Niềm hy vọng chấm dứt Covid-19 ở châu Á

Các nước châu Á đang đứng trước cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức với niềm hy vọng chấm dứt Covid-19 bằng vaccine.

Bài toán tiêm chủng không chỉ là vấn đề khoa học mà còn của lĩnh vực hậu cần, chính trị, xã hội và địa lý. Vấn đề lớn hơn nữa là nếu dịch bệnh có thời gian lây truyền, những biến thể virus mới có khả năng kháng vaccine sẽ xuất hiện. Khi vaccine chủ yếu về tay các nước giàu, người dân ở những nước nghèo hơn sẽ bị phơi nhiễm và làm đại dịch kéo dài.

Trên thế giới hiện khoảng 19 triệu người được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, theo thống kê của Đại học Oxford. Để cuộc sống trở lại bình thường, 70-80% dân số thế giới phải được bảo vệ bằng vaccine. Theo bà Mandeep Dhaliwal, giám đốc Nhóm HIV, Y tế và Phát triển của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, cơ chế Covax được lập ra để hỗ trợ các nước nghèo hơn tiếp cận với vaccine đã không được tài trợ đúng mức và có thể không hoàn thành nhiệm vụ.

"Lượng vaccine từ Covax gửi đến 92 nước nghèo chỉ đáp ứng cho 3% dân số mỗi nước cho đến giữa năm 2021. Những quốc gia giàu nhất chỉ chiếm 14% dân số thế giới đã mua hơn một nửa số vaccine", bà Dhaliwal nhận xét. Bà cho rằng giải pháp đa phương là điều cần thiết, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết, chia sẻ công nghệ vaccine, tăng đầu tư vào hệ thống y tế và sản xuất vaccine.

Các nước châu Á đã có động thái như thế nào trong cuộc đua vaccine?

Philippines

Philippines ghi nhận 549.000 ca Covid-19, cao thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trên truyền hình ngày 1/2: "Covid-19 là một vấn đề không dễ kiểm soát. Bất lợi lớn nhất của chúng ta là tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh. Chúng ta cũng không có các mối quan hệ".

Một nhân viên y tế diễn tập tiêm vaccine Covid-19 tại Manila, Philippines, hôm 19/1. Ảnh:Reuters.
Một nhân viên y tế diễn tập tiêm vaccine Covid-19 tại Manila, Philippines, hôm 19/1. Ảnh:Reuters.

Vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford được chính quyền địa phương và doanh nghiệp ưa chuộng hơn, ông Duterte hướng tới nguồn cung rộng lớn, trong đó có vaccine của Trung Quốc và Nga. Ngay từ tháng 7/2020, ông Duterte đã đề xuất với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ưu tiên phân phối vaccine cho Philippines. Ông cũng thỏa thuận với Nga về vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga phát triển.

Các quan chức Philippines cho biết công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc đã phân bổ 25 triệu liều vaccine CoronaVac, bên cạnh 600.000 liều miễn phí mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cam kết trong chuyến thăm gần đây. Những liều vaccine do Trung Quốc tài trợ sẽ đến Philippines vào ngày 23/2, nhưng Sinovac chưa nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines.

Trong khi ông Duterte thể hiện sự ủng hộ với vaccine Nga và Trung Quốc, các nhà ngoại giao và đội đặc nhiệm Covid-19 của ông lại dành sự quan tâm cho vaccine của Mỹ là Pfizer và Moderna. Vaccine của Pfizer và AstraZeneca đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Philippines.

Ấn Độ

Không phải quốc gia đang phát triển nào cũng gặp khó khăn. Đơn cử như Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp dược phẩm lớn mạnh nhờ chi phí sản xuất thấp và chính sách thuận lợi của chính phủ. Ấn Độ đang triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới. Hàng ngày, nửa triệu dân được tiêm phòng tại 10.000 địa điểm trên toàn quốc.

Ấn Độ còn sản xuất dư thừa vaccine để cung cấp cho các quốc gia khác, trong đó có Bangladesh, Myanmar, Campuchia, Mauritius, Brazil và Morocco. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi thành tựu sản xuất vaccine của đất nước ông là "bằng chứng sáng giá về sức mạnh, trình độ khoa học và tài năng của Ấn Độ".

Đất nước hơn 1,3 tỷ dân này ghi nhận số ca Covid-19 giảm đều kể từ giữa tháng 9/2020. Có thể do các ca nhiễm không được báo cáo trước đây đã khiến virus lây lan mạnh trong cộng đồng, vô tình tạo ra miễn dịch tự nhiên.

Khi tỷ lệ lây nhiễm đang giảm, chính phủ tuyên bố chiến thắng dịch bệnh, một bộ phận người dân Ấn Độ đang đặt câu hỏi sự cần thiết của việc tiêm phòng, đặc biệt là sử dụng Covaxin - loại vaccine chưa được thử nghiệm. Trong tháng 1, cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai vaccine nội địa Covaxin của công ty Bharat Biotech và vaccine Oxford-AstraZeneca, được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, với tên thương hiệu Covishield.

Tuy nhiên, Covaxin vẫn chưa được công chúng đón nhận. "Người dân vẫn đang do dự về Covaxin vì dữ liệu về hiệu quả của vaccine này chưa được công bố", giáo sư Rajinder K. Dhamija tại Đại học Y Lady Hardinge cho hay.

Nhà chức trách hy vọng rằng việc tiêm chủng sẽ tăng tốc trong vài tuần tới. Ít nhất 6 loại vaccine nữa đang được đưa vào sản xuất, trong đó có vaccine Sputnik V của Nga và một loại vaccine khác từ công ty nội địa Zydus Cadila.

Các hãng hàng không quốc gia và tư nhân của Ấn Độ đang phân phối vaccine trên khắp cả nước. Họ làm việc với các nhà sản xuất, sân bay và công ty vận tải để đảm bảo dây chuyền làm lạnh không bị gián đoạn, bởi hai loại vaccine của Ấn Độ phải được bảo quản ở nhiệt độ ổn định từ 2-8°C.

Nhật Bản

Sau khi đạt đỉnh 700 ca nhiễm vào mùa xuân năm 2020, số ca mắc mới hàng ngày đã ổn định trong mùa hè và từng giảm xuống mức thấp nhất là 21 ca trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến ngày 15/2, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 chưa triển khai liều vaccine nào. Với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, chuyện này đã trở thành một vụ bê bối chính trị.

Nhân viên y tế Tokyo kiểm tra nhiệt độ của lô vaccine Pfizer chuyển đến Nhật Bản ngày 16/2. Ảnh:Reuters
Nhân viên y tế Tokyo kiểm tra nhiệt độ của lô vaccine Pfizer chuyển đến Nhật Bản ngày 16/2. Ảnh:Reuters

Chính phủ Nhật Bản đặt hạn chót đến sự kiện rước đuốc của thế vận hội Olympic dự kiến vào ngày 25/3 tới đây. Nếu không tiêm phòng kịp thời cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao, Thế vận hội từng bị hoãn của Nhật Bản có thể sẽ phải hủy bỏ.

Quốc gia này bắt đầu mua vaccine vào 6/2020, nhưng quá trình tiêm chủng bị cản trở bởi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thuốc - hệ quả từ nỗi sợ đối với việc tiêm phòng virus HPV vào năm 2013 và quai bị, sởi, rubella (MMR) vào những năm 1990. Tác động và các phản ứng phụ của vaccine HPV chưa được xác nhận, nhưng vaccine MMR có liên quan đến 3 trường hợp tử vong. Cả hai loại vaccine này đều được phát triển trong nước. Nhật Bản không có cơ chế như Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ - phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer chỉ trong vòng một tháng.

Những thay đổi về luật dược phẩm của Nhật Bản vào năm 2014 rút ngắn quy trình phê duyệt thuốc xuống còn 9 đến 12 tháng. Quy định mới được áp dụng vào giữa tháng 12/2020, khi công ty Pfizer nộp đơn xin phê duyệt nhanh chóng. Sau 2 tháng, văn bản đã được thông qua và những liều vaccine đầu tiên bắt đầu được sử dụng vào hôm 17/2.

Nước láng giềng Hàn Quốc, sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong tháng 2, phải cắt giảm thời gian phê duyệt vaccine Covid-19 từ 180 ngày còn 40 ngày.

Ông Suga với mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đã hỏi ý kiến Đại sứ quán Nhật Bản tại Mỹ về việc tham khảo dữ liệu từ cuộc thử nghiệm lâm sàng của Pfizer. Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế của Nhật Bản một mực yêu cầu thử nghiệm vaccine trong nước trước khi cấp phép, do lo ngại khác biệt về chủng tộc có thể ảnh hưởng tới độ hiệu quả và an toàn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine Pfizer phát huy hiệu quả bất kể độ tuổi, giới tính và chủng tộc. Trong số những người tham gia, 4,4% là người châu Á.

Takakazu Yamagishi, một giáo sư khoa học chính trị của Đại học Nanzan, cho biết nếu Nhật Bản tự phát triển vaccine Covid-19 kèm theo tác dụng phụ, người dân sẽ đổ lỗi cho quan chức. Dù có tiềm lực kinh tế và kĩ thuật để tạo ra vaccine, Nhật Bản vẫn đi theo cách dễ nhất là nhập khẩu.

Mai Dung (Theo Nikkei Asia)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Tin quốc tế - 24/10/2023

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Tin quốc tế - 06/10/2023

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Tin quốc tế - 12/05/2023

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Tin quốc tế - 05/04/2023

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Tin quốc tế - 05/04/2023

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới