Báo động lây nhiễm HIV nhóm đồng tính nam
Đáng lưu ý, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm quan hệ đồng tính nam tăng đáng kể, từ 2% năm 2012, đến nay là 13%, trong đó có trẻ vị thành niên.
Tăng lây nhiễm HIV đồng tính nam
Theo chia sẻ của BS Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương), cách đây ít lâu, trung tâm tiếp nhận em N.T.N (14 tuổi) đến xét nghiệm HIV từ sự giới thiệu của một đồng đẳng viên (người trong nhóm tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV).
Với kết quả dương tính, N là một trong hai trường hợp dưới 14 tuổi được phát hiện nhiễm HIV tại Bình Dương trong năm qua, nguyên nhân lây nhiễm qua quan hệ tình dục đồng giới nam do bán dâm.
N được các tình nguyện viên của nhóm đồng đẳng viên (CBO) tiếp cận khi phát hiện đăng tải thông tin tìm kiếm bạn tình trên app Blue-D (app hẹn hò của cộng đồng đồng giới nam - MSM) tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tương tự là trường hợp của bạn trẻ C (huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), cũng phát hiện mình nhiễm HIV khi mới chỉ 14 tuổi. Đó là khi C biết bạn tình nhiễm HIV, em tự test và bàng hoàng khi thấy kết quả dương tính.
Anh Danh Tùng, trưởng nhóm CBO The Sun tại Kiên Giang cho hay, nhiều bạn MSM biết mình nhiễm HIV nhưng giấu tình trạng bệnh và không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, gây lây nhiễm bệnh cho bạn tình.
Chỉ đến khi chia tay, họ mới thông báo cho bạn tình. Khi đó, nguy cơ nhiễm HIV lên đến 90%.
Điển hình như trường hợp bạn trẻ N.T.Đ (17 tuổi, ở Kiên Giang), sau 1 tháng chia tay bạn tình đồng giới, Đ nhận được cuộc gọi từ người cũ “anh bị nhiễm HIV, em nên đi xét nghiệm”. Kết quả sau 3 lần test dương tính khiến Đ mất phương hướng trong cuộc sống.
Theo chia sẻ của anh Tùng, có không ít bạn trẻ chưa phải là đối tượng MSM thật sự, nhưng vì buồn chuyện gia đình, muốn thử cảm giác lạ, chỉ vô tình một đêm đi theo nhóm MSM, quan hệ tình dục không an toàn đã dính hậu quả.
ThS.BS Võ Hải Sơn, Trưởng phòng giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV, Bộ Y tế, nếu trước năm 2015, dịch HIV tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm thì sau năm 2015, hình thái đã có sự thay đổi.
Ở nhóm phụ nữ bán dâm, tình hình lây truyền HIV đã có sự thay đổi rõ rệt, nếu trước đây tỷ lệ lây truyền khoảng 5 - 6%, đến nay chỉ còn khoảng 3%.
Đáng lưu ý, nổi lên hiện nay là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Năm 2012, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chỉ 2%, đến nay đã lên 13% (100 người MSM có 13 người nhiễm HIV).
Mức độ lây nhiễm trong nhóm này tùy thuộc vào mỗi địa phương, vào các quần thể. Các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao là ở phía Nam, thậm chí có tỉnh tỷ lệ lên tới 20%. Các tỉnh miền Bắc tỷ lệ này ít hơn.
Tiếp cận nhóm MSM không dễ?
Theo ông Sơn, với xu hướng hiện nay, khi những người MSM càng có nhu cầu bộc lộ thì nguy cơ nhiễm HIV ngày càng cao. Xét nghiệm HIV là then chốt trong chiến lược lấy điều trị làm dự phòng.
Nhằm kiểm soát hiệu quả dịch HIV, hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm, đặc biệt nhóm MSM với đa dạng các mô hình, trong đó có hình thức tự xét nghiệm thông qua trang web tuxetnghiem.vn. Qua đó những người có nhu cầu, người có nguy cơ lây nhiễm đăng ký để nhận xét nghiệm miễn phí.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, ngành y tế còn triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, đặc biệt trong nhóm đang có nguy cơ cao MSM. Tuy nhiên, việc tiếp cận là thách thức lớn.
Theo BS Vương Thế Linh, các cán bộ y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng để tìm đối tượng nguy cơ, tiếp cận và thuyết phục họ xét nghiệm, điều trị phải nhờ tới đồng đẳng viên, cộng tác viên của các nhóm CBO.
Nhiều đồng đẳng viên chia sẻ, việc tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM rất khó. Ngoài làm việc chính để sinh sống, những lúc rảnh, các thành viên CBO dành toàn bộ thời gian lướt trên mạng, đăng nhập vào các app BlueD, mạng xã hội TikTok, Facebook, Instagram… để tìm đối tượng. Sau đó phải mất nhiều thời gian làm quen, hỏi han, truyền thông.
Việc tiếp cận, phát hiện MSM nhiễm HIV đã khó, việc đưa vào điều trị đối với người trẻ tuổi vị thành niên cũng không đơn giản, khó hơn nhiều so với điều trị HIV cho người lớn. Do hạn chế kiến thức về HIV, họ sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, lịch học trùng với lịch khám, ngại uống thuốc, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị...
“Trẻ vị thành niên cần có người lớn trong gia đình đồng ý làm giám hộ để đưa vào điều trị. Tuy nhiên, nhiều em không dám chia sẻ thông tin này cho bất kỳ người thân nào, hoặc bị gia đình từ chối.
Như với N, không có người giám hộ, nhưng không thể để N không được điều trị bởi nếu không em sẽ trở thành nguồn lây lan bệnh cho nhóm MSM ở lứa tuổi vị thành niên, hậu quả khôn lường”, BS Linh cho hay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV đang còn sống, 113.253 người nhiễm HIV đã tử vong. Xét nghiệm phát hiện mới 6.790 trường hợp, tử vong 681 trường hợp.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, 72,1% lấy nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn, 81,2% là nam giới, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 16 - 39 tuổi, 38% là MSM, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 40,8%.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?