Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua

Theo Nhân Dân 06:38 16/12/2021 - Tin quốc tế
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/12 cho biết, châu Phi đang chứng kiến mức tăng nhanh nhất về số ca nhiễm mới Covid-19 trong năm nay, với mức tăng 83% trong tuần qua, mặc dù số ca tử vong vẫn ở mức thấp.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm 1 liều vaccine Pfizer ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 9/12/2021. (Ảnh: Reuters)

 

Theo tuyên bố của WHO, nguyên nhân của sự gia tăng đột biến các ca bệnh là do các biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Số ca mắc mới tại “lục địa đen” hiện tăng gấp đôi cứ sau mỗi 5 ngày, khung thời gian ngắn nhất được báo cáo trong năm nay.

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Phi đã “khuyến khích” các đột biến như biến thể mới Omicron lây lan. Châu lục này đã phải rất chật vật mới bảo đảm được nguồn cung vaccine phòng Covid-19, song hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phân phối và triển khai tiêm, bao gồm thiếu kinh phí, nhân lực và thiết bị.

Số liệu của WHO cho thấy, tính đến ngày 13/12, mới chỉ có 20 quốc gia châu Phi đạt tỷ lệ tiêm phòng khiêm tốn cho ít nhất 10% dân số. Ở một số quốc gia khác như Cộng hòa dân chủ Congo và Chad, thậm chí tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều, chỉ dưới 1%.

Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, các chuyên gia vẫn đang “lạc quan 1 cách thận trọng” rằng tỷ lệ tử vong và tình trạng bệnh nặng do Covid-19 sẽ vẫn ở mức thấp trong làn sóng hiện tại, nhưng việc triển khai tiêm vaccine khá chậm ở châu lục này đồng nghĩa với cả 2 tỷ lệ trên sẽ cao hơn nhiều so với mức bình thường.

WHO cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 12/12, châu Phi ghi nhận hơn 196 nghìn ca mắc Covid-19 mới, tăng so với khoảng 107 nghìn ca được báo cáo trong tuần trước đó. Số ca tử vong giảm 19% trong cùng kỳ, với trung bình khoảng 1.000 người không qua khỏi mỗi tuần trong đợt dịch thứ tư.

Theo tính toán của WHO, với tốc độ tiêm chủng như hiện tại, phải đến tháng 5/2022, châu Phi mới đạt tỷ lệ bao phủ tiêm phòng Covid-19 cho 40% dân số, trước khi tỷ lệ này tiệm cận mốc 70% vào tháng 8/2024.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại tâm dịch châu Âu vẫn diễn biến phức tạp, khi số ca nhiễm mới ở châu lục này trong 24 giờ qua chiếm tới trên 59% tổng số ca mắc toàn cầu.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 15/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng trên 271,7 triêu ca mắc Covid-19, trong đó có 5,33 triệu ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 244,2 triệu ca. 

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 608 nghìn ca mắc Covid-19, trong đó châu Âu đã chiếm quá nửa với hơn 360 nghìn ca. Các nước châu Âu gồm Pháp (63.405 ca), Anh (59.610 ca) và Đức (40.795 ca) đều nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới trong ngày, chỉ sau Mỹ với mức cao nhất 107.370 ca.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Sự lây lan của biến thể Omicron càng khiến châu Âu đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm hiện tại. Đặc biệt tại Anh, các nhà khoa học dự báo số ca nhiễm Omicron tại nước này trong thời gian tới có thể lên tới 200 nghìn ca/ngày.

Chính phủ Anh dự kiến sẽ bổ sung các quy định phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, xét nghiệm hằng ngày và yêu cầu xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine.

Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte ngày 14/12 thông báo, nước này sẽ tăng cường các hạn chế phòng dịch trong suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, bao gồm việc đóng cửa sớm các trường học trước khi bước vào kỳ nghỉ do lo ngại nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.

Ông Rutte cho biết, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, hiện chiếm khoảng 1% số ca nhiễm mới trong nước, "là 1 lý do để lo ngại và thận trọng".

Theo đó, các trường tiểu học ở Hà Lan sẽ đóng cửa sớm 1 tuần. Các hạn chế khác vốn được áp dụng kể từ ngày 28/11, bao gồm lệnh phong tỏa vào ban đêm cũng sẽ được gia hạn đến hết ngày 14/1 năm sau.

Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết, tất cả người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường cho đến cuối tháng 1/2022, nhằm cải thiện khả năng miễn dịch trước biến thể Omicron.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua

Lực lượng chức năng kiểm tra “thẻ xanh” của hành khách tại ga tàu ở Naples, Italia, ngày 6/12/2021. (Ảnh: Reuters) 

Italia cùng ngày cũng gia hạn tình trạng khẩn cấp phòng, chống Covid-19 cho đến ngày 31/3 năm sau, đồng thời đưa ra quyết định yêu cầu tất cả hành khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến nước này, bắt đầu từ ngày 16/12 đến ngày 31/1.

Trước đó, yêu cầu này đã được áp dụng đối với hành khách đến từ nhiều quốc gia không thuộc EU. Những người chưa được tiêm phòng Covid-19 bắt buộc phải cách ly 5 ngày khi nhập cảnh Italia.

Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 14/12 ghi nhận 7.850 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, các ca nhiễm trong nhóm những người đã được tiêm chủng tiếp tục tăng đột biến, với số lượng bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng cũng đạt mức cao mới là 964 ca.

Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, sau khi nhà chức trách nới lỏng các quy định giãn cách vào tháng trước theo chiến lược mới sống chung với virus. Số ca bệnh hằng ngày lần đầu tiên vượt qua mốc 7.000 ca vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi vượt mốc kỷ lục trước đó là trên 5.000 ca/ngày.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, tổng số ca nhiễm cho đến nay đã lên tới 536.495 trường hợp, trong đó có 128 ca nhiễm biến thể Omicron, cùng 4.456 trường hợp tử vong.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại 1 nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters) 

Cho đến nay, Hàn Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 94% người trưởng thành và đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm liều tăng cường.

Thủ tướng Kim Boo Kyum ngày 14/12 chi biết, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, bao gồm các hạn chế tụ tập đông người và lệnh giới nghiêm áp dụng tại các cơ sở ăn uống. Dự kiến nhà chức trách sẽ có thông báo chính thức vào thứ sáu.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết. nước này đã chuẩn bị 13 nghìn phòng cách ly cho những người trở về từ nước ngoài, tăng 2.000 phòng so với tuần trước, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Cho đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 17 ca nhiễm biến thể mới Omicron, trong đó 4 ca nhiễm mới ghi nhận tại sân bay ngày 14/12.

Tại Đông Nam Á, Indonesia ngày 14/12 đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em tiểu học từ 6-11 tuổi, sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc. Dự kiến, khoảng 26,5 triệu trẻ em trên cả nước sẽ được tiêm chủng trong chiến dịch này.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng 83% ở châu Phi trong tuần qua
Học sinh chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Jakarta, Indonesia, ngày 14/12/2021. (Ảnh: Reuters) 

Chính phủ Indonesia cũng ban hành quy định bổ sung về việc kiểm soát hoạt động đi lại của người dân và các hoạt động kinh tế xã hội trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm 2021 và năm mới 2022.

Quy định mới bổ sung yêu cầu những người trên 17 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc chưa tiêm vì lý do bệnh lý tạm thời không được đi du lịch. Những người muốn đi đường dài bằng các phương tiện giao thông phải mang theo đầy đủ giấy tờ chứng nhận tiêm chủng, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ trước khi khởi hành.

Ngày 15/12, sau gần 2 năm đóng cửa biên giới, Australia chính thức mở cửa trở lại cho lao động nước ngoài có tay nghề cao và du học sinh quốc tế đã được tiêm phòng nhập cảnh, trong nỗ lực thúc đẩy khôi phục kinh tế và đi lại quốc tế.

Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã buộc giới chức nước này phải lùi thời điểm mở cửa biên giới 2 tuần để có thêm thông tin về biến chủng mới.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết, nước này đã quyết định sống chung với Covid-19 và nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, Australia sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng các hạn chế phòng dịch, bất chấp các ca nhiễm tăng và những “ẩn số” chung quanh biến thể Omicron.

Hiện Australia đã tiêm đủ 2 liều cho gần 90% dân số trên 16 tuổi. Sau khi xuất hiện các trường hợp nhiễm Omicron, nước này cũng đã quyết định rút ngắn thời gian chờ để tiêm mũi tăng cường, từ 6 tháng sau thời điểm tiêm mũi thứ hai xuống còn 5 tháng.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?

AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Tin quốc tế - 09/05/2024

AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Tin quốc tế - 24/10/2023

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Tin quốc tế - 06/10/2023

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Tin quốc tế - 12/05/2023

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Tin quốc tế - 05/04/2023

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới