Ho cấp tính: Cập nhật thông tin về các lựa chọn điều trị

Ho là một cơ chế phản xạ quan trọng nhằm bảo vệ cơ thể, giúp làm thông đường thở khỏi sự sản sinh quá mức của chất tiết và ngăn chặn dị vật xâm nhập vào cơ thể.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Khi hệ hô hấp bị tổn thương, ho có thể tiến triển nặng, không có đờm và có khả năng gây hại cho bệnh nhân. Ho là nguyên nhân phổ biến làm nhiều bệnh nhân phải tìm kiếm chăm sóc y tế. Tại Hoa Kỳ, ho dẫn đến 30 triệu lượt chăm sóc sức khỏe ban đầu mỗi năm và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải đến khoa cấp cứu.

Ho được phân loại dựa trên thời gian: Ho cấp tính kéo dài dưới 3 tuần, ho bán cấpkéo dài từ 3 đến 8 tuần và ho mạn tínhkéo dài hơn 8 tuần. Phần lớn các trường hợp ho cấp tính do nhiễm trùng đường hô hấp trên, có thể tự hồi phục và hiếm khi cần can thiệp y tế đáng kể. Các nguyên nhân gây ho cấp tính không liên quan đến nhiễm trùng bao gồm hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm mũi dị ứng và phơi nhiễm với chất ô nhiễm trong môi trường. Nguyên nhân phổ biến góp phần gây ho mạn tính là hội chứng ho đường hô hấp trên, trào ngược dạ dày - thực quản, hút thuốc lá và dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin.

Mặc dù ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhưng phản ứng này có thể khó được kiểm soát, gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày và giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Theo một khảo sát gần đây, 52% số người được hỏi cho rằng ho/cảm lạnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Trong đó, gần 60% cho rằng ho và nghẹt mũi là các triệu chứng gây khó ngủ nhiều nhất. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy mất tự nhiên, lo lắng, đau cơ xương và tiểu tiện không tự chủ. Nhiều bệnh nhân ho sẽ lựa chọncác biện pháp tự điều trị. Năm 2017, hơn 8 tỷ đô la Mỹ đã được chi trả cho các sản phẩm trị ho và cảm lạnh tại Hoa Kỳ.

 ĐÁNH GIÁ HO

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Trong đánh giá ho, người lớn cần được đánh giá và điều trị khác với trẻ em. Các hướng dẫn lâm sàng của Trường môn bác sĩ lồng ngực Hoa Kỳ(American College of Chest Physicians)khuyến cáo bệnh nhân ho nên được chia thành nhóm trẻ em (dưới 15 tuổi) và nhóm người lớn. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về hotrong nhóm bệnh nhi và nhóm người lớn, vẫn có những khác biệt về lâm sàng và sinh lý giữa các nhóm bệnh nhân này;ví dụ tiêu chuẩn chẩn đoán đối với người lớn (như viêm phế quản mạn tính và COPD) không được áp dụng cho trẻ em, hoặcphản ứng khác nhau với một số loại thuốc giữa các nhóm này. Ngoài ra, bệnh nhân mắc kèm các bệnh lý nền,mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch cần được đánh giá thêm. Bệnh nhân có một số triệu chứng khác (bảng 1) nên đượcthăm khám sâu hơn, dođây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến ho như thuyên tắc phổi, phù phổi, hít phải dị vật hoặc cơn hen ác tính.

Bảng 1: Các trường hợp không được tự điều trị

·      Thở ngắn

·      Khó thở

·      Sốt

·      Đau ngực

·      Sụt cân

·      Thở nhanh

·      Ho ra máu

·      Thở khò khè

·      Thay đổi giọng nói

 

ĐIỀU TRỊ

Tại Hoa Kỳ, có nhiều loại thuốc được bán mà không cần kê đơn (OTC) trị ho được lưu hành trên thị trường. Hầu hết các chế phẩm OTC thuộc hai loại chính là thuốc giảm ho và thuốc long đờm (bảng 2).Việc được bán mà không cần đơn thuốc khiến bệnh nhân cho rằng các thuốc này an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng chứng minhhiệu quả của các sản phẩm này trên thực tế. Các hướng dẫn gần đây về kiểm soát ho cấp tính không khuyến cáo sử dụng các chế phẩm trị ho và cảm lạnh OTC, trừ khi chúng được chứng minh làm giảm mức độ ho hoặc hồi phục nhanh hơn.

Bảng 2: Các loại thuốc ho OTC tại Hoa Kỳ

Thuốc long đờm

Guaifenesin

Thuốc giảm ho

Dextromethorphan*

Menthol

Diphenhydramin

Codein

Ghi chú: (*) Không có trong Danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm không kê đơn trong Thông tư số 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế (Việt Nam)

Thuốc trị ho - Ảnh minh họa
Thuốc trị ho - Ảnh minh họa

 

Thuốckháng histamin H1: Các thuốc khángthụ thể histamin H1thế hệ 1 đã từng được sử dụng để điều trị ho cấp tính. Các thuốc này có cơ chế chống ho gián tiếp ở ngoại vi liên quan đến hoạt động của cholinergic. Trong đó, nhiều thuốc kháng histamin có tác dụng kháng cholinergic. Khác vớithế hệ 1, các thuốc kháng histamin H1thế hệ sau chưa chứng minh được lợi ích trong điều trị ho. Chỉ có rất ít thử nghiệm chứng minh hiệu quả chống ho khi sử dụng thuốc kháng histamin. Ngoài ra, một nghiên cứu tổng quanđã hệ thống chứng minh sự phối hợp của thuốc kháng histamin với thuốc chống sung huyết mũichokết quả không thống nhất, dẫn đếnkhó khăn đểkết luận về hiệu quả của các thuốc này. Tương tự, phối hợp thuốc kháng histamin với thuốc giảm đau không cho thấy bất kỳ tác dụng nào đối với ho khi so sánh với giả dược hoặc paracetamol. Các nghiên cứu về tác dụng chống ho của thuốc kháng histamintrên đối tượng trẻ em còn thiếu; nghiên cứutổng quanCochrane đã kết luận không nên dùng thuốc kháng histaminH1 để điều trị ho ở trẻ em. Nhìn chung, việc sử dụng phổ biến các thuốc kháng histamintrong điều trị ho không được ủng hộ bởi không đủ bằng chứng lâm sàng.

Codein: Codein là một alkaloid tự nhiên được chiết xuất từ cây thuốc phiện. Đây là một tiền chất và sẽ được chuyển hóa thành morphin ở gan. Codein là thuốc giảm ho trung ương và đã được sử dụng rộng rãi từ lâu,nhưng có rất ít bằng chứng chứng minh điều này. Kết quả từ một nghiên cứu về ho do nhiễm trùng đường hô hấp trên cho thấy codein liều duy nhất 30 mg hoặc liều hàng ngày 120 mg có hiệu quả kiểm soát ho không cao hơn so với giả dược. Trong một nghiên cứu khác, codein liều 50 mg được so sánh với giả dược để xác định hiệu quả chống ho của codein trong trường hợp ho liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên. Kết quả của nghiên cứu này cũngcho thấy codein không có tác dụng lớn hơn so với giả dược. Codein cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như an thần, buồn nôn, táo bón và lệ thuộc thuốc. Mặc dù codein là một trong những thuốc chống ho được sử dụng và kê đơn rộng rãi nhưng các nghiên cứu có đối chứngcho thấy đây không phải là thuốc chống ho hiệu quả.

Dextromethorphan: Dextromethorphan có trong thành phần của nhiều chế phẩm trị ho và cảm lạnh. Thuốc này được sử dụng lần đầu vào năm 1953 để điều trị ho và không ghi nhận các tác dụng không mong muốn như codein như buồn nôn, táo bón hay phụ thuộc thuốc. Tương tự codein, dextromethorphan là thuốc giảm ho trung ương, tuy nhiên cơ chế chống ho chính xác của dextromethorphan chưa được giải thích đầy đủ. Dextromethorphan là thuốc duy nhất có thể chứng minh tác dụng ức chế đáng kể ho cấp tính thông qua việc đánh giá triệu chứng như số lần ho, nỗ lực ho và cơn ho. Tuy nhiên, việc chứng minh tác dụng đáng kể trên lâm sàng gặp khó khăn, đặc biệt với ho liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên, do thiếu các nghiên cứu được thiết kế tốt, đủ hiệu lực để đánh giá hiệu quả của dextromethorphan trong việc kiểm soát ho về mặt khách quan và chủ quan.

Một lo ngại trong việc sử dụng dextromethorphan là nguy cơ lạm dụng thuốc và đây là vấn đề vẫn đang tiếp diễn. Dextromethorphan liều cao có thể tạo cảm giác hưng phấn, thoải mái và gây ngộ độc. Dữ liệu gần đây cho thấy tình trạng cố tình lạm dụng dextromethorphan có xu hướng giảm ở đối tượng thanh thiếu niên, nhưng một số người trẻ tuổivẫn đang sử dụng dextromethorphan với mục đích giải trí.

Cần lưu ý, dextromethorphan hiện là thuốc kê đơn tại Việt Nam theo Thông tư số 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế vềban hành danh mục thuốc không kê đơn.

Menthol: Cùng với sự phát triển của thuốc bôi, tác dụng chống ho của menthol đã được sử dụng lần đầu vào những năm 1890 và được đưa vào nhiều chế phẩm thuốc không kê đơn (OTC). Menthol thể hiện tác dụng chống ho thông qua kích hoạt các trung tâm cảm giác ở mũi và điều chỉnh phản ứng ho, thay vì ở phổi. Mặc dù được sử dụng rộng rãi, có rất ít bằng chứng lâm sàng chứng minh tác dụng chống ho của menthol. Trong 2 nghiên cứu nhỏ, menthol thể hiện tác dụng giảm ho do capsaicin và acid citric nhưng tác dụng này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào được công bố hỗ trợ tác dụng chống ho của menthol ở bệnh nhân ho cấp tính hoặc mạn tính.

Guaifenesin:Guaifenesin là thuốc long đờm được FDA Hoa Kỳphê duyệt. Guaifenesin có mặt trong các thuốcOTC trị ho và cảm lạnh và thường được sử dụng để điều trịsung huyết ngực và ho liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên. Mặc dù cơ chế tác dụng chính xác vẫn chưa được giải thích đầy đủ, guaifenesin đã chứng minh được tác dụng đối với chất nhầy, bao gồm tăng thể tích dịch tiết phế quản và giảm độ nhớt của chất nhầy, dẫn đến tăng cường giải phóng dịch tiết đường thở. Guaifenesin cũng có thểcó tác dụng trực tiếp lên các tế bào biểu mô đường hô hấp và ức chế sự nhạy cảm của phản xạ ho.

Mặc dù có sẵn trong nhiều thuốc OTC, hiệu quả long đờm của guaifenesin trong thuốc cảm lạnh và cúm vẫn cần được theo dõi. Nghiên cứutổng quan Cochrane năm 2014 về các sản phẩm ho và cảm lạnh không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ hiệu quả lâm sàng của thuốc này khi dùng đơn độc hoặc kết hợp. Mặc dù thiếu các thử nghiệm chứng minh lợi ích lâm sàng, guaifenesin vẫn tiếp tục được xem như một thuốc long đờm hiệu quả. Guaifenesin được coi là tương đối an toàn và không liên quan đến bất kỳ tương tác thuốc có ý nghĩa lâm sàng nào. Khi được sử dụng ở liều khuyến cáo, guaifenesin được dung nạp tương đối tốt; ở liều cao, tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc là chóng mặt, đau đầu và rối loạn tiêu hóa.

 QUAN NGẠI VỀ TÍNH AN TOÀN CỦA CÁC THUỐC OTC Ở TRẺ EM

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Tháng 01/2008, FDA Hoa Kỳ đã khuyến cáo không nên sử dụng tất cả các thuốc OTC trị ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 2 tuổi do nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhi. Tháng 10/2008, Hội Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe Người tiêu dùng (Consumer Healthcare Products Association) thông báo các nhà sản xuất đã tự nguyện thay đổi nhãn trên các thuốcOTC trị ho và cảm lạnh dành cho trẻ em ghi rõ thông tin“Không sử dụng cho trẻ dưới 4 tuổi”. Chỉ có rất ít dữ liệu về hiệu quả của các chế phẩm trị ho và cảm lạnh trên đối tượng trẻ em, hầu hết dữ liệu được ngoại suy từ các nghiên cứu trên người lớn. Ngoài ra, các nghiên cứu được thực hiện ở trẻ em đã chỉ ra rằng các thuốcOTC trị ho và cảm lạnh không có khác biệt đáng kể trong việc giảm ho khi so sánh với giả dược. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thường bị lạm dụng, dẫn đến tác dụng không mong muốn nghiêm trọng và gây tử vong. Tháng 01/2018, FDA Hoa Kỳtuyên bố sẽ yêu cầu cập nhật nhãn thuốc để hạn chế sử dụng các thuốc chứa opioid để trị ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 18 tuổi vì những nguy cơ nghiêm trọng đã được ghi nhận vượt quá lợi ích của các thuốc này. Những sản phẩm này sẽ không còn được chỉ định để điều trị ho cho bệnh nhân dưới 18 tuổi.

 VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Bệnh nhân thường xin ý kiến tư vấn của các nhân viên y tế trong việc lựa chọn các thuốc OTC để điều trị ho. Hầu hết các trường hợp ho cấp tính có nguyên nhân do nhiễm trùng đường hô hấp do virus và có thể tự hồi phục. Trong một số trường hợp, ho có thể là dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng hơn và nhân viên y tế cần nhận biết được các triệu chứng cần đánh giá sâu hơn. Không may mắnlà phần lớn các biện pháp điều trị hiện tại được xây dựng dựa trên thói quen điều trịthay vì bằng chứng khoa học.

Hướng dẫn cập nhật năm 2017 của Trường môn Bác sĩ Lồng ngực Hoa Kỳ về quản lý ho cấp tính khuyến cáo không nên sử dụng thuốc OTC trị ho và cảm lạnh, trừ khi các thuốc này được chứng minh có khả năng làm giảm mức độ nghiêm trọng của ho hoặc giúp triệu chứng hồi phụcnhanh hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lựa chọn sử dụng bất kỳ chế phẩm OTC trị ho nào, nhân viên cần hướng dẫn bệnh nhân về việc sử dụng an toàn các sản phẩm này, đặc biệt là cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Hiện tại,FDA Hoa Kỳ không khuyến cáo sử dụng các sản phẩm này cho trẻ dưới 2 tuổi. Trong khi đó,Hội sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùngủng hộviệc sử dụng an toàn, hiệu quả các sản phẩm trị ho cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.

Nhân viên y tế có thể khuyến cáobệnh nhân sử dụng các liệu pháp thay thế như xông hơi hoặc sử dụng máy phun sương mát. Mặc dù chưa có các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên,đối chứng với giả dược đánh giá các liệu pháp điều trị này, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra hiệu ứng giả dược liên quan đến điều trị ho: Gần 40% bệnh nhân báo cáo có sự cải thiện khi điều trị bằng giả dược. Bên cạnh đó, một số bằng chứng cho thấy mật ong có thể làm giảm thời gian ho, đặc biệt với trẻ em. Nghiên cứutổng quan Cochrane đã chứng minh mật ong có thể làm giảm các triệu chứng ho nhiều hơn so với khi không điều trị, sử dụng diphenhydraminhoặc giả dược, nhưng tác dụng của mật ong không cao hơn so với dextromethorphan.Cần lưu ý, không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì nguy cơ ngộ độc botulismcao.

Ho cấp tính là một trong những triệu chứng phổ biến nhất ảnh hưởng đến bệnh nhân, đặc biệt sau khi bệnh nhân mắc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nhân viên y tếđóng vai trò quan trọng giúp tư vấn cho bệnh nhân vềnguyên nhân ho, thời gian diễn biến và hiệu quả của các biện pháp điều trị hiện có.

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN 

Ho là gì?

Ho không phải là bệnh, mà là một cơ chế phản xạvới mục đích bảo vệ cơ thể, giúp ngăn chặn dị vật xâm nhập vào cơ thể bạn. Ho thường xảy ra khi có tác nhân kích thích các đầu dây thần kinh, như khói, bụi hoặc không khí lạnh. Việc hothỉnh thoảng xuất hiện là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, ho có thể trở nên nghiêm trọng trong một số trường hợp.

 Nguyên nhân gây ho là gì?

Ho được chia làm 3 loại dựa trên thời gian ho:

  • Ho cấp tính là tình trạng ho kéo dài dưới 3 tuần, vớinguyên nhân phổ biến nhất là cảm lạnh. Ho thường trở nên nặng hơn trong vài ngày đầu nhưng cuối cùng sẽ hết sau khoảng 2 tuần.
  • Ho bán cấpkéo dài từ 3 đến 8 tuần. Loại ho này thường tồn tại sau khi bệnh nhân mắc cảm lạnh hoặc loại nhiễm trùng khác, nhưng cuối cùng sẽ tự hết mà không cần điều trị.
  • Ho mạn tínhkéo dài hơn 8 tuần, với nguyên nhân thường gặp nhất bao gồmdị ứng, hen, trào ngược acid hoặc hút thuốc lá. Một số thuốc cũng có thể gây ho mạn tính. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin, được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, là nhóm thuốc phổ biến có thể gây ho.

Khi nào bạn cần đếncơ sở y tế?

Nếu bị ho dai dẳng mà không đỡ, bạn nên được kiểm tratại cơ sở y tế. Đặc biệt, nếu bị ho và có các triệu chứng khác bao gồm khó thở, sốt, đau ngực, đờm có máu hoặc mủ, thở khò khè hoặc thay đổi giọng nói, bạn nên đếncơ sở y tế để được kiểm trangay lập tức.

Làm thế nào để giảm ho?

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho. Nếu phát hiện được nguyên nhân gây ho, mục đích điều trị sẽ là kiểm soát nguyên nhân đó.

Đối với ho cấp tính do cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên khác, có nhiều sản phẩm điều trị dạng OTC có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, không có sản phẩm nào chứng minh được hiệu quả trong điều trị ho. FDA Hoa Kỳ khuyến cáo không được sử dụng các sản phẩm này cho trẻ dưới 2 tuổi vì nguy cơ xuất hiện các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thông thường, những cơn ho này sẽ biến mất sau vài tuần khi tình trạng nhiễm trùng cải thiện dần. Bệnh nhân nên uống nhiều nước.Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử xông hơi hoặc sử dụng máy phun sương mát giúp làmdịu ho.

Nguồn: US Pharm

Lưu Thị Thu Trang, Lương Anh Tùng (Tổng hợp)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Thuốc biệt dược - 16/08/2024

TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Thuốc biệt dược - 22/07/2024

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở

Thuốc biệt dược - 17/07/2024

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở

Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV

Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV

Thuốc biệt dược - 20/06/2024

Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành

Thuốc biệt dược - 20/06/2024

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới