Lọ huyết thanh cuối cùng cứu mạng người bị rắn hổ mang cắn

TP HCM - Người phụ nữ 34 tuổi ở Đăk Nông bị rắn hổ mang chúa cắn, liệt hoàn toàn, cần truyền huyết thanh kháng nọc rắn gấp, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc này.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 26/3 cho biết bệnh nhân nhập viện cuối tuần trước, do bị rắn cắn vào lưng. Rắn hổ mang chúa là rắn độc nhất ở trên cạn của Việt Nam, nọc rắn nhanh chóng gây biến chứng liệt thần kinh, liệt cơ hô hấp không thở được.

"Bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim khá sớm, nhịp tim rất nhanh, dẫn đến rối loạn huyết động nặng nề", bác sĩ Hùng nói. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, sử dụng các loại dịch truyền, thuốc vận mạch...

Bệnh nhân ngay lập tức được đặt máy tạo nhịp tim để khống chế giúp nhịp tim ổn định. Theo bác sĩ Hùng, các thống kê trước đây ghi nhận bệnh nhân bị rắn cắn tử vong do rối loạn nhịp tim rất nhiều, sử dụng thuốc điều trị nội khoa nhiều khi không đáp ứng.

"Bệnh nhân này bị hoại tử cơ do nọc rắn, dẫn đến suy thận cấp tiến triển, tỷ lệ tử vong càng tăng cao", bác sĩ Hùng nói. Sau khi đặt máy tạo nhịp, thở máy, bệnh nhân kiểm soát được nhịp tim, huyết áp, ổn định hô hấp.

Thời điểm này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa. Huyết thanh kháng nọc giúp trung hòa được ngay độc tố của nọc rắn, sẽ không dẫn đến tàn phá các cơ quan trong cơ thể. "Tùy lượng nọc vào cơ thể, sự tàn phá sẽ khác nhau", bác sĩ Hùng nói. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ, nếu không có huyết thanh kháng nọc khống chế nọc độc phát tán, những tổn thương dễ lan rộng, suy đa tạng phủ, thời gian điều trị kéo dài, dễ biến chứng nặng nề.

Theo bác sĩ Hùng, huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa rất khó sản xuất, hiện phải nhập từ Thái Lan. Hàng năm, Chợ Rẫy nhập huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa về để sử dụng cũng như nhiều lần chuyển huyết thanh đến các bệnh viện khác khi được yêu cầu hỗ trợ. Do diễn biến của Covid-19 từ năm 2020 nên vấn đề nhập huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa về Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Đơn vị sản xuất đang ngưng sản xuất vì ảnh hưởng của dịch.

"Số lượng huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa để sử dụng tại phía Nam gần như đã cạn kiệt", bác sĩ Hùng nói. Bệnh nhân chưa thể sử dụng huyết thanh trong 24 giờ đầu, nên bác sĩ càng phải huy động tối đa mọi phương tiện điều trị hỗ trợ nhằm duy trì sự sống người bệnh.

Nỗ lực liên hệ khắp nơi trong ngày cuối tuần, bác sĩ Chợ Rẫy huy động được 5 lọ huyết thanh từ Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi sử dụng, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tốt. Đến ngày thứ ba, bệnh nhân có thể vận động cơ, tỉnh táo tiếp xúc được, dù vẫn phải thở máy, đặt máy tạo nhịp tim và lọc máu liên tục.

Ngày thứ tư, bệnh nhân có những biến chuyển rất tốt và hôm sau đã tự thở, tỉnh táo, tiếp xúc được. "Nhờ can thiệp sớm bằng nhiều biện pháp hỗ trợ mới, tình trạng nhiễm trùng, hoại tử cơ ở vị trí rắn cắn của bệnh nhân không lan rộng", bác sĩ Hùng đánh giá.

Bệnh nhân hồi phục trò chuyện với bác sĩ Lê Quốc Hùng, chiều 26/3. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhân hồi phục trò chuyện với bác sĩ Lê Quốc Hùng, chiều 26/3. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Từ năm 2020, Chợ Rẫy áp dụng các biện pháp chưa được đưa vào trong các hướng dẫn điều trị của các tổ chức quốc tế để điều trị hỗ trợ người bị rắn hổ mang chúa cắn, như các phương tiện hỗ trợ nhịp tim từ bên ngoài, lọc máu liên tục để loại trừ các độc chất khi có tình trạng hoại tử cơ, viêm cơ ồ ạt...

Trước ca này, bệnh viện đã cứu sống ba trường hợp bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cuối năm ngoái, bệnh viện đã tổng kết những trường hợp này và gửi báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như đăng tải trên các tạp chí về điều trị ngộ độc trên thế giới.

"Việc điều trị thành công thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại rất lớn do Covid-19 để cứu chữa những ca bệnh nặng của bệnh viện", bác sĩ Hùng nói. Bệnh nhân này gần như đã sử dụng những lọ huyết thanh kháng nọc cuối cùng của phía Nam.

Bệnh viện đang liên kết một số nhà nghiên cứu, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vaccine và sinh phẩm y tế ở Nha Trang, xây dựng các quy trình để sản xuất huyết thanh kháng nọc trong nước. "Hy vọng trong hai năm nữa sẽ nguồn sản xuất tại Việt Nam", bác sĩ Hùng nói.

Điều dưỡng trưởng khoa Bùi Ngọc Tuyền, cho biết những ngày đầu, bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, phải nằm phòng hồi sức tích cực và các bác sĩ phải sử dụng nhiều máy móc, trang thiết bị lẫn thuốc men để cứu chữa nên chi phí điều trị cho bệnh nhân khá cao. Hiện nay bệnh nhân đã ổn định, ra khỏi phòng hồi sức, chi phí điều trị giảm đi rất nhiều.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới