Cách giảm stress khi theo dõi bầu cử tổng thống Mỹ
Khi cuộc bầu cử tổng thống sắp đi đến kết quả quyết định, nhiều người Mỹ trưởng thành cho biết cảm thấy lo lắng, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn. Theo Hiệp hội Căng thẳng Tâm lý Mỹ, gần 70% công dân nước này nhận định cuộc bầu cử là nguồn cơn dẫn đến cảm giác stress kéo dài suốt tháng.
Afton Kapuscinski, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tâm lý tại Đại học Syracuse, nói: "Mọi người tin rằng kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, xa hơn là sự an toàn của bản thân. Họ lo ngại những điều ý nghĩa nhất có thể đang bị đe dọa. Dù các mối quan tâm cụ thể khác nhau tùy theo khuynh hướng chính trị, họ chia sẻ chung một thứ cảm xúc".
Nhiều người Mỹ mô tả 2020 là một trong những năm tồi tệ nhất trong ký ức với chuỗi sự kiện kinh hoàng: đại dịch, thiên tai và xung đột sắc tộc. Một số tin rằng cuộc bầu cử, hoặc làm xói mòn quốc gia hơn nữa, hoặc khiến đất nước trở lại đà phát triển.
Jasleen Chhatwal, Giám đốc y tế tâm thần tại Cơ sở Điều trị Sức khỏe Hành vi Sierra Tucson ở Arizona, nhận định: "Bên thua cuộc sẽ cảm thấy xáo trộn tâm lý, bởi họ không tin vào nhà cầm quyền hoặc những luận điểm của tổng thống đương nhiệm".
Lo xa không phải lúc nào cũng tốt
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người thể hiện sự lo lắng xung quanh cuộc bầu cử. Các chuyên gia tâm lý cho biết cảm giác này là hoàn toàn bình thường, thậm chí hữu ích trong một số trường hợp.
"Cảm giác lo lắng thôi thúc chúng ta chuẩn bị, lập kế hoạch để đạt được mục tiêu", Vaile Wright, giám đốc cấp cao về đổi mới chăm sóc sức khỏe tại Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA), giải thích.
Song sự lo lắng kéo dài và thái quá sẽ trở nên không lành mạnh. "Ví dụ, một người chuẩn bị thuyết trình trước lớp và cảm thấy như sắp ngất đi", tiến sĩ Kapuscinski nói.
Bà cho biết nhiều bệnh nhân của mình có nỗi sợ hãi chính đáng xung quanh cuộc bầu cử, song cũng cảnh báo mọi người không nên phóng đại hậu quả tức thì của một kết cục nhất định.
Không đọc quá nhiều tin tức
Các chuyên gia cho rằng khi căng thẳng trong giai đoạn bầu cử bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày, chẳng hạn ăn uống và nghỉ ngơi, điều quan trọng là đặt ra giới hạn trong việc tiếp cận thông tin. Họ khuyến cáo người dân hạn chế đọc quá nhiều tin tức, chủ động ấn định các khoảng thời gian "không quan tâm đến bầu cử" trong ngày để giải phóng tâm trí.
"Hãy đầu tư thời gian vào những điều làm bạn cảm thấy ổn định và có ý nghĩa", tiến sĩ Kapuscinski nói.
JaNaé Taylor, cố vấn sức khỏe tại Virginia, đề xuất bài tập thở tên gọi "Nhịp thở 4-7-8" nhằm giảm bớt lo âu và căng thẳng. Bài tập gồm ba động tác đơn giản: hít vào 4 nhịp, giữ hơi 7 nhịp và thở ra 8 nhịp.
"Điều này giúp tái tạo oxy trong máu, khiến bạn thoát khỏi trạng thái ‘đối mặt hay bỏ chạy'. Đây là suy nghĩ chúng ta thường có khi thực sự lo lắng", bà giải thích.
Dám hy vọng
Hy vọng là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, một số người Mỹ cho biết họ quá sợ hãi để hy vọng. Tiến sĩ Vaile Wright cho biết đây là "cơ chế phòng thủ" của một bộ phận dân chúng kể từ sau chiến thắng gây kinh ngạc của Trump hồi năm 2016.
Các nghiên cứu trải dài nhiều thập kỷ cho thấy cảm giác hy vọng có thể chống lại chứng bệnh tâm lý như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc ý định tự tử. theo các chuyên gia, điều này cũng mang lại lợi ích về mặt hóa học. Khi hy vọng, não bộ con người tiết ra endorphin, làm giảm căng thẳng, giúp làm việc hiệu quả hơn.
"Những người có niềm tin vào phương pháp điều trị, tin rằng mình sẽ khỏi bệnh đã thực sự hồi phục. Vì vậy, có một cái nhìn tích cực đối với thế giới sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn", tiến sĩ Kapuscinski nói.
Dù kết quả của cuộc bầu cử ra sao, các chuyên gia tâm lý cho rằng điều quan trọng là không nên tuyệt vọng. Khi sợ hãi hoặc tức giận, con người có xu hướng cả nghĩ hoặc không thể suy tính được gì. Trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử, các cử tri nên tránh xa những lời đàm tiếu hoặc thái độ phẫn nộ.
"Hãy hạn chế đọc tin tức. Thay vào đó, làm những điều nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Thiếu đi sức khỏe, bạn không thể làm được điều gì", tiến sĩ Jasleen Chhatwal nói.
Thục Linh (Theo USA Today)
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo