Những người cần mẫn trao giọt hồng, gieo sự sống
Niềm vui khi sở hữu hàng trăm "sổ đỏ"
12 năm tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu tình nguyện, anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993, ) đã sở hữu 129 cuốn "sổ đỏ" hiến máu.
Bắt đầu hiến máu lần đầu "thử cho biết" khi còn là sinh viên, anh Hiếu bén duyên, gắn bó và hoạt động này trở thành một thói quen của anh.
Cho dù công việc có bận rộn đến đâu, cứ đến lịch nhắc mỗi tháng, anh Hiếu lại thu xếp để đi hiến. "Ba năm đầu tiên, tôi hiến máu toàn phần, sau đó chuyển sang hiến tiểu cầu. Có lần vì công việc nên lỡ lịch hiến mà tôi cứ bồn chồn, áy náy", anh Hiếu chia sẻ.
Với suy nghĩ "những giọt máu đào góp phần thắp lên niềm hy vọng sống, đem đến hạnh phúc cho người bệnh và người nhà của họ", anh Hiếu không nề hà và thêm động lực duy trì với hiến máu, hiến tiểu cầu.
Có lần trong lúc làm việc, nhận được thông tin có ca cấp cứu cần máu khẩn, anh vội xin phép nghỉ, rủ thêm một vài người bạn qua viện để hiến máu. "Công việc quan trọng, nhưng việc cứu người lúc cấp bách còn quan trọng hơn", anh Hiếu cho hay.
Nể phục anh, nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng hưởng ứng sẵn sàng tham gia thường xuyên hiến máu tình nguyện.
Vận động nhiều người cùng tham gia
Tự hào có trong tay gần 70 cuốn "sổ đỏ" hiến máu, hiến tiểu cầu, anh Hoàng Ngọc Tuyến (Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh có cuốn "sổ đỏ" đầu tiên khi nơi công tác là UBND phường Gia Thụy tổ chức buổi hiến máu tình nguyện. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về ý nghĩa của việc hiến máu và định kỳ tham gia vào mỗi kỳ nhắc lại.
Không chỉ bản thân luôn sẵn sàng, anh còn rủ bà xã Nguyễn Thị Hà Giang cùng tham gia. Ba năm trở lại đây, đều đặn mỗi tháng, vợ chồng anh luôn dành ra một ngày cuối tuần đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để hiến tiểu cầu. Chặng đường cả đi lẫn về mỗi lần hiến hơn 30km không khiến anh chị ngại ngần.
Từ khi hiến tiểu cầu, vợ chồng anh Tuyến, chị Giang có nhiều kiến thức hơn để bảo vệ sức khỏe như xây dựng chế độ ăn hợp lý, dành thời gian tập luyện, nghỉ ngơi. Mong muốn lan tỏa thêm việc làm ý nghĩa này, anh Tuyến còn vận động nhiều người từ đồng nghiệp đến bạn bè, người thân trong gia đình tham gia.
Đến nay, anh Tuyến đã có 66 lần hiến máu, trong đó có 38 lần hiến tiểu cầu, còn chị Hà Giang cũng đã hiến máu 40 lần, trong đó có 28 lần hiến tiểu cầu.
Cũng như vợ chồng anh Tuyến, chị Giang, cặp đôi chị Hồ Thị Hồng Gấm và anh Nguyễn Văn Hiến (Vĩnh Phúc) nắm trong tay gia tài hơn 100 chiếc "sổ đỏ".
"Trong đợt dịch sốt xuất huyết căng thẳng, biết nhiều người bệnh sẽ cần máu điều trị nên đến lịch là chúng tôi đăng ký qua app và cứ 3 tuần/lần lại xuống Hà Nội hiến tiểu cầu", chị Gấm chia sẻ.
Cuộc đời hồi sinh nhờ những trái tim nhân ái
TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, mỗi năm hàng triệu đơn vị máu và tiểu cầu được các tình nguyện viên hiến tặng để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Nhiều cuộc đời đã được hồi sinh, giành lại sự sống khi được tiếp thêm dòng máu quý giá từ những người có trái tim nhân ái.
Tính đến hết tháng 10/2024, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 29.428 đơn vị tiểu cầu từ 8.372 người hiến, trung bình một người hiến 3,4 lần. Kết quả này thể hiện xu hướng gia tăng của số người hiến tiểu cầu và số lần hiến của một người trong năm.
Theo TS Quế, có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: Xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương.
Nếu tiểu cầu giảm thấp, cơ thể dễ bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ mà không cầm máu được. Nặng hơn có thể gây xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là tình trạng xuất huyết não, có thể dẫn đến tử vong.
TS Trần Ngọc Quế cho biết, khác với hiến máu toàn phần phải chờ gần 3 tháng mới được hiến lại, thì hiến tiểu cầu chỉ cần sau 2-3 tuần, nên một người có thể hiến đến gần 20 lần trong một năm. Tuy nhiên, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu so với hiến máu.
Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày), nên việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện và người bệnh.
Chính vì vậy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thường cập nhật nhu cầu dự trù hằng ngày trên phần mềm và khuyến khích người hiến tiểu cầu cần đăng ký trước khi đến.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hồi sinh cuộc sống mới cho người đàn ông vừa suy tim vừa suy gan nguy kịch
Vì một trái tim khoẻ - 08/10/2024
Hồi sinh cuộc sống mới cho người đàn ông vừa suy tim vừa suy gan nguy kịch
Cảnh báo trẻ hóa người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới 24 tuổi
Vì một trái tim khoẻ - 11/09/2024
Cảnh báo trẻ hóa người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới 24 tuổi
Thêm một em bé được thông tim trong bào thai thành công
Vì một trái tim khoẻ - 16/07/2024
Thêm một em bé được thông tim trong bào thai thành công
Bệnh huyết áp âm thầm tấn công người trẻ
Vì một trái tim khoẻ - 13/06/2024
Bệnh huyết áp âm thầm tấn công người trẻ
Một trái tim ngừng đập, nhiều cuộc đời hồi sinh
Vì một trái tim khoẻ - 28/05/2024
Một trái tim ngừng đập, nhiều cuộc đời hồi sinh