Nghị lực người đàn ông gần 30 năm mắc bệnh thế kỷ

Trong nghịch cảnh trớ trêu khi mất việc làm và bị mọi người kỳ thị vì nhiễm HIV, anh Thành đã không ngừng học hỏi để tự chăm sóc bản thân, đứng dậy tiếp tục sống và đóng góp cho xã hội.

Sinh nhật lần thứ 25 cô độc

Sau những ngày tháng sống phóng đãng, có phần bất cần, anh Đồng Đức Thành (SN 1976, tại Hạ Long, Quảng Ninh) đã nhiễm HIV. "Kết quả xét nghiệm lần một thể hiện tôi dương tính với HIV. Nghe đến đây, tôi cảm thấy đầu óc choáng váng, không còn biết chuyện gì diễn ra xung quanh", anh Thành chia sẻ.

Nghị lực người đàn ông gần 30 năm mắc bệnh thế kỷ

Anh Đồng Đức Thành trong buổi lễ ra mắt tự truyện “Đau cũng là sống”.

Những ngày sau đó, người đàn ông này đối diện với hàng loạt khó khăn khi mất việc tại mỏ than, bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Anh bị trầm cảm nặng, thậm chí có lúc có ý nghĩ tự tử...

"Tôi không quên được ngày sinh nhật lần thứ 25 cô độc của mình, không người thân, không bạn bè. Với tất cả mọi người, khi ấy HIV là điều gì đó vô cùng kinh khủng, nó càn quét cướp đi sự sống của nhiều người đang độ tuổi xuân xanh", anh Thành kể.

Thấm cảnh tủi nhục, cô đơn trong ghẻ lạnh, cùng một cơ thể rệu rã vì căn bệnh bắt đầu tấn công, anh quyết định đứng dậy, tìm cơ hội sống cho mình. Anh tìm đến dự án "Đương đầu với HIV/AIDS" ở Quảng Ninh với mong muốn trở thành tình nguyện viên. Anh muốn được cất tiếng nói để bảo vệ những người vì nhiều lý do khác nhau mà mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Từ đó, anh chính thức về làm việc tại dự án. Cuộc đời anh bước sang một chương mới khi được đưa sang Thái Lan điều trị. "Người nhiễm căn bệnh này bị lão hóa nhanh hơn người bình thường. Chính vì vậy tôi luôn phải từng ngày, từng giờ nỗ lực làm việc, học tập để não được luyện tập…", anh Thành chia sẻ thêm.

Lan tỏa năng lượng tích cực

Nỗ lực vươn lên, anh Thành không ngừng tự học ngoại ngữ và các kỹ năng nghề nghiệp khác. Anh Thành trở thành thành viên Mạng lưới Người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+), công khai tình trạng của mình trên các phương tiện truyền thông, tham gia vào các diễn đàn với mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan HIV.

Tôi và anh Thành từng có thời gian cùng nhau tham gia dự án hỗ trợ cho các trẻ em đường phố, thanh thiếu niên bị xâm hại tình dục.

Dường như cuộc sống của anh đã từng trải qua những gì, có những kinh nghiệm gì anh đều chia sẻ hết. Ở gần anh, tôi cảm thấy con người anh đầy nghị lực, kể cả những lúc sức khỏe của anh không được tốt. Những thăng trầm của cuộc sống không thể nào khiến anh thôi vươn lên.

Anh Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Tea Talk Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ sức khỏe tâm thần)

Anh Thành cũng là một trong những người nhiễm H đầu tiên tại Việt Nam tham gia chương trình "Tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của những người sống với HIV trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS", gọi tắt là chương trình GIPA.

Tuy nhiên, thêm một lần nữa anh phải đối mặt với khủng hoảng do tổ chức đóng cửa vì lý do khách quan. Trong lúc mọi thứ ngưng trệ vì Covid-19, anh tự tìm phương cách chữa lành và chờ đợi cơ hội.

Năm 2021, anh quay lại công việc với vai trò điều phối trong Dự án giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM). Nhờ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động ở các tổ chức phi chính phủ, anh năng nổ tham gia các dự án về truyền thông, vận động chính sách về y tế và các vấn đề xã hội, giúp đỡ người sống chung với HIV và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Anh chia sẻ, so với trước đây, sự hỗ trợ y tế tốt hơn đã giúp người bệnh sống sót, dễ dàng hòa nhập cuộc sống. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị, những người sống với HIV vẫn phải đối diện với rất nhiều vấn đề như sự kỳ thị và phân biệt đối xử, sự suy giảm sức khỏe tinh thần, gánh nặng về tài chính khi phải dùng thuốc hằng ngày, tìm kiếm cơ hội việc làm tạo thu nhập, hay những tác dụng phụ của thuốc…

Vì lẽ đó, anh tiếp tục ấp ủ mong muốn thực hiện dự án về "Sức khỏe tâm trí", đặc biệt dành cho những nhóm người yếu thế như cộng đồng LBGT (người đồng tính, chuyển giới), người bán dâm, người sử dụng ma túy…

Ngoài ra, anh vừa ra mắt cuốn tự truyện mang tên "Đau cũng là sống" viết về những thăng trầm đã đối mặt trong suốt hành trình 30 năm sống chung với căn bệnh thế kỷ. Anh hy vọng những bài học cay đắng và đầy nước mắt sẽ mang đến chút ý nghĩa nào đó cho thế hệ trẻ kế tiếp.

Là người chứng kiến hành trình đầy nỗ lực của anh Thành, bà Trương Thị Dung, nguyên Giám đốc dự án Đương đầu với HIV/AIDS ở Quảng Ninh, chia sẻ: "Gần 30 năm sống với HIV, cũng có những lúc Thành gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển bản thân.

Những lúc đó cũng đau, tổn thương và lùi lại một chút… nhưng Thành lại biết cách đứng dậy. Thành rất nỗ lực và luôn mong muốn lan tỏa nhiều hơn nhưng cũng cần nhiều sự hỗ trợ khác nữa. Tôi mừng khi thấy Thành có được như ngày hôm nay".

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới