Bài học đánh bại Covid-19 của Australia

Với 26 triệu dân, Australia đã ngăn chặn Covid-19 lây lan và đánh bại làn sóng thứ hai trong khi châu Âu, Mỹ đang hứng chịu đợt dịch mới.

Ở nhiều nơi trên khắp Australia, mọi thứ đã trở lại bình thường. Nhà hát Opera Sydney mở cửa trở lại. Melbourne gỡ dần lệnh giới nghiêm, các nhân viên quay trở lại công sở làm việc. Trong vòng hai tuần qua, Melbourne, vốn là tâm dịch trước đây, chỉ ghi nhận hai ca nhiễm không rõ nguồn lây. Số ca mới trung bình trong một ngày của thành phố là 0,9 và toàn bang Victoria là 0 ca.

Trong khi đó, tại Mỹ, hơn 52.000 người phải nhập viện và hơn 10.000 người đang phải nằm trong khu điều trị tích cực, theo số liệu của Dự án Theo dõi Covid-19. Ngày 9/11, Mỹ chính thức vượt 10 triệu ca nhiễm.

Tiến sĩ Sharon Lewin, giám đốc Viện Nghiên cứu về Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne, cho biết: "Tôi không bao giờ nghĩ có thể đạt được con số 0 ca nhiễm mới, một điều thật tuyệt vời. Tôi đã ra ngoài không ngừng kể từ khi lệnh cấm được gỡ, ăn uống tại nhà hàng, mua sắm và đi làm móng, cắt tóc".

Nhiều biện pháp thực tiễn đã góp phần vào thành công của quốc gia này. Chính phủ chọn cách đóng cửa biên giới nhanh chóng và nghiêm ngặt - bước đi mà nhiều nước khác đã không thực hiện, đặc biệt ở châu Âu. Khác với Mỹ, Australia ngăn cả biên giới giữa các bang và hạn chế tối đa việc đi lại, thậm chỉ là nội bang.

Đặc biệt, các lãnh đạo, không phân biệt quan điểm chính trị, liên tục khuyến cáo người dân không coi nhẹ dịch bệnh từ những ngày đầu. Họ chuẩn bị tâm lý để đánh đổi quyền tự do công dân lấy sự an toàn về sức khỏe, điều chưa từng xảy ra kể cả trong thời thế chiến.

Người dân Australia uống cà phê bên bờ sống Yarra, Melbourne, tháng 10/2020 sau khi nới giãn cách xã hội. Ảnh: AFP
Người dân Australia uống cà phê bên bờ sống Yarra, Melbourne, tháng 10/2020 sau khi nới giãn cách xã hội. Ảnh: AFP

Thủ tướng Scott Morrison thành lập hội đồng quốc gia bao gồm các thống đốc bang từ tất cả các đảng để đưa ra quyết sách. Các xung đột về chính trị gần như bị loại bỏ và chính trị gia cùng bắt tay để đối phó với khủng hoảng y tế.

Việc người dân Australia, đặc biệt là cư dân Melbourne, sẵn sàng chấp nhận tuân theo các chỉ định đóng cửa dài ngày của chính phủ cho thấy một thái độ chính trị khác biệt với Mỹ.

Nỗ lực phòng chống dịch của Australia do Bộ trưởng Bộ Y tế Greg Hunt dẫn đầu. Mặc dù cũng đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ 1/2 giống Mỹ, chính quyền Australia không chỉ trích cố vấn chính như cách chính quyền của Tổng thống Donald Trump làm đối với Viện trưởng Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc Anthony Fauci.

"Trong tháng 1 và 2, chúng tôi tập trung vào việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch. Một kế hoạch rõ ràng được vạch ra bao gồm cách ly và nâng cao năng lực phòng chống", ông Hunt cho hay. "Chúng tôi đóng cửa biên giới, tập trung xét nghiệm, truy dấu và giãn cách xã hội, đồng thời nâng cao năng lực chống chọi với virus ở các cơ sở chăm sóc người già và bệnh viện. Chính phủ đầu tư vào máy thở, vaccine và nghiên cứu phương pháp điều trị".

Sau vụ việc một bác sĩ ngoài 70 điều trị cho hơn 70 bệnh nhân trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, ông Hunt đẩy mạnh kế hoạch 10 năm phát triển hệ thống thăm khám qua video với các bác sĩ. Trong vòng 10 ngày, gần như tất cả cư dân đều có thể gặp bác sĩ, bao gồm cả chuyên gia tâm lý thông qua Internet, với hệ thống y tế được hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ.

Khi bệnh viện tư lâm vào nguy cơ phá sản vì các ca phẫu thuật không khẩn cấp đều bị hủy bỏ, chính phủ ngay lập tức tung gói hỗ trợ tức thời, đảm bảo giường bệnh có thể được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19.

Mặc dù vậy, trong suốt thời gian dịch bệnh, việc hợp tác không phải lúc nào cũng trơn tru. Quan chức liên bang cảm thấy bất bình với chính sách đóng cửa của Melbourne và đóng cửa biên giới giữa các bang. Nhóm cố vấn liên bang cùng Thủ tướng đã rất vất vả để duy trì các quy định mà không làm lung lay niềm tin của công chúng.

Bên ngoài một quán cà phê tại Melbourne sau khi nới giãn cách xã hội, tháng 10/2020. Ảnh: AFP
Bên ngoài một quán cà phê tại Melbourne sau khi nới giãn cách xã hội, tháng 10/2020. Ảnh: AFP

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết mọi người đều ủng hộ chính sách cứng rắn nhưng sinh kế người dân đã bị ảnh hưởng. Australia rơi vào tình trạng suy thoái đầu tiên sau 29 năm. Hàng loạt cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đóng cửa. Nhiều người mắc bệnh trầm cảm. Hôm 3/11, một cuộc biểu tình phản đối diễn ra tại Melbourne và bị bạo lực hóa. Cảnh sát đã phải bắt giữ 404 người.

Hồi tháng 7, thành công ban đầu của Australia cũng bị thách thức khi khách du lịch đến Melbourne khiến dịch bùng nổ lần hai. Đến tháng 8, hơn 700 ca nhiễm được chẩn đoán. Australia có khả năng mất kiểm soát virus. Ngay sau đó Melbourne đã cấm toàn bộ các hoạt động công cộng. Cuối cùng, sau 111 ngày phong tỏa, số ca trung bình hằng ngày giảm xuống dưới 5. Hôm 28/10, quan chức đã cho phép người dân tự do ra khỏi nhà.

Hiện tại, Australia vẫn cấm công dân du lịch nước ngoài, một quy định vô cùng nghiêm ngặt áp dụng với hơn 7,5 triệu người dân nhập cư của nước này.

Hầu hết người dân Australia sẽ được tiếp cận với vaccine vào giữa năm sau, ông Hunt cho biết. Đây sẽ là một bước tiến lớn để cho phép người dân được tự do đi lại.

Linh Phan (Theo Washington Post)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới