Một số tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Kháng sinh là thuốc được kê dùng trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên thực tế hiện nay loại thuốc này đang bị kê đơn quá mức hoặc dùng trong những trường hợp không thực sự cần chúng, ví dụ như nhiễm virus. Kháng sinh khi được dùng đúng cách là một phần rất quan trọng và là cứu cánh của y học hiện đại.
Ảnh minh họa
Thuốc kháng sinh -Ảnh minh họa

Giống như tất cả các loại thuốc, kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ. Hầu hết các tác dụng phụ không đe dọa đến tính mạng và bác sĩ có thể can thiệp để giúp bệnh nhân ngăn ngừa hoặc kiểm soát các biến chứng khó chịu như tiêu chảy hoặc nhiễm trùng thứ cấp. Nhưng một số tác dụng phụ có thể nghiêm trọng (sốc phản vệ) hoặc kỳ lạ (lưỡi lông đen). Dưới đây là một số tác dụng phụ của thuốc kháng sinh bạn nên biết để phòng ngừa nếu bạn được kê đơn một trong những loại thuốc này.

Vấn đề về tiêu hóa

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa - Ảnh minh họa
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa - Ảnh minh họa

Một trong những phàn nàn phổ biến nhất từ ​​bệnh nhân dùng kháng sinh là các vấn đề về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy (tiêu chảy do kháng sinh). Nguyên nhân là do kháng sinh có thể làm đảo lộn sự cân bằng của vi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột. Hệ vi sinh đường ruột giữ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động cân bằng và giúp hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật. Khi kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn, sẽ gây tiêu chảy, buồn nôn… Uống nhiều nước có thể giúp người bệnh đối phó với tình trạng này cho đến khi họ kết thúc quá trình dùng thuốc, hoặc bổ sung men vi sinh và prebiotic trong và sau một đợt kháng sinh có thể giúp khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột.

Nếu tiêu chảy trở nên nghiêm trọng, có thể liên quan đến Clostridium difficile (C. difficile), là một loại vi khuẩn có thể lây nhiễm vào ruột già và gây viêm đại tràng do Clostridium difficile - một bệnh nhiễm trùng gây viêm ruột và tiêu chảy nghiêm trọng. Nguyên nhân là do kháng sinh tiêu diệt cả những vi khuẩn tốt trong ruột và vi khuẩn xấu đã phát triển quá mức. Tình trạng này có thể gây mất nước và có thể phải nhập viện. Vì vậy, hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày.

Thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non. Điều này có thể góp phần gây đầy hơi và chuột rút, ngay cả sau khi bạn đã ngừng thuốc. 

Nhức đầu

Nhức đầu - Ảnh minh họa
Nhức đầu - Ảnh minh họa

 

Nhức đầu cũng là một triệu chứng rất thường gặp từ những người dùng thuốc kháng sinh. Nếu bạn bị đau đầu (không phải do nguyên nhân thiếu ngủ hay bất kỳ nguyên nhân nào khác)trong quá trình dùng thuốc kháng sinh, rất có thể bạn bị đau đầu do loại kháng sinh mà bạn đang sử dụng.

Thông thường, những cơn đau đầu này không nghiêm trọng và chúng chỉ là tạm thời. Các thuốc giảm đau không kê đơn có thể ứng phó trong trường hợp này.

Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

Một số loại kháng sinh là chất cảm quang, có nghĩa là chúng ảnh hưởng đến cách da phản ứng với tia cực tím. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khi dùng các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị cháy nắng, phồng rộp, bong tróc và tổn thương sau đó đối với các tế bào da. Một số loại thuốc này cũng có thể tương tác với ánh sáng mặt trời để gây ra phát ban đỏ, ngứa, thậm chí chỉ trong 15 phút tiếp xúc.

Đó là lý do tại sao những người dùng thuốc như tetracyclin, fluoroquinolones và thuốc sulfa nên tránh thời gian phơi nắng kéo dài, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và nên mặc quần áo chống nắng hoặc bảo hộ nếu phải ra ngoài trong thời gian này. Ngoài ra, doxycycline, ciprofloxacin và bactrim cũng là thuốc phổ biến gây nên tình trạng này.

Tương tác thuốc

Uống thuốc kháng sinh có thể điều trị nhiễm vi khuẩn, nhưng nó cũng có thể khiến các loại thuốc  mà bạn hiện đang sử dụng để điều trị các bệnh khác trở nên vô hiệu. Tương tác thuốc có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của các thuốc dùng cùng, hoặc có thể gây ngộ độc thuốc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh sẵn có…

Các loại thuốc có thể tương tác với kháng sinh bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc kháng axit, thuốc kháng histamine, thuốc chống viêm (như thuốc giảm đau), thuốc trị vẩy nến, thuốc lợi tiểu, thuốc chống nấm, thuốc chống tiểu đường, thuốc giãn cơ, thuốc chống đau nửa đầu và một số thuốc chống trầm cảm.

Thuốc tránh thai cũng có thể kém hiệu quả hơn khi dùng cùng với thuốc kháng sinh rifampicin, tuy nhiên hiện nay kháng sinh này ít được sử dụng. Hầu hết các loại kháng sinh phổ biến chưa được chứng minh có ảnh hưởng đến tỷ lệ thất bại trong việc ngừa thai. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu một loại kháng sinh gây nôn, có khả năng cơ thể bạn không thể hấp thụ thuốc tránh thai hàng ngày như bình thường.

Thuốc kháng sinh cũng có thể tương tác với rượu. Cụ thể, trong thời kỳ đang uống các loại thuốc metronidazole, tinidazole và sulfamethoxazole trimethoprim tuyệt đối không được uống rượu. Bởi vì sự kết hợp có thể gây ra phản ứng khó chịu,bao gồm đau đầu, đỏ bừng, tim đập nhanh, buồn nôn và nôn mửa. Ngoài ra, một số thuốc trị cảm lạnh cũng cần thận trọng khi dùng cùng các loại kháng sinh này.

Nhiễm nấm

Nhiễm nấm - Ảnh minh họa
Nhiễm nấm - Ảnh minh họa

 

Do kháng sinh làm thay đổi cấu trúc vi khuẩn trong cơ thể, chúng có thể khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng nấm men và các loại nấm phát triển khác. Những nhiễm trùng này có thể xảy ra trong miệng (được gọi là bệnh tưa miệng), trên da, hoặc dưới móng tay hoặc móng chân.

Thuốc kháng sinh, đặc biệt là nếu dùng lâu dài cũng có thể làm đảo lộn sự cân bằng vi khuẩn có trong âm đạo của phụ nữ, gây nấm âm đạo. Uống thuốc chống nấm trong khi bạn đang dùng thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa tác dụng phụ này, nhưng cần xin ý kiến của bác sĩ trước khi muốn dùng thêm bất cứ loại thuốc nào khác chế độ điều trị của mình.

Trường hợp xuất hiện triệu chứng “lưỡi lông đen” cũng có thể liên quan đến nấm. Thuốc kháng sinh, đặc biệt là tetracycline, có thể làm cho các vết sưng nhỏ trên bề mặt lưỡi (được gọi là papillae) phát triển lâu hơn và “bẫy” nhiều vi khuẩn, thuốc lá, thực phẩm… gây ra sự đổi màu và xuất hiện lông. May mắn thay, tình trạng này thường biến mất ngay sau khi ngừng thuốc.

Sốc phản vệ

Một tác dụng phụ đáng sợ nhất và nguy hiểm nhất của các loại kháng sinh liên quan đến phản ứng dị ứng là sốc phản vệ. Các biểu hiện có thể chỉ là mẩn ngứa hoặc nổi mề đay đến sưng môi, khó thở, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, ngất xỉu, co giật… Sốc phản vệ thường diễn ra trong vòng 15 phút sau khi uống thuốc kháng sinh, nhưng cũng có thể xảy ra sau một giờ hoặc hơn sau một liều dùng thuốc. Lúc này người bệnh cần được cấp cứu kịp thời.

Tuy những phản ứng này không phổ biến, nhưng người bệnh cần cảnh giác, chú ý khi được kê đơn một loại thuốc mới mà chưa từng sử dụng trước đây. Người bệnh bị dị ứng với một loại kháng sinh này không có nghĩa là sẽ bị dị ứng với một kháng sinh khác, nhưng phải thận trọng không sử dụng các thuốc cùng với nhóm thuốc mà mình đã bị dị ứng.

Nhuộm màu răng

Tetracycline là thuốc kháng sinh được biết đến với bất lợi gây vàng, ố hoặc đổi màu vĩnh viễn ở răng của trẻ. Do đó, kể từ năm 1970, tất cả các loại thuốc trong nhóm này đã được kê đơn có nhãn cảnh báo khuyên không nên sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi và phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, doxycycline, một loại kháng sinh nhóm tetracycline mới hơn đã được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) chỉ ra rằng, loại kháng sinh này đã gắn kết với canxi ít hơn và không được chứng minh là gây ra tình trạng nhuộm răng tương tự. Điều đó rất quan trọng, vì doxycycline là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh sốt phát ban Rocky Mountain (là một bệnh do ve gây ra ), có thể gây tử vong nếu không được điều trị. CDC cho biết,do những hiểu lầm về loại thuốc này và các bác sĩ lo ngại tình trạng nhuộm răng cho bệnh nhân của họ có thể làm mất cơ hội được cứu sống cho những trẻ mắc bệnh này.

Trầm cảm và lo âu

Trầm cảm và lo âu -Ảnh minh họa
Trầm cảm và lo âu -Ảnh minh họa

 

Fluoroquinolones cùng với penicillin và các loại thuốc khác trong nhóm cũngcó liên quan đến trầm cảm và lo lắng. Trong một nghiên cứu năm 2015 trên Tạp chí Tâm thần học lâm sàng cho thấy, một người dùng càng nhiều đợt kháng sinh trong suốt cuộc đời, họ càng dễ bị trầm cảm và lo lắng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, thuốc kháng sinh thay đổi cấu trúc của hệ vi sinh vật trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, trao đổi chất và miễn dịch. Tất cả điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Đây chỉ là một số trong những lý do chỉ nên dùng kháng sinh khi cần thiết và chỉ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Như vậy, có thể nói kháng sinh là cách bảo vệ tốt nhất của chúng ta chống lại vi khuẩn. Tuy nhiên, cần điều trị bằng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian và bên cạnh đó người dùng (bác sĩ và bệnh nhân) cần nhận thức được những rủi ro khi dùng kháng sinh để biết cách phòng ngừa hoặc khắc phục.

Nguồn : https://www.health.com/digestive-health/side-effects-antibiotics?fbclid=IwAR17oBl3uEUSEIYA9LGCIWMEOaSnYTxBwM5trtmHZgeV2Sdzh3s9czuMlvU

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322850.php?fbclid=IwAR02R16y7D_y-MYKZyekwpX3VK8HkWHhiAYFeje407W2SCFTEog9adMykcE

DS Thu Hương (dịch và tổng hợp)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới