Tự ý bỏ thuốc, bệnh nhân trả giá bằng tính mạng

23/08/2022 - Thuốc biệt dược
Hà Nội - Sau mổ thay van tim, bệnh nhân nam 30 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện 108 kê thuốc chống đông uống kèm lịch tái khám nhưng anh không tuân thủ.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

 

Bệnh nhân uống thuốc thường xuyên nhưng không tái khám theo hẹn của bác sĩ để chỉnh liều thuốc chống đông. Uống hết thuốc bác sĩ đã kê, anh mang đơn cũ đến hiệu thuốc mua tiếp. Hậu quả là anh bị rối loạn đông máu nghiêm trọng, xuất huyết nặng tại nhiều cơ quan như thận, ruột, đặc biệt suy thận cấp. Rất may, sau đó bệnh nhân vào viện được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

"Đây là hậu quả của việc bệnh nhân không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ", bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện 108, nói ngày 22/8.

Theo bác sĩ Thu, trừ một số trường hợp bệnh lý cấp tính nhẹ chắc chắn ổn định sức khỏe sau khi dùng thuốc, còn lại hầu hết trường hợp bệnh mạn tính, người bệnh thường được bác sĩ kê đơn. Thời gian dùng thuốc khoảng một tuần đến một tháng, tái khám sau khi hết thuốc để điều chỉnh liều lượng uống.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân do khó khăn kinh tế, địa lý, đi lại khó khăn, tâm lý ngại chờ đợi... đã không tái khám và tiếp tục dùng thuốc theo đơn cũ mà không có tư vấn của bác sĩ. Thậm chí, một số người thấy các triệu chứng thuyên giảm và ổn định, tự ý dừng thuốc mà không biết điều này rất nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.

Thực tế, Khoa Hồi sức Nội khoa và chống độc nhận điều trị khá nhiều bệnh nhân thuộc nhóm này, khoảng 1-2 ca/tuần, chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới. Ví dụ, bệnh nhân hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường bỏ trị, suy gan cấp do dừng thuốc kháng virus viêm gan. Thậm chí, người bệnh sau phẫu thuật thay van tim cơ học bị kẹt van, suy tim cấp do không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Một trong các mặt bệnh hay gặp là hôn mê do tăng áp lực thẩm, do không kiểm soát được đường huyết. Đa phần người bệnh đều được chẩn đoán đái tháo đường trước đó và bác sĩ tư vấn điều trị thuốc hạ đường huyết kết hợp thay đổi chế độ ăn, theo dõi đường huyết tại nhà và tái khám định kỳ.

Tuy nhiên, sau một thời gian, khi đường huyết được kiểm soát tốt, người bệnh có xu hướng kém tuân thủ điều trị. Đặc biệt trong đợt dịch Covid, do hạn chế đi lại và tâm lý ngại đến bệnh viện, một số người tự mua thuốc về uống mà không có sự điều chỉnh, tư vấn của bác sĩ, thậm chí ngừng thuốc, sử dụng thuốc Đông y với hy vọng an toàn và hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến đường huyết không được kiểm soát, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng phải nhập viện.

"Thậm chí một số bệnh nhân uống thuốc nam không rõ nguồn gốc được pha trộn với các thuốc Tây y cấm sử dụng (như phenformin), dẫn tới suy gan, suy thận, nhiễm acid máu nghiêm trọng, phải điều trị hồi sức tích cực, lọc máu hỗ trợ nhiều lần, có trường hợp tử vong", bác sĩ Thu nói.

Ngoài ra, một số bệnh nhân suy gan cấp, hôn mê gan, hội chứng gan thận do viêm gan virus B tiến triển sau khi tự ý dừng thuốc điều trị kháng virus.

"Có bệnh nhân được hồi sức kịp thời, sau đó phải ghép gan cấp cứu, chi phí điều trị cũng rất tốn kém so với việc dùng thuốc thông thường", bác sĩ Thu nói, đồng thời nhấn mạnh sự chủ quan và thiếu hiểu biết khi tự ý dừng thuốc, dẫn đến bệnh lý không được kiểm soát, gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Trên thực tế, hầu hết trường hợp ngưng dùng thuốc đều có thể gây ra các biến chứng nhất định. theo bác sĩ, trong điều kiện xã hội hiện đại, lối sống ít vận động và chế độ ăn không lành mạnh, các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, rối loạn nhịp tim...), chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gút..) trở nên khá phổ biến. Đây đều là các bệnh lý mạn tính và cần được theo dõi điều trị thường xuyên. Việc không tuân thủ điều trị, thậm chí dừng thuốc có thể gây biến cố nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, suy tim, phù phổi cấp, đột quỵ não, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu ở bệnh nhân đái tháo đường, viêm tụy cấp do tăng triglycerid máu (một loại mỡ - lipid trong máu), suy thận do gút....

Ngoài ra một số bệnh lý mạn tính khác (bệnh lý tâm thần kinh như parkinson, trầm cảm, tâm thần phân liệt; bệnh lý viêm gan...), bệnh nhân tự ý dừng thuốc khi bệnh ổn định có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc (nhờn thuốc).

"Khi bệnh tiến triển trở lại, bệnh nhân có thể sẽ phải đổi sang phác đồ thuốc mới với chi phí tốn kém hơn hoặc nhiều tác dụng phụ hơn, thậm chí không có thuốc điều trị", bác sĩ Thu nói.

Theo bà Thu, hầu hết bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị uống trong thời gian nhất định (tối đa một tháng) và cuối đơn thuốc đều có lời dặn tái khám khi hết thuốc hoặc có các dấu hiệu bất thường. Lịch tái khám giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả của các thuốc mà họ chỉ định cho bệnh nhân ở lần khám sau, từ đó điều chỉnh và đưa ra phác đồ thuốc phù hợp nhất. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thăm khám, xét nghiệm và phát hiện các tác dụng phụ của thuốc đang dùng (nếu có), đưa ra biện pháp xử trí kịp thời như đổi thuốc khác, giảm liều thuốc, cho bệnh nhân nhập viện nếu có biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc của mình, không chỉ về các thuốc được kê đơn mà cả lời dặn của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ. Nếu chưa hiểu, hãy hỏi lại bác sĩ để được tư vấn đầy đủ và chính xác. Sắp xếp thời gian tái khám đúng theo lịch hẹn. Trong trường hợp bất khả kháng, người bệnh có thể tham vấn bác sĩ qua điện thoại về việc trì hoãn tái khám một vài ngày và điều chỉnh thuốc trong thời gian đó.

Lê Nga

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới