Nỗi bất an tuổi đôi mươi trong đại dịch
Thất nghiệp càng khiến nội tâm của cô giằng xé dữ dội. Jin-ah định kết thúc cuộc đời, nhưng bản năng đã ngăn cô lựa chọn tiêu cực.
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao gấp đôi so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vấn nạn này là nguyên nhân cái chết hàng đầu ở thiếu niên, độ tuổi 20 và 30. Trong năm 2020, con số tăng đột biến ở thiếu nữ và giảm ở nhóm thanh niên nam.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, hơn 1.900 phụ nữ tìm đến cái chết vào nửa đầu năm nay, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ ở nhóm thiếu nữ độ tuổi 20 tăng hơn 40%.
Vấn đề trở nên nóng hơn và thu hút truyền thông, khi vào tháng 11, một nữ tiếp viên hàng không 27 tuổi bị sa thải bởi đại dịch Covid-19, và 3 người phụ nữ độ tuổi 20 được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh, đều có ý định tự vẫn.
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa phụ nữ độ tuổi 20 và 30 vào nhóm nguy cơ. Năm trước, Ủy ban Chính sách Phòng chống Tự tử gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, tâm lý, được thành lập và điều hành bởi Thủ tướng Chung Sye-kyun.
Trong khi nhiều chuyên gia đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 và nạn thất nghiệp đẩy thêm áp lực cho giới trẻ, cũng có ý kiến cảnh báo những về vấn đề mà thanh thiếu niên phải đối mặt ngày càng phức tạp.
Thủ tướng Chung nói với các nhà hoạch định chính sách trong một cuộc họp của uỷ ban phòng chống tự tử vào cuối tháng 11: "Thật khó để nói về hậu quả cuối cùng mà Covid-19 gây ra đối với quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới". Ông nhấn mạnh vấn đề đã gia tăng trong nhiều thập kỷ trước, sau khủng hoảng châu Á năm 1997-1998, và suy thoái kinh tế trong nước năm 2003.
Dịch Covid-19 càng khiến tình hình tệ hơn. Một cuộc khảo sát mới diễn ra đầu tháng 12 cho thấy, 1/4 giới trẻ nghĩ đến tự tử ít nhất một lần kể từ khi dịch bùng phát, con số tăng gấp 10 lần so với 2 năm trước đó.
Nam Jae-wook, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo Nghề Hàn Quốc, nói: "Trầm cảm và ý nghĩ tiêu cực ở giới trẻ đang ở mức báo động. Sức khỏe tâm thần là vấn đề cần cộng đồng quan tâm khẩn cấp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành".
Paik Jong-woo, người đứng đầu Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, nhấn mạnh: "Covid-19 cướp đi nhiều mạng sống ở người già và gây nhiều căng thẳng tinh thần ở giới trẻ". Ông nói thêm, dịch bệnh khiến nhân viên trẻ làm nghề dịch vụ và bán thời gian dễ mất việc. Đời sống xã hội bị gián đoạn bởi các biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách góp phần tăng thêm áp lực.
Phụ nữ là nhóm thiệt hại nặng nhất vì họ thường làm các công việc bấp bênh. Nhiều người khác vật lộn nuôi dạy con trong thời gian ở nhà, cùng với nạn bạo hành từ chồng.
Kim Young-taek, nghiên cứu viên tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, cho biết kinh tế là yếu tố đơn lẻ lớn nhất gây ra tâm bệnh ở phụ nữ. Một trong những nghiên cứu của ông cho thấy phụ nữ Hàn Quốc mắc vấn đề sức khỏe cao hơn nam giới.
"Phụ nữ có xu hướng thiếu tiền và ít nguồn lực xã hội hơn so với nam giới, đều là yếu tố cần thiết giúp mang lại sức khỏe tốt", Kim nói.
Không chỉ dịch Covid-19, suy thoái kinh tế cũng khiến nhóm đối tượng này dễ tổn thương. Kết luận của Kim trùng khớp với Ủy ban Phòng chống Tự tử. Cơ quan cho rằng, mất việc làm và hoạt động kinh tế giảm trong đại dịch là yếu tố chính khiến vấn nạn gia tăng mạnh.
Tháng 10, Hàn Quốc có khoảng 27 triệu việc làm, thấp hơn 421.000 so cùng thời điểm năm trước. Theo Viện Phát triển và Thống kê Phụ nữ Hàn Quốc, số phụ nữ có việc làm so với tháng 9 năm trước giảm đi 283.000 người, trong khi nam giới giảm 109.000 người.
Kim Nan-jue, nghiên cứu viên tại Viện Phát triển Phụ nữ nói: "Hàn Quốc có chênh lệch lương theo giới lớn nhất trong các nước OECD. Đồng thời, các công việc bán thời gian và chất lượng thấp phần lớn do phụ nữ đảm nhận nên họ ít làm thêm giờ hơn".
Moon Ha-eun, 24 tuổi, thợ trang điểm tại Seoul, một trong nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy xa lạ với nơi làm việc, cho biết: "Khi mới bắt đầu công việc, tôi ước mình sinh ra là con trai. Sếp muốn tôi giảm cân và phải luôn xinh đẹp với suy nghĩ rằng phụ nữ cần trang điểm khi đi làm".
Moon từng đấu tranh với trầm cảm, và tìm đến bác sĩ tâm lý bởi chứng rối loạn ăn uống và mất ngủ.
Tháng 11, Ủy ban Phòng chống Tự tử cam kết tăng cường dịch vụ tư vấn cho phụ nữ, hỗ trợ tài chính cho phụ nữ trẻ thất nghiệp, đang tìm việc làm hoặc nơi thực tập. Phụ huynh đang đi làm có thể nghỉ phép để chăm sóc con đang học trực tuyến tại nhà.
Theo nghiên cứu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc năm 2018, hơn một nửa phụ nữ trầm cảm đã không được nhận sự giúp đỡ hoặc tư vấn kịp thời.
Jin-ah ở đảo Jeju đã ngừng gặp bác sĩ tâm lý một quãng thời gian dài bởi sợ kỳ thị xã hội. Cô nói: "Tôi giấu bố mẹ bởi họ tin rằng chỉ có người chậm phát triển trí tuệ mới tìm gặp bác sĩ tâm lý". Jin cho biết nhiều người trầm cảm không được chữa trị kịp thời bởi nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần còn thấp.
Jin-ah mong muốn thay đổi nhận thức các bệnh về tâm thần từ kinh nghiệm của bản thân, bằng cách công khai câu chuyện. Cô hy vọng có thể cứu tính mạng những người đang chịu đau khổ khác, giống như cô đã từng cứu chính mình.
Nguyễn Ngọc (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo