Nước chanh chữa ung thư, mạnh hơn hoá trị 10.000 lần?
Thời gian qua, rất nhiều bệnh nhân ung thư truyền tay nhau “bí kíp” chữa ung thư mới – uống nước chanh nóng không đường hàng ngày.
Theo thông tin chia sẻ, nước chanh có khả năng giết chết tế bào ung thư, giảm sự sinh trưởng của tế bào ung thư. Loại nước này có sức mạnh chống ung thư cao gấp 10.000 lần so với hóa trị.
Vì vậy, người bệnh ung thư chỉ cần cắt 2-3 lát chanh mỏng cho vào cốc, thêm nước nóng, nó sẽ biến thành nước có tính kiềm. Đặc biệt, chanh rất lành tính, có thể phá các tế bào ung thư ác tính nhưng không hề ảnh hưởng đến các tế bào lành tính nên cơ thể vẫn khoẻ mạnh.
Tuy nhiên GS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K khẳng định: “Nước chanh không có tác dụng điều trị khỏi bệnh ung thư, dù là bất kỳ bệnh ung thư nào do các chất chứa trong quả chanh không có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư”.
Quả chanh với hàm lượng vitamin C, chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường sự miễn dịch của cơ thể.
30% bệnh nhân chết vì suy kiệt
Theo GS Hương, muốn điều trị ung thư, cần phải xác định căn nguyên của bệnh, mỗi loại ung thư, mỗi loại tế bào có phương pháp điều trị riêng.
Việc đưa ra phương pháp phù hợp điều trị cần quá trình kiểm tra, thăm khám, đánh giá, hội chẩn của các bác sĩ, tất cả quy trình này đều dựa trên nền tảng khoa học.
Tuy nhiên thực tế có nhiều bệnh nhân ung thư, sau khi biết mình mắc bệnh, thay vì đến bệnh viện để điều trị lại tin theo các phương pháp chữa bệnh không chính thống, không có trong y văn, sử dụng những sản phẩm thiếu nguồn gốc, hạn chế lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể.
Các phương pháp này chủ yếu là do truyền miệng hoặc xem thông tin từ mạng xã hội. Người bệnh khi quá kiêng kem sẽ bị suy kiệt, không đảm bảo sức khỏe để điều trị theo đúng phác đồ.
Năm 2019, Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư từng công bố nghiên cứu cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.
Tại Bệnh viện K từng điều trị cho nữ bệnh nhân mắc ung thư đại tràng di căn ổ bụng. Bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã được điều trị hoá chất tại nhưng sau đó tin bạn bè, bỏ điều trị, nhịn ăn tại nhà với hy vọng tế bào ung thư ngừng phát triển.
Theo đó, hàng ngày người phụ nữ này chỉ uống nước, hoàn toàn không ăn uống bất cứ thứ gì khiến cơ thể chỉ còn da bọc xương. Được hơn 40 ngày, không thể chịu đựng thêm, người phụ nữ xỉu đi vì kiệt sức.
Sau đó, bệnh nhân được khuyên áp dụng trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng cuối cùng cũng không qua khỏi.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 40 tuổi cũng quyết nhịn ăn chữa ung thư, tuy nhiên nhịn đến 30 ngày lịm dần đi, được đưa vào Bệnh viện K cấp cứu kịp thời.
Không kiêng thịt đỏ
GS Hương nhấn mạnh, trong cơ thể của bệnh nhân ung thư luôn tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể.
Ung thư là bệnh mãn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh.
Do vậy dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh ung thư vừa giúp hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.
Vì vậy, chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ đề dinh dưỡng: Ngũ cốc để cung cấp năng lượng, thịt cá để cung cấp protein, dầu mỡ để cung cấp chất béo, rau quả để cung cấp vitamin và khoáng chất.
Với chế độ ăn kiêng khem loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thậm chí là chỉ ăn 100% gạo lứt, muối mè, trước hết sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng protein (chất đạm). Đây là thành phần rất cần thiết để xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, xây dựng tế bào mới. Bên cạnh đó, protein còn tham gia vào các chức năng miễn dịch, các loại hormone.
Do đó, khi thiếu protein, cơ thể trở nên rất mệt mỏi và không thể vận hành một cách bình thường. Với chế độ ăn khắc khổ này thì không chỉ tế bào ung thư chết mà tế bào lành cũng chết. Kết cục là bệnh nhân chết vì suy kiệt, vì thiếu sức đề kháng, vì thiếu năng lượng trước khi chết vì ung thư.
GS Hương khuyến cáo, người bệnh đang điều trị ung thư không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý một số nguyên tắc:
- Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
- Kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào.
- Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
- Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn.
- Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
- Giữ vệ sinh răng, miệng.
- Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)
Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
Thúy Hạnh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo