Bài học chống dịch từ Trung Quốc
Khi phần lớn các nước châu Âu vẫn trong tình trạng phong tỏa, có thể phải đối mặt với một mùa đông hỗn loạn và chết chóc do Covid-19, Trung Quốc đang dần lấy lại đà phát triển từ trước đại dịch. Hôm 19/10, nước này công bố tăng trưởng kinh tế trong quý thứ hai liên tiếp, nhấn mạnh tốc độ phục hồi nhanh chóng đến thế nào. Minh chứng rõ nhất là hoạt động du lịch nội địa sôi nổi trở lại trong Tuần lễ Vàng, kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm của Trung Quốc.
Cách tiếp cận ban đầu của đại lục đối với đại dịch là lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày tại Vũ Hán. Song các khu vực khác của cả nước không bị hạn chế nghiêm ngặt như vậy trong suốt đại dịch.
Theo các chuyên gia, thành công của Trung Quốc không đến từ những biện pháp ban đầu, mà từ cách xử lý sau khi người dân được phép đi làm trở lại. Đặc biệt, năng lực theo dõi và truy vết tiếp xúc của các ca nghi nhiễm cho phép chính phủ nhanh chóng kiểm soát từng ổ dịch địa phương.
Trung Quốc có một hệ thống "mã sức khỏe" theo màu, được tận dụng tối đa để theo dõi hoạt động của người dân. Các mã QR được tạo tự động, gán cho mỗi công dân để biểu thị tình trạng sức khỏe. Người khỏe mạnh có mã xanh lá, người từng tiếp xúc bệnh nhân Covid-19, biểu hiện nhiễm bệnh có mã màu đỏ hoặc vàng. Nhiều doanh nghiệp cần cần có giấy chứng nhận mã xanh của toàn nhân viên để tiếp tục duy trì hoạt động. Điều này khiến việc truy vết tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn.
Gần đây nhất, tại thành phố Thanh Đảo, đông bắc Trung Quốc, hơn 10 triệu người đã được xét nghiệm nCoV chỉ trong một tuần, sau khi địa phương báo báo 12 trường hợp lây nhiễm cộng đồng.
Biên giới giữa các tỉnh được thắt chặt, phương tiện giao thông bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn khi dịch bệnh bùng phát. Đến khi tình hình đã ổn định, người dân vẫn duy trì đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định vệ sinh nơi công cộng, vốn được chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ.
Sự thành công của đại lục và các khu vực khác ở châu Á, bao gồm Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, là do hành vi chung của người dân. Đông Á từng trải qua đại dịch hô hấp cấp tính (SARS) nghiêm trọng vào năm 2003. Ký ức đó tồn tại mạnh mẽ, khiến việc sử dụng khẩu trang và thực hiện biện pháp phòng ngừa khác trở thành thói quen. Tại một số nước châu Âu và châu Mỹ, đeo khẩu trang đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi, dù chúng được chứng minh là hiệu quả ngừa virus.
Không giống với những quốc gia khác, chính phủ các nước châu Á có kế hoạch phòng chống để đối phó với các đợt bùng phát tiềm ẩn. Trung Quốc từng bị chỉ trích trong cách xử lý ban đầu đối với dịch bệnh ở Vũ Hán vì kiểm duyệt tin tức và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của mầm bệnh. Song kể từ khi Covid-19 được nhìn nhận như mối đe dọa cấp quốc gia, nước này phản ứng vô cùng nhanh chóng và dứt khoát.
CNN nhận định Trung Quốc luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ ngay cả khi đã trở lại bình thường, có thể phản ứng nhanh với các cụm dịch mới, theo dõi người nghi nhiễm thông qua "mã sức khỏe".
Kể từ tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lưu ý "phần lớn cộng đồng toàn cầu vẫn chưa sẵn sàng, về mặt tư duy và cả nguồn lực, để thực hiện các biện pháp dập dịch tương tự Trung Quốc.
"Điểm cơ bản của phương pháp này là giám sát cực kỳ chủ động để phát hiện ca bệnh, chẩn đoán nhanh và lập tức cách ly, theo dõi nghiêm ngặt những người tiếp xúc gần. Mức độ hiểu biết và chấp nhận của người dân đối với cách làm này đặc biệt cao", WHO nhận định.
Hôm 19/10, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan đề nghị châu Âu và Bắc Mỹ nên học hỏi các quốc gia châu Á cách phòng chống Covid-19.
Tình hình tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia hiện dần ổn định. Dù vẫn phải làm việc tại nhà, người dân đã có thể đi tới các phòng tập gym, du lịch nội địa trong khi duy trì đeo khẩu trang. Chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh lại các biện pháp phòng dịch hai tuần một lần, ban hành thứ Sáu hoặc Chủ nhật, tùy thuộc vào số ca mắc mới. Để ngăn ngừa sự lây lan của virus, người dân các nước châu Á chủ yếu sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn ít nhất hai mét và hạn chế các sự kiện quá đông người.
Thục Linh (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo