường protein và canxi.

Các loại rau và trái cây có thể dùng như bình thường, nếu bệnh nhân tiểu ít, phù to hoặc có tràn dịch màng bụng, màng phổi thì cần hạn chế ngay cả khi người bệnh đang nằm viện điều trị.

Những món ăn ngày Tết không tốt cho người mắc bệnh thận

Với các bệnh nhân thận cần lưu ý trong việc lựa chọn món ngon ngày Tết để giữ gìn sức khỏe.

Với bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu: Ăn kiêng là điều kiện sống còn với bệnh nhân suy thận. Chế độ ăn sẽ phụ thuộc vào mức độ suy thận, nói chung cần phải giảm protein (đạm), cung cấp đủ vitamin và các yếu tố vi lượng, các yếu tố tham gia quá trình tạo máu. Bảo đảm được cân bằng muối nước, ít chua, đủ canxi và thấp phosphore.

Những thực phẩm nên dùng như chất bột đường như các loại đường, mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây. Chất béo dầu, mỡ, bơ chỉ sử dụng 35-40g/ngày, 2/3 có nguồn gốc thực vật. Cần giảm thịt nạc, cá duy trì khoảng 0,6g/kg thể trọng/ngày.

Các loại hoa quả nên dùng loại chứa hàm lượng đường cao và hàm lượng kali thấp.

Với bệnh nhân suy thận mạn đã lọc máu chu kỳ, chế độ ăn có thể không nghiêm ngặt như trước khi lọc máu, nhưng cũng không được ăn uống như người có chức năng thận bình thường.

Khi bệnh nhân suy thận đã lọc máu chu kỳ thì sau một thời gian ngắn, lượng nước và muối dư thừa đã được điều chỉnh, nhờ vậy nhiều trường hợp tăng huyết áp sẽ được điều chỉnh mà không cần dùng thuốc nữa. Khi đó người bệnh không được tăng cân quá 1,5kg/giữa 2 lần lọc máu. Nếu cân nặng tăng quá nhiều, khi đó bắt buộc phải hạn chế lượng nước uống. Khi huyết áp trở về bình thường, bệnh nhân có thể dùng thêm một lượng nhỏ muối nhưng phải rất cẩn thận.

Khi bệnh nhân suy thận đã được lọc máu, thận nhân tạo thải bớt ure, nên người bệnh có thể ăn vào một lượng đạm gần như người bình thường. Ngoài đạm động vật: các loại thịt, cá, trứng (lòng trắng), cũng có thể dùng đạm có nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu xanh... nhưng cần cẩn thận vì các loại đậu chứa hàm lượng kali khá cao. Tuy nhiên cần hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều phosphore như sữa, phomát, cua, lòng đỏ trứng, rau quả khô vì khi phosphore trong máu tăng sẽ làm tăng hoạt động tuyến cận giáp dễ gây các biến chứng về xương và mạch máu.

Người lọc máu chu kỳ sẽ bị lọc bớt một số yếu tố vi lượng, nhất là các loại sinh tố tan trong nước như nhóm sinh tố B, C, do đó phải cung cấp thêm các yếu tố vi lượng này. Ngoài ra, khi cung cấp đủ các yếu tố vi lượng sẽ làm tăng hiệu quả của các thuốc điều trị thiếu máu.

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sống lành mạnh - 08/10/2024

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Sống lành mạnh - 01/10/2024

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới