Kháng kháng sinh tăng mạnh ở Việt Nam

HÀ NỘI - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận bệnh nhân nam 71 tuổi, đã điều trị ở tỉnh không khỏi, lâm vào nguy kịch do kháng thuốc.

Bệnh nhân sốt, ho, khó thở, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình do viêm phổi. Sau 10 ngày, tình trạng không cải thiện, biểu hiện nhiễm trùng ngày càng nặng, kém đáp ứng kháng sinh, ông được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Ở bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân đã được dùng kháng sinh mạnh nhưng tình trạng nhiễm trùng không giảm. Các bác sĩ phải tiến hành kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Đây là một trong những ca kháng kháng sinh được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 23/11.

Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, phụ trách khoa Cấp cứu, tình trạng kháng kháng sinh tăng đến mức đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, chỉ vài bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển đến, nay nhiều ca được cấy vi khuẩn ngay từ lúc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận đã phát hiện kháng thuốc.

Như vậy, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc xảy ra nhiều bệnh viện. Một năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận có tới 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

"Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến nguy kịch hơn, tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc nhập viện", bác sĩ Chi nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trong sự kiện về phòng chống kháng thuốc ngày 25/11, đánh giá tình trạng lạm dụng kháng sinh đã làm gia tăng kháng thuốc. Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt kháng sinh hiệu quả để điều trị bệnh nhiễm khuẩn.

"Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa", ông Thuấn nhấn mạnh.

Báo cáo về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 114 quốc gia cho thấy người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu, tử vong 25.000 người mỗi năm. Thái Lan tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người. Ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người.

WHO đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới thế hệ 3 và 4. Nhiều loại vi khuẩn đã kháng kháng sinh, trong đó tỷ lệ của vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột và tiêu chảy tăng 40% trong 10 năm qua.

Theo bác sĩ Quân, tình trạng tự mua kháng sinh để tiêm, uống trong dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, gút, lạm dụng sẽ dễ dẫn đến không đáp ứng khi cần điều trị.

Số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng tăng gấp hai lần so với năm 2009. 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.

"Kháng sinh sử dụng càng rộng rãi, vi khuẩn càng nhờn thuốc, lại dẫn đến xu hướng tăng sử dụng kháng sinh, chi phí cũng tăng theo", bác sĩ Quân nói.

Bác sĩ Quân đang thăm khám cho bệnh nhân kháng thuốc. Ảnh: Mai Thanh.
Bác sĩ Quân đang thăm khám cho bệnh nhân kháng thuốc. Ảnh: Mai Thanh.

Phó giáo sư Chi khuyến cáo thói quen tự dùng kháng sinh có thể gây hại tính mạng người bệnh.

"Khi người bệnh không dùng được kháng sinh thế hệ trước, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh", bác sĩ Chi nói.

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là thói quen sử dụng thuốc của người dân. Khi ho, sốt, hay có vấn đề bất ổn về sức khỏe, người dân thường ra nhà thuốc đề nghị bán kháng sinh. Kháng sinh không đúng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc, làm người bệnh mất chi phí, mất cơ hội chữa bệnh tốt.

Bác sĩ lưu ý, người dân chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở giữa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước, không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. Khi chia sẻ sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh lên và kháng lại các thuốc điều trị.

Lê Nga

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới