Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Mỹ ghép phổi thành công
Cô là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Mỹ được ghép phổi.
Ramirez xuất viện hôm 29/7, là một trong số ít người bệnh mà hy vọng sống sót duy nhất là được ghép phổi. Cô nhập viện cuối tháng 4 sau hai tuần biểu hiện triệu chứng Covid-19, được đặt máy thở ngay những ngày đầu.
"Tôi nghĩ mình sẽ chỉ nằm viện tối đa vài ngày, sau đó quay lại cuộc sống bình thường", cô nói. Thực tế, cô phải dùng máy thở suốt 6 tuần và cần một dụng cụ y tế khác cung cấp oxy trực tiếp vào máu.
Chia sẻ với truyền thông hôm 30/7, Ramirez cho biết trong suốt thời gian bất tỉnh, cô luôn gặp ác mộng. Những giấc mơ xoay quanh việc cô bị đuối nước, gia đình nói lời tạm biệt, bác sĩ nói cô sẽ qua đời.
nCoV tấn công hai lá phổi, ảnh hưởng chức năng hô hấp, tổn thương tim và gan Ramirez. Bác sĩ từng khuyên gia đình chuẩn bị tinh thần. Song, Ramirez vẫn kiên cường chiến đấu. Khi lượng nCoV trong cơ thể giảm dần, cô đủ điều kiện cấy ghép.
Tỉnh dậy từ ca phẫu thuật ghép hai lá phổi kéo dài 10 tiếng, Ramirez rất khát nước, không thể nói, mất khái niệm thời gian và không hề biết mình mới trải qua ca phẫu thuật quan trọng.
"Với tất cả những dây ống y tế xung quanh người, tôi thậm chí không nhận ra cơ thể mình", cô kể lại.
Từng có sức khỏe dẻo dai, Ramirez hiện luôn cảm thấy khó thở, không thể di chuyển quãng đường dài và cần hỗ trợ khi tắm rửa, đứng lên khỏi ghế ngồi. Cô cho biết sẽ làm quen với hai lá phổi mới và tập luyện để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, quay trở lại công việc.
Theo bác sĩ Bharat, triển vọng hồi phục của Ramirez rất tốt. Cô sẽ tiếp tục dùng thuốc chống thải ghép tới hết đời. "Phổi ghép có thể bị từ chối, song tỷ lệ rất thấp. Hơn thế, bệnh nhân vẫn có thể ghép phổi lần hai", ông nói.
"Tôi chắc rằng nếu mình được điều trị ở một trung tâm y tế khác, các y bác sĩ đã dừng chăm sóc và để tôi ra đi rồi", Ramirez nói.
Phẫu thuật ghép phổi là lựa chọn cuối cùng cho những bệnh nhân phổi không thể hồi phục, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ không hề muốn thay phổi của một người nếu vẫn có thể chữa lành. Năm ngoái, nước Mỹ chỉ có khoảng 2.700 ca ghép phổi được thực hiện.
"Ghép phổi vốn không được coi là một lựa chọn điều trị cho bệnh truyền nhiễm, vì vậy mọi người cần thời gian để làm quen với sự thay đổi này", Ankit Bharat, bác sĩ phẫu thuật của Ramirez nhận định.
Theo ông, tình trạng bệnh nhân phải đủ yếu để được ghép phổi, nhưng cũng đủ khỏe để sống sót sau ca phẫu thuật, hồi phục và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Với một căn bệnh mới như Covid-19, các bác sĩ vẫn đang ngày ngày tìm cách cân bằng, xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định ai nên được ghép phổi, thời gian tiến hành phẫu thuật.
"Chúng tôi không muốn phẫu thuật quá sớm khi bệnh nhân vẫn còn khả năng hồi phục, nhưng cũng không muốn để lỡ thời điểm vàng giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử", bác sĩ Tiago Machuca, tại bệnh viện Đại học Florida Health Shands nói.
Bharat cho biết nhiều bệnh viện còn lưỡng lự, không đưa ra phương án ghép phổi sớm. Ông kể lại từng có một bệnh nhân rất phù hợp với ca phẫu thuật, song vì được chỉ định quá muộn, bệnh nhân này chảy máu phổi, suy thận, không còn đủ điều kiện thay phổi.
"Hãy tính đến phương án ghép phổi sớm hơn", ông nhấn mạnh.
Do tính nghiêm trọng tổn thương nCoV gây nên cho phổi bệnh nhân, việc ghép phổi không hề đơn giản. Đa số bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện tuyến trên nơi có trang thiết bị đầy đủ và hiện đại. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm còn chần chừ trong việc chi trả chi phí phẫu thuật và di chuyển, khiến thời gian phẫu thuật bị chậm trễ.
Lê Hằng (Theo New York Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo