Hồi sinh những trái tim “lỗi nhịp” cho trẻ nhỏ
Trước năm 2018, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, khi phẫu thuật đều chỉ có một hướng mổ duy nhất là rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo lớn, đau đớn sau mổ. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác.
Niềm hy vọng của nhiều gia đình
Ngày sinh bé H.T, chị T.A (Nam Định) không ngờ con mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên thất. Căn bệnh khiến bé T bú kém, mồ hôi nhiều, thở bị hóp bụng, không nuốt được, thường xuyên trào sữa ra ngoài mỗi khi bú mẹ.
Ba tháng tuổi, bé T được chỉ định cần phẫu thuật tim khiến ruột gan chị như thắt lại. Tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, chị A biết rất có thể con phải trải qua cuộc đại phẫu căng thẳng, cắt xẻ xương ức, di chứng với vết sẹo dài trên ngực sẽ gắn với con cả cuộc đời.
“Lúc đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương và được các bác sĩ giải thích sẽ phẫu thuật tim cho con bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải, tôi vừa mừng vừa thấp thỏm chờ mong.
Sau phẫu thuật con hồi phục nhanh chóng và chỉ có 1 vết mổ nhỏ ở nách. Hiện giờ nhìn con, không ai nghĩ con vừa trải qua một cuộc đại phẫu”, chị A chia sẻ khi bé T bình phục nhanh sau 9 ngày phẫu thuật.
Niềm vui của gia đình chị T.A cũng chính là hy vọng của nhiều gia đình không may có con mắc các bênh lý về tim bẩm sinh, khi được tiếp cận với kỹ thuật mới trong phẫu thuật điều trị.
Trước năm 2018, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, khi phẫu thuật đều chỉ có một hướng mổ duy nhất là đường rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo thành ngực lớn và thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn sau mổ.
Cũng chính vì thế, đội ngũ các y bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương khát khao làm chủ kỹ thuật, giảm tổn thương khi mổ tim cho trẻ.
Cuộc chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách từ GS Yasuhiro Kotani, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama cách đây 5 năm đã hiện thực hóa khát khao làm chủ kỹ thuật mổ tim hở (các bệnh lý tim mạch bẩm sinh) của các phẫu thuật viên trung tâm.
TS.BS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, với phẫu thuật ít xâm lấn, chỉ qua đường dọc giữa nách bên phải mang lại tính thẩm mỹ cao, giúp trẻ rút ngắn thời gian hồi phục.
Phần lớn trẻ được rút ống nội khí quản trong vòng 6 giờ đầu sau phẫu thuật, tự thở ngay tại phòng mổ. Và điều quan trọng không kém là sẽ giúp trẻ không có cảm giác tự ti, ám ảnh bởi vết sẹo mổ dài ở ngực khi lớn lên.
“Kỹ thuật này được thực hiện thành công với bệnh nhân nhỏ tuổi nhất khi 1,5 tháng tuổi và bệnh nhân cân nặng thấp nhất chỉ 3,8kg”, BS Việt Tùng cho biết thêm.
Kết quả ấn tượng
Chỉ trong 5 năm khi Bệnh viện Nhi trung ương độc lập thực hiện kỹ thuật mổ ít xâm lấn này, 700 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh đã được các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch phẫu thuật thành công, tỷ lệ biến chứng nặng rất thấp.
Trở lại Việt Nam sau cuộc chuyển giao kỹ thuật mổ tim nhi ít xâm lấn cách đây 5 năm, chính GS Yasuhiro Kotani cũng vô cùng bất ngờ.
“Trước đây, khi chúng tôi chuyển giao kỹ thuật, đường mổ nách dài khoảng 6cm thì nay tôi thấy đường mổ của các bạn chỉ 4cm. Chúng tôi ngưỡng mộ về sự thay đổi này”, GS Yasuhiro Kotani chia sẻ.
Nhớ lại ca phẫu thuật đầu tiên khi chuyển giao, BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch nhi chia sẻ: “Mổ qua đường nách bên phải cho chúng tôi một cách nhìn hoàn toàn khác so với đường mổ giữa, phải xác định chính xác tổn thương để xử trí, nếu non tay, sẽ rất khó làm được”.
Theo BS Trường, để giảm thiểu tối đa tổn thương cho bệnh nhi, các bác sĩ tại đây đã có những thay đổi về mặt kỹ thuật.
Ví như, trước đây đường mổ ở nách dài khoảng 6cm thì hiện nay các bác sĩ thu gọn đường mổ, chỉ còn khoảng 4cm; đồng thời, cũng rút ngắn thời gian hồi sức, rút ngắn thời gian thở máy, giúp bệnh nhi giảm đau sau mổ tốt hơn.
Tuy nhiên, theo BS Trường, tiêu chí đầu tiên là bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhi và mọi tổn thương trong tim được sửa chữa như phẫu thuật đường giữa. Bởi vậy, không phải trường hợp nào cũng chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp này.
Vì thế, phương pháp ít xâm lấn chủ yếu áp dụng cho nhóm các bệnh nhi mắc bệnh lý thông liên thất, bệnh lý thông liên nhĩ, bệnh lý thông sàn nhĩ thất bán phần, bệnh lý bất thường trở về tĩnh mạch phổi bán phần bên phải, bệnh lý hẹp van động mạch phổi và một số các bất thường khác như u nhầy nhĩ trái, màng ngăn nhĩ trái…
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch nhi có 4 phẫu thuật viên đủ kinh nghiệm triển khai kỹ thuật mổ ít xâm lấn qua đường nách.
Kỹ thuật này cũng mới được Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển giao cho Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, tuy nhiên mới dừng ở nhóm bệnh thông nhĩ. Bởi, với các bệnh lý tim khác đòi hỏi phẫu thuật viên cần tương đối dày dạn kinh nghiệm.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chạy đua ghép tim xuyên Việt cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối
Vì một trái tim khoẻ - 02/12/2024
Chạy đua ghép tim xuyên Việt cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối
Những người cần mẫn trao giọt hồng, gieo sự sống
Vì một trái tim khoẻ - 07/11/2024
Những người cần mẫn trao giọt hồng, gieo sự sống
Hồi sinh cuộc sống mới cho người đàn ông vừa suy tim vừa suy gan nguy kịch
Vì một trái tim khoẻ - 08/10/2024
Hồi sinh cuộc sống mới cho người đàn ông vừa suy tim vừa suy gan nguy kịch
Cảnh báo trẻ hóa người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới 24 tuổi
Vì một trái tim khoẻ - 11/09/2024
Cảnh báo trẻ hóa người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới 24 tuổi
Thêm một em bé được thông tim trong bào thai thành công
Vì một trái tim khoẻ - 16/07/2024
Thêm một em bé được thông tim trong bào thai thành công