Vaccine tiêm hai mũi là trở ngại chống đại dịch
Kết quả mới nhất từ những đơn vị đi đầu trong cuộc đua vaccine, bao gồm công ty công nghệ sinh học Moderna và Đại học Oxford, cho thấy nhiều triển vọng. Các hãng đều tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối với hai liều tiêm.
Phân phối vaccine cho dân số thế giới giữa đại dịch là một thách thức lớn, ngay cả khi các nhà nghiên cứu chỉ cần sử dụng một liều. Sản xuất gấp đôi số lượng đó khiến các khâu hậu cần phức tạp hơn rất nhiều. Thách thức trở nên khổng lồ khi một số chuyên gia nhận định, hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, và tiêm nhắc lại, có thể hàng năm, là cần thiết.
"Tiêm một mũi là lý tưởng nhất. Nhưng loại vaccine ra mắt lần đầu tiên rất khó đạt ngưỡng hiệu quả cao này. Khi chúng ta chuyển dần từ giai đoạn ‘liệu sẽ có vaccine không’ sang ‘làm thế nào để sử dụng nó’, công tác lập kế hoạch và quản lý trở nên tuyệt đối quan trọng", Michael Kinch, chuyên gia về vaccine và là phó chủ tịch Washington Universityn, nhận định.
Nghiên cứu ban đầu của nhóm Oxford-AstraZeneca trên hơn 1.000 tình nguyện viên cho kết quả tích cực. Các nhà khoa học ghi nhận phản ứng miễn dịch mạnh nhất ở 10 người tiêm hai mũi vaccine, cho thấy đây là phương pháp chắc chắn ngăn ngừa Covid-19. Song nhóm chuyên gia cũng lưu ý một liều tiêm vẫn đủ để bảo vệ phần lớn người tham gia thử nghiệm.
"Chúng tôi thực sự rất hài lòng khi phát hiện phản ứng miễn dịch xảy ra mạnh hơn khi tiêm hai liều. Chúng tôi không biết phản ứng đó cần mạnh đến thế nào mới đủ bảo vệ họ khỏi mầm bệnh", Sarah Gilbert, chuyên gia vaccine tại Đại học Oxford, người đứng đầu thử nghiệm, cho biết.
Các chuyên gia của AstraZeneca cũng nhấn mạnh tính khả thi của "chiến lược hai liều". Công ty đang nghiên cứu các phương pháp khác, nhưng thử nghiệm giai đoạn cuối gần như chắc chắn sẽ sử dụng hai mũi vaccine, theo Mene Pangalos, trưởng phòng nghiên cứu sinh học.
Công ty cũng cam kết cung cấp đủ 30 triệu liều tiêm cho Anh vào tháng 9 tới, dự kiến lên tới 100 triệu liều vào cuối năm nay.
"Chúng tôi hy vọng tối đa hóa cơ hội để có kết quả tốt. Hãng không muốn thất bại chỉ bởi thử nghiệm không đủ liều. Cách tiếp cận an toàn và chắc chắn nhất là dùng hai mũi liều cao", Tiến sĩ Pangalos nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phát triển vaccine đều nghiêng về phương pháp này. Kể từ khi bắt đầu tìm kiếm tình nguyện viên cho thử nghiệm, "đại gia" dược phẩm Merck & Co thẳng thắn đưa ra quan điểm chỉ sử dụng một liều vaccine, giúp khâu sản xuất, phân phối trên toàn thế giới trở nên dễ dàng và liền mạch hơn, thuận lợi phục vụ chương trình tiêm chủng toàn cầu.
"Điều đó cực kỳ quan trọng. Đây phải là loại vaccine mà chúng tôi đủ tự tin về độ hiệu quả chỉ với một liều", Kenneth Frazier, Giám đốc điều hành công ty tuyên bố.
Đến nay, vaccine của Merck & Co vẫn chưa được đưa vào thử nghiệm trên người.
Trên thực tế, ngay cả vaccine hiệu quả nhất đôi khi cũng mất vài tuần để kích thích phản ứng miễn dịch đạt đến mức độ có thể bảo vệ người dùng. Như vậy, nếu chỉ sử dụng một liều, rủi ro sẽ xảy ra khi người dân trở lại cuộc sống bình thường, trong lúc hệ thống miễn dịch vẫn đang xử lý vaccine.
Các chuyên gia đã cảnh bảo rằng loại vaccine một mũi đầu tiên được phê duyệt có thể không hiệu quả hoàn toàn. Lịch sử phát triển của ngành công nghiệp cho thấy nhiều kịch bản tương tự. Hầu như các loại vaccine tiêu chuẩn đều được tiêm hai liều, theo Tony Moody, nhà miễn dịch học tại Viện Vaccine và Con người Duke.
Thục Linh (Theo Bloomberg)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo