Thúc đẩy hệ sinh thái cho vắc-xin trong nước

Sau thời gian “ném đá dò đường”, đến nay một số đơn vị sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước đã tiến những bước khá xa bằng công nghệ thế mạnh của mình. Thực tiễn nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 cũng cho thấy, không thể thiếu các cơ sở khác hỗ trợ cho lĩnh vực này để quá trình làm chủ công nghệ tiến tới tự chủ sản xuất vắc-xin trong nước đi nhanh hơn và chắc chắn hơn.
Nghiên cứu vắc-xin Nanocovax tại Học viện Quân y. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nghiên cứu vắc-xin Nanocovax tại Học viện Quân y. Ảnh: ĐĂNG ANH

 

Đến nay, Việt Nam đã có hai vắc- xin Covid-19 phát triển trong nước và một vắc-xin chuyển giao công nghệ đang thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh đó, đã tiếp nhận công nghệ mới trong việc chuyển nhượng sản xuất từng phần các vắc-xin Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, với kết quả này, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực tự chủ nghiên cứu phát triển và tiến tới sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước. 

Diện mạo mới từ đại dịch

Dù chưa thể nói trước chặng tới đích, nhưng việc đi cùng thế giới nghiên cứu vắc-xin chống lại tác nhân gây bệnh SARS-CoV-2 đã đem lại cho các nhóm nghiên cứu cơ hội tiếp cận nhanh tri thức thế giới liên quan vắc-xin Covid-19. TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết: “Ngay từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, đơn vị đã đăng ký tham gia trực tuyến vào các nhóm là các chuyên gia thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức để trao đổi về các lĩnh vực như xây dựng mô hình phát triển vắc-xin, mô hình đánh giá vắc-xin, thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng… Do các nghiên cứu của các nhóm đều mới, làm từ đầu và được các nhà phát minh chia sẻ ngay, do đó rất có giá trị để áp dụng vào nghiên cứu, sản xuất của đơn vị thay vì phải chờ nhà phát minh bộc lộ quy trình sau nhiều năm mới tiếp cận được. Nếu không tận dụng cơ hội này thì không bao giờ hiểu được các khái niệm về những công nghệ rất mới trong sản xuất vắc-xin Covid-19 hiện nay”. 

Từ yêu cầu chống đại dịch Covid-19 đã bổ sung cho ngành sản xuất vắc-xin trong nước hai đơn vị sản xuất vắc-xin tư nhân, bên cạnh bốn đơn vị sản xuất của Nhà nước, đó là Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và Công ty cổ phần công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup). Tuy tiềm lực cũng như bề dày kinh nghiệm trong sản xuất vắc-xin chưa thể bằng các đơn vị nhà nước, nhưng thế mạnh về tài chính, đầu tư mạnh bạo và sự quyết tâm của các nhà sản xuất mới đã đem lại thêm kỳ vọng Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân sẽ góp phần phát triển nhân lực vốn đang ít dần của  ngành này, nhất là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm. Việc Công ty cổ phần công nghệ sinh học VinBioCare nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin tiên tiến nhất thế giới là bước chuẩn bị đồng bộ về trang thiết bị để bước vào giai đoạn tới khi dịch bệnh còn phức tạp, lâu dài. Thực tế vừa qua đã cho thấy, nếu Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) không có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, không có hệ thống nhà máy, dây chuyền công nghệ được WHO hỗ trợ từ hơn 10 năm trước thì khó có thể đi nhanh được trong nghiên cứu sản xuất các vắc-xin phòng, chống đại dịch như hiện nay. 

Sự xuất hiện của các gương mặt mới trong ngành sản xuất vắc-xin là xu thế tất yếu, và “cuộc chơi” chắc chắn cũng sẽ có những luật mới. Các chính sách hiện hành về đầu tư cho nghiên cứu phát triển, về ưu đãi nhân lực… sẽ cần chuyển động để theo xu thế và phát triển bền vững. Một nhà sản xuất vắc-xin nhận định, hiện nay phải chia sẻ nhân lực sản xuất vắc-xin giữa tư nhân và Nhà nước để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch, nhưng về lâu dài sẽ có sự dịch chuyển lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin giữa các đơn vị.

Cần đơn vị “vệ tinh” cho sản xuất vắc-xin

Từ thực tiễn nghiên cứu phát triển vắc-xin đại dịch, các nhà sản xuất vắc-xin trong nước nhận thấy, nếu chỉ đầu tư cho sản xuất thì chưa đủ và sẽ luôn bị động trước đà tiến rất nhanh của các công nghệ sản xuất vắc-xin hiện đại cũng như yêu cầu cấp bách và thường xuyên trong nghiên cứu vắc-xin phòng các bệnh do vi-rút. Để đi nhanh hơn và chắc chắn hơn, không thể chậm trễ việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái cho ngành sản xuất vắc-xin. Vừa qua, trước nhu cầu thử nghiệm lâm sàng nhiều vắc-xin và thuốc cho đại dịch, đã có hai trung tâm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 ra đời và đó là những đơn vị “vệ tinh” ít ỏi cho ngành sản xuất vắc-xin, góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
 
Đại diện Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) chia sẻ: “Quá trình nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 của IVAC bị ảnh hưởng về tiến độ khi nhiều thử nghiệm phải tiến hành ở nước ngoài do trong nước chưa có. Các trung tâm trong nước có đủ năng lực để triển khai các thử nghiệm tiền lâm sàng và miễn dịch học, tuy nhiên cần chuẩn hóa và được quốc tế chấp nhận. Phát triển vắc-xin quan trọng nhất là tạo được chủng giống và sau khi thử nghiệm trên người cũng cần xây dựng chuẩn chung để đánh giá đáp ứng về miễn dịch, kháng thể, tế bào. Đó là những cái chúng ta còn thiếu hụt, dẫn đến bị động và tốn chi phí khi phải thuê các đơn vị ở nước ngoài”. GS, TS Lê Trần Bình, Chủ tịch Hội Công nghệ sinh học Việt Nam cho rằng, với phòng thí nghiệm đạt chuẩn và nhân lực hiện nay tại Viện Công nghệ sinh học hoàn toàn có thể phát triển các chủng giống cho sản xuất vắc-xin. Nếu có các nhiệm vụ hợp tác cụ thể sẽ rất hiệu quả cho phát triển sản phẩm.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 cũng cho rằng, cần hình thành các đơn vị đánh giá vắc-xin trên động vật, trên người hay đơn vị chuyên nghiên cứu các cách thức tiêm chủng mới, triển khai và đánh giá vắc-xin trên diện rộng tách biệt với đơn vị sản xuất như mô hình của các nước để tăng tính độc lập khách quan của các dữ liệu thử nghiệm và đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm. Nếu tự đầu tư phát triển thì mỗi đơn vị sẽ có những hạn chế nhất định về chuyên môn hay vốn đầu tư. Trong nghiên cứu phát triển nói chung, cần đi theo xu thế thế giới là thúc đẩy hình thành các nhà nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học thay vì chỉ tập trung nhiệm vụ phát triển sản phẩm ở  các đơn vị sản xuất  như hiện nay. Từ đó, cần có vai trò của doanh nghiệp dẫn dắt hay các tổ chức như hội, hiệp hội để liên kết, tập hợp, định dạng các nhà nghiên cứu phát triển đến một sản phẩm thương mại cụ thể.

Nhiều nhà khoa học cũng đồng ý quan điểm sản xuất vắc-xin phải đi từ nghiên cứu cơ bản, do đó cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản lĩnh vực này.  Hiện, trong nước đã có nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu sâu về công nghệ protein tái tổ hợp - là công nghệ mới được ứng dụng trong sản xuất vắc-xin Covid-19. Được biết, đây là nhóm duy nhất của Việt Nam có các công bố quốc tế về công nghệ protein tái tổ hợp trên tế bào thực vật, công nghệ di truyền ngược... Các kết quả nghiên cứu này rất cần được khai thác sử dụng để hỗ trợ hiệu quả cho các nhà phát triển sản phẩm, tránh những lỗ hổng về công nghệ trong quá trình phát triển vắc-xin. Cùng với đó, cần thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học hướng cho nghiên cứu cơ bản, vì hiện nay rất ít sinh viên theo học.

 
HÀ LINH

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới