Vì sao một số nước châu Âu dừng tiêm vaccine AstraZeneca?

Đan Mạch, Na Uy, Iceland đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 AstraZeneca vì lo ngại có thể làm tăng nguy cơ đông máu.

Đan Mạch đưa ra quyết định này sau khi một phụ nữ 60 tuổi tử vong vì xuất hiện cục máu đông. "Chưa thể kết luận liệu có mối liên quan nào hay không. Chúng tôi hành động sớm và vấn đề này cần điều tra kỹ càng", Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke, nhận định.

Các quốc gia khác như Italy, Romania cũng tạm dừng tiêm vaccine từ một số lô hàng cụ thể để điều tra thêm. Chuyên gia y tế công cộng hy vọng đây chỉ là vấn đề tình cờ xuất hiện ở một số người sau khi dùng bất cứ loại vaccine nào. Trong phần lớn trường hợp, tình trạng này không liên quan trực tiếp đến mũi tiêm. Tại hầu hết quốc gia đang tiêm chủng cho hàng triệu người, giới chức không ghi nhận những ca tử vong tương tự.

Tính đến ngày 10/3, các nước châu Âu báo cáo 30 trường hợp đông máu, tắc nghẽn mạch máu trên tổng số 5 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca, theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA). EMA cho biết chưa có bằng chứng vaccine gây ra tình trạng này, nhấn mạnh lợi ích của vaccine vượt trội hơn rủi ro.

Theo Paul Hunter, giáo sư Y khoa, Trường Y Norwich, Đại học East Anglia, các nhà khoa học sẽ ghi nhận tất cả các tác dụng phụ sau khi sử dụng vaccine. Tại Anh, đây được gọi là lộ trình Thẻ Vàng. Báo cáo được thực hiện dù bác sĩ có cho rằng phản ứng phụ của người dùng liên quan đến thuốc, vaccine hay không. Bất cập xảy ra khi có nhiều người mắc cùng một triệu chứng, song có thể do nguyên nhân khác nhau, bao gồm bệnh nền.

"Rất có thể sẽ phát hiện một nhóm tác dụng phụ giống nhau, tồn tại trong bất cứ trường hợp nào, nhưng chúng không hề liên quan đến vaccine. Dù vậy, ta không thể bỏ qua. Tất cả đều cần được điều tra kỹ lưỡng", ông nói.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vacicne AstraZeneca tại Copenhagen, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vacicne AstraZeneca tại Copenhagen, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times

Theo giáo sư Hunter, một trong những vấn đề nên xem xét là độ phổ biến của chứng đông máu. Theo báo cáo của các nhà khoa học Oklahoma về tỷ lệ mắc bệnh trong giai đoạn 2012-2014, yếu tố lớn nhất gây ra tình trạng này là tuổi tác. Tỷ lệ đông máu ở người hơn 80 tuổi là 13,16%. Như vậy, trong vòng một tháng, cứ mỗi 1 triệu người được chủng ngừa ở nhóm tuổi này, bác sĩ sẽ ghi nhận khoảng 1097 ca đông máu. Con số ở nhóm 70-79 tuổi và 60-69 lần lượt là 645 và 425.

Các cục máu đông đặc biệt lớn có thể làm hỏng mô cơ hoặc các cơ quan như tim phổi, não. Những trường hợp nghiêm trong gây tử vong. Các cục máu đông nhỏ có thể được điều trị thông qua thuốc men. "Với dữ liệu hiện tại, có vẻ tác dụng phụ được báo cáo không do vaccine gây ra", ông Hunter nói. Song giới chức các nước vẫn đình chỉ sử dụng sản phẩm để điều tra thêm.

Theo Gonzalo Viña, phát ngôn viên của AstraZeneca, tài liệu của công ty không ghi nhận vấn đề đông máu. "Phân tích an toàn của chúng tôi trên hơn 10 triệu hồ sơ y tế không cho thấy nguy cơ thuyên tắc phổi hay huyết khối tĩnh mạch sâu ở bất cứ nhóm tuổi, giới tính hoặc quốc gia cụ thể nào", ông nói.

Daniel Salmon, giám đốc Viện An toàn tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc nhà chức trách nhận ra vấn đề tác dụng phụ và điều tra chúng là dấu hiệu cho thấy hệ thống tiêm chủng đang hoạt động bình thường.

"Tôi sẽ chưa đưa ra kết luận rằng vaccine dẫn đến cục máu đông. Chúng ta cần xem xét cẩn thận hơn", ông nói.

Theo tiến sĩ Salmon, tâm lý lo ngại sẽ khiến người dân dè chừng với vaccine - vốn là niềm hy vọng chấm dứt đại dịch. "Vấn đề thực sự ở đây là nhiều thứ xảy ra tình cờ lại khiến mọi người sợ hãi, làm mọi thứ đi chệch hướng", ông nhận định.

Châu Âu đình chỉ vaccine trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vấp phải nhiều trở ngại, trong đó AstraZeneca không đạt được thỏa thuận cung cấp ban đầu. Điều này trở nên phức tạp hơn khi ở Mỹ, hàng chục triệu liều vaccine AstraZeneca đang tồn kho, chờ kết quả từ thử nghiệm lâm sàng.

AstraZeneca yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden san sẻ liều tiêm với châu Âu, song chưa được chấp thuận. Sản phẩm của hãng được giám sát kỹ lưỡng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Thời điểm đó, hai tình nguyện viên ở Anh phát triển triệu chứng về tủy sống. Hãng tạm thời ngừng thử nghiệm. Các cuộc điều tra sau đó không cho thấy mối liên quan giữa vaccine và tình trạng bệnh.

Đến nay, hơn 70 nước đã chấp thuận sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Thục Linh (Theo NY Times, Sky News, Science Media Centre)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới