Công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc

Sau 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt với một số thách thức như vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ hay tăng tiêu thụ thịt…

Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành thường kỳ 10 năm một lần, do Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với Tổng cục Thống kê triển khai, được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế.

Theo Thứ Trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cuộc Tổng điều tra lần này (2019 - 2020) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia, với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành, đại diện cho 6 vùng sinh thái.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thu thập đồng thời các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phẩn ăn cá thể, cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông tin tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc tổ chức sáng 15/4, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, kết quả tổng điều tra cho thấy sau 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về dinh dưỡng như tăng trưởng chiều cao, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi…

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em hay tiêu thụ thịt tăng nhanh…

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia trình bày về kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 - Ảnh: Nguyễn Liên
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia trình bày về kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 - Ảnh: Nguyễn Liên

Bảy kết quả chính được công bố sau Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc:

Tiêu thụ thịt tăng nhanh, mức ăn rau quả còn ít

Theo kết quả điều tra, năng lượng trung bình trong khẩu phần của người Việt đạt 2.023 kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925 kcal/ người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ protein, lipid và glucid (2020) là: 15,8% - 20,2% - 64% (so với tổng năng lượng ăn vào). Cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam.

Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020). Tuy nhiên, mức tiêu thụ này mới chỉ đạt khoảng 66,4 - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Trong khi đó, tiêu thụ thịt tăng nhanh: từ 84g/người/ngày (mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc  năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).

Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã đạt mức trung bình

Từ kết quả điều tra, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (mức dưới 20%).

Như vậy, đến nay, Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em đến năm 2025). Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi. Ở các vùng nông thôn và miền núi, tỷ lệ này còn ở mức cao.

Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam

Theo nhóm nghiên cứu, chiều cao người Việt đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi (đạt 168,1cm năm 2020, tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ thanh niên (đạt 156,2cm năm 2020, tăng 1,4cm so với năm 2010: 154,8cm).

Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng nhanh

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở lứa tuổi học đường còn 14,8% (năm 2010, tỷ lệ này là 23,4%).

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

Kết quả cuộc Tổng điều tra cho thấy, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người Việt đã có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (riêng phụ nữ có thai, tỷ lệ thiếu máu ở mức trung bình). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng giảm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, bà mẹ.

Về thiếu kẽm:Trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58%, ở phụ nữ có thai giảm xuống 63,5% nhưng vẫn ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng theo đánh giá của WHO.

Tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc (67,7%) và Tây Nguyên (66,6%) và còn cao hơn ở đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (81,9%) và Tây Nguyên (63,9%).

Đặc biệt ở khu vực thành phố 5 năm qua (2015-2020) tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (49,6%) và hầu như không cải thiện.

Về thiếu Vitamin A: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống ở mức ý nghĩa cộng đồng nhẹ (9,5%). Tỷ lệ này vẫn cao nhất ở khu vực Miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây nguyên (11,0%).

Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5-9 tuổi là 4,9%, ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của WHO.

Can thiệp uống viên nang vitamin A liều cao đã được triển khai nhiều thập kỷ qua nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng tuổi vẫn còn ở mức nhẹ và giảm chậm trong những năm gần đây.

Về thiếu máu: Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng trên cả nước giảm xuống ở mức ý nghĩa cộng đồng nhẹ 19,6%. Tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây nguyên (26,3%).

Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em 5-9 tuổi (9,2%); ở trẻ em 10-14 tuổi (8,4%), đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của WHO.

Tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Theo các số liệu thu tập được, tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có sự cải thiện đáng kể, tăng từ 19,6% (năm 2010) lên 45,4% (năm 2020). Trong đó, ở khu vực thành thị, tỷ lệ này là 55,7%, nông thôn là 40,3% và nông thôn miền núi là 42,7%.

Kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm

Tỷ lệ người dân có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm có cải thiện rõ rệt: 35,8% số người trả lời có kiến thức tốt; 55,6% có kiến thức trung bình và chỉ 8,6% có kiến thức kém.

Về xử lý ngộ độc thực phẩm: 78% số người trả lời lựa chọn đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị so với 44,9% năm 2010; tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống về ATTP cũng tăng gấp hai lần so với điều tra năm 2010.

Đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng bà mẹ trẻ em.

Tuy nhiên, chúng ta chưa đạt được các chỉ tiêu liên quan đến cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, khống chế thừa cân béo phì ở người trưởng thành và một số chỉ tiêu liên quan đến nâng cao năng lực thực hiện Chiến lược.

Ông Tuyên nhấn mạnh, với các kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng được công bố lần này, chúng ta sẽ có những định hướng để xây dựng Chiến lược cho giai đoạn mới, cụ thể:

- Tăng cường đầu tư cho các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu trong 1.000 ngày vàng, bao gồm dinh dưỡng trước/trong khi mang thai, dinh dưỡng bà mẹ cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý. Lồng ghép can thiệp dinh dưỡng trong đảm bảo bao phủ y tế toàn dân.

- Có những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Cần có phương pháp tiếp cận toàn bộ hệ thống thực phẩm để ứng phó với đô thị hóa và những thách thức trong hệ thống thực phẩm, giúp mọi người tiếp cận với chế độ ăn hợp lý và lành mạnh. Cần cải thiện luật pháp quản lý hệ thống thực phẩm và chế độ ăn, kết hợp với các biện pháp giảm nghèo có mục tiêu và thay đổi hành vi ăn uống giữa các nhóm dân cư cụ thể.

- Đầu tư chiến lược và cơ cấu lại hệ thống là cần thiết để đạt được sự công bằng hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi. Đồng thời, cần có các mục tiêu cải thiện dinh dưỡng riêng cho các nhóm dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn.

- Cần chuyển dinh dưỡng từ việc được coi là vấn đề y tế sang cam kết và tham gia đa ngành. Việc lồng ghép chiến lược dinh dưỡng vào nhiệm vụ của các ngành then chốt khác chỉ có thể thay đổi khi cải cách thể chế, cho phép triệu tập, cam kết và phối hợp cấp cao giữa các ngành để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của các dạng suy dinh dưỡng khác nhau.

Nguyễn Liên

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới