Dùng thuốc viên đạn hạ sốt đúng cách và an toàn cho trẻ

18/05/2020 - Thuốc biệt dược
Loại thuốc hạ sốt dạng viên đạn đặt hậu môn được sử dụng nhiều khi trẻ sốt. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc viên đạn không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, thì cần hạ sốt kịp thời, tránh để tình trạng sốt cao kéo dài sẽ rất nguy hiểm cho trẻ vì có thể dẫn tới co giật và các biến chứng khác. Để hạ sốt cho trẻ, có hai cách dùng thuốc là đường uống và đặt hậu môn. Có nhiều bé, đặc biệt là các bé bị sốt do viêm VA, amidan, viêm họng, viêm phế quản cấp tính, mỗi lúc uống thuốc thường hay quấy khóc, không chịu uống, uống thuốc hay bị nôn, thuốc sẽ bị đẩy ra ngoài. Bên cạnh đó, trẻ sốt cao li bì  sẽ mệt, việc cho trẻ uống thuốc lại càng khó khăn. Do vậy giải pháp kịp thời để hạ sốt cho trẻ tại gia đình là dùng thuốc đặt hậu môn.

Thuốc viên đạn hạ sốt có nhiều ưu điểm

Thuốc viên đạn là một dạng thuốc hạ sốt được bào chế có hình dạng viên đạn hoặc hình thủy lôi dùng đặt hậu môn. Loại thuốc này được dùng chủ yếu cho trẻ nhỏ (thuốc cần thiết trong tủ thuốc gia đình có con nhỏ), cũng có khi dùng cho người cao tuổi trong trường hợp đặc biệt.

Thuốc viên đạn hạ sốt thường chứa paracetamol, ở các liều lượng khác nhau. Để được hấp thu dễ dàng, thuốc đạn được bào chế bằng cách phối hợp dược chất với các tá dược có khả năng tan chảy ở nhiệt độ cơ thể (37 độ C), vì vậy thuốc tan rã ra nhanh chóng khi đặt vào trực tràng và được giữ ở vị trí cần thiết, không bị đẩy ra bởi lực cản của cơ vòng hậu môn.

Do hệ thống tĩnh mạch trực tràng rất dày, lưu lượng máu tuần hoàn khá lớn, nên sự hấp thu thuốc qua đặt thuốc rất tốt. Đặc biệt, tĩnh mạch trực tràng đi thẳng vào tuần hoàn chung, không qua gan, nên dùng thuốc theo đường này có hiệu quả cao và giảm gánh nặng cho gan trong việc thải độc, đồng thời tác dụng của thuốc cũng cao do không bị phá hủy ở gan. Việc sử dụng thuốc đạn giúp tránh được tương tác với bộ máy tiêu hóa, đặc biệt ở những trẻ đang sốt và bị tổn thương ở đường tiêu hóa. Hơn nữa, ưu điểm của viên đạn hạ sốt  là không bị ảnh hưởng khi trẻ bị nôn ói hay co giật, hiệu quả nhanh hơn uống.

Nhưng thuốc dạng viên đạn cũng có nhược điểm

Khi cho trẻ dùng viên đạn hạ sốt cũng để lại những tác dụng phụ không mong muốn.

Đau rát, tiêu chảy: Thuốc viên đạn dễ gây nhiễm khuẩn hậu môn, làm hậu môn của trẻ sưng tấy, đau rát. Thuốc còn gây tiêu chảy nếu dùng nhiều lần hoặc khoảng cách các lần dùng quá gần, dùng lâu ngày có thể gây viêm trực tràng.

Nếu cho trẻ đặt thuốc vài ngày mà trẻ có triệu chứng đi ngoài thì cần dừng ngay. Bởi đặt thuốc trong khi trẻ bị đi ngoài, thuốc sẽ bị đào thải ngay ra ngoài và không có tác dụng. Thậm chí thuốc còn gây kích thích tại chỗ, khiến trẻ đi ngoài nhiều lần hơn.

Gây ngứa: Thuốc đạn khi đặt thường gây ngứa hậu môn, mức độ và tần số cơn ngứa thường phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Đây là nguyên nhân khiến trẻ đang đặt thuốc có biểu hiện khó chịu hay trung tiện thậm chí són phân.

Để dùng thuốc viên đạn đúng cách và an toàn, mọi người cần lưu ý:

Thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, nên để trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2 độ C – 8 độ C. Trước khi dùng nên kiểm tra viên thuốc phải bảo đảm đủ độ cứng, dễ dàng đưa thuốc vào trực tràng. Bóc thuốc ra phải nhét ngay vào hậu môn vì rời lớp vỏ, thuốc dễ tan chảy nhanh. Trong loại thuốc đạn này có chứa paracetamol, vì vậy không được cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa paracetamol, dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ quá nhanh lên thân nhiệt của trẻ và  ngộ độc thuốc. Trước khi đặt thuốc, cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ rồi rửa tay sạch bằng xà phòng. Đặt tư thế mông trẻ dốc lên để dễ dàng đặt thuốc và phải nhẹ nhàng khi đặt, tránh mạnh tay. Sau đó khép giữ 2 nếp mông trẻ để thuốc không rơi ra ngoài trong 2 - 3 phút.

Cho trẻ dùng thường xuyên viên đạn hạ sốt, nên hay không?

Không nên coi việc dùng thuốc viên đạn là giải pháp thường xuyên để hạ sốt cho trẻ. Thuốc viên đạn hạ sốt chỉ nên dùng khi trẻ không thể uống được thuốc, trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà không muốn đánh thức trẻ dậy. Mỗi ngày không nên dùng thuốc đặt hậu môn quá 2 lần và nên xen kẽ giữa các lần dùng thuốc uống và thuốc đặt.

Không dùng thuốc viên đạn hạ sốt với trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm da vùng hậu môn - trực tràng, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy. Không nên dùng cho trẻ thường bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn vì lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng điều trị.

Lưu ý: Khi trẻ sốt, cần thường xuyên cặp sốt cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, để tăng hiệu quả của việc dùng thuốc nên cởi bỏ bớt quần áo, tránh ủ trẻ ấm quá, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn lỏng, đặt trẻ nơi thoáng. Thông thường thuốc hạ sốt sẽ có tác dụng sau khi uống chừng 15-30 phút. Trong lúc đợi thuốc có tác dụng, cha mẹ lau mát cho trẻ. Nếu sau khoảng thời gian đó và đã lau mát rồi nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, kể cả vào ban đêm.

DS. Kim Thành - Tạp chí Dược Mỹ phẩm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới