Bệnh nhân khổ sở vì thiếu thuốc, vật tư y tế

09:53 20/08/2024 - Y tế 24h
Mặc dù ngành y tế rất nỗ lực nhưng hiện ở nhiều cơ sở y tế, vẫn còn cảnh người bệnh phải ra ngoài tự mua thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị.
 

Đi bệnh viện phải ra ngoài mua thuốc

Chăm bố điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở Bệnh viện K Tân Triều, chị N.H.K (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mệt mỏi chia sẻ, mọi lần truyền hóa chất, hưởng BHYT, gia đình phải đồng chi trả 5 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây loại hóa chất đó hết, bệnh viện thông báo có loại thay thế nhưng giá rất cao. Do BHYT chi trả rất ít nên gia đình phải trả một đợt chừng 25 triệu đồng.

Bệnh nhân khổ sở vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều tiết ca mổ để đảm bảo đủ thuốc cho các ca mổ cấp cứu (ảnh minh họa).

Tại Bệnh viện K, nhiều bệnh nhân cũng phàn nàn khi phải chờ đợi đến đêm để được xạ trị vì máy xạ trị dành cho bệnh nhân BHYT rất hay hỏng hóc.

Vừa đưa cậu con trai ra viện sau mổ tháo nẹp vít tay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị Đ.T.H (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Trước khi mổ, gia đình phải ra ngoài mua dây truyền dịch. Hầu hết bệnh nhân nằm cùng phòng với con trai tôi đều được chỉ định mua dây truyền trước phẫu thuật và một số vật tư y tế khác".

Cũng có người thân đang điều trị ung thư đại tràng di căn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông N.T.K (Bắc Giang) chia sẻ, sau phẫu thuật, ngày nào gia đình ông cũng phải mua thêm thuốc ở ngoài theo đơn của bác sĩ bởi các loại thuốc này hiện bệnh viện không có.

Không chỉ tại Hà Nội, nhiều cơ sở y tế công tại các tỉnh, thành khác cũng chung tình cảnh bệnh nhân phải chờ đợi điều trị, hoặc được chỉ định mua thuốc ngoài bởi… hết thuốc, vật tư y tế trong danh mục hưởng BHYT.

Vì sao thiếu thuốc, vật tư?

Chia sẻ về việc một số thuốc, vật tư bị ngắt quãng cung ứng, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, khi thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu sửa đổi được ban hành, các bệnh viện mới bắt tay làm hồ sơ thầu. Thời gian làm hồ sơ kéo dài sẽ khiến quá trình mua bán thuốc, vật tư bị chậm lại.

"Tại đây, với các thuốc tương đương sinh học, không có thuốc này thì có thuốc khác thay thế, nhưng với những thuốc đặc thù dùng trong phẫu thuật như: Albumin và Gamma Globulin do không có đối tác tham gia thầu nên bệnh viện không mua sắm được. Trường hợp thiếu thuốc này là bất khả kháng", ông Hùng nói.

Thuốc gây mê tại Bệnh viện Việt Đức cũng thiếu do không có loại thay thế, trong khi đây là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, mỗi ngày thực hiện từ gần 300 ca mổ phiên và 30-40 ca mổ cấp cứu.

"Thời gian qua, vì thiếu thuốc mê nên bệnh viện phải điều tiết giảm bớt số lượng các ca mổ nhưng luôn đảm bảo đủ thuốc phục vụ các ca mổ cấp cứu, ghép tạng từ người cho chết não", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói và cho hay, bệnh viện đang rốt ráo giải quyết khó khăn này.

Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K thông tin, bệnh viện có 6 máy xạ trị, gồm 5 máy ở cơ sở 3 và 1 máy ở cơ sở 2. Trong đó, máy số 1 và số 2 là máy được BHYT chi trả; 3 máy còn lại là máy xã hội hóa nên chỉ được hưởng BHYT một phần.

Theo ông Quảng, công suất mỗi máy xạ trị là 70 bệnh nhân/ngày, nhưng hiện đang phải gánh 150 bệnh nhân/ngày. Hiện, bệnh viện đang đẩy nhanh đấu thầu, từ nay đến năm 2025 sẽ mua 4 máy xạ trị mới từ nguồn ngân sách.

Địa phương, cơ sở y tế phải chủ động

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ngoài các chính sách đã kịp thời được ban hành để gỡ khó cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, Bộ Y tế đang hoàn thiện Luật Dược và Luật BHYT sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.

Nếu Luật Dược được thông qua sẽ có 5 chính sách cải cách thủ tục hành chính rất mạnh để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp cung ứng cho cơ sở y tế. Đồng thời, xây dựng cơ chế, phương án thực hiện đảm bảo nguồn cung các loại thuốc hiếm.

Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ sở y tế, địa phương trong việc chủ động xác định nhu cầu, dự trù, xây dựng kế hoạch, đấu thầu mua sắm, đặt hàng nhằm đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung ứng.

Lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội cho rằng, hoạt động đấu thầu hiện vẫn phải thực hiện qua các bước theo quy định nên việc chậm là dễ hiểu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đối mặt với nguy cơ trượt thầu.

Với quy định mới, khi không có nhà thầu trúng thầu, bệnh viện sẽ phải áp dụng chỉ định thầu để đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, phương án này chỉ áp dụng với gói thầu dưới 50 triệu đồng. Bất cập ở chỗ có loại thuốc chỉ có thể sử dụng trong 1-2 tháng nhưng thời gian mở thầu và đấu thầu hoàn thiện phải mất 2-3 tháng.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/benh-nhan-kho-so-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-192240819235113682.htm

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Nghẹt thở chuyện lấy tạng cứu bệnh nhân chờ chết

Nghẹt thở chuyện lấy tạng cứu bệnh nhân chờ chết

Y tế 24h - 04/09/2024

Nghẹt thở chuyện lấy tạng cứu bệnh nhân chờ chết

Bệnh nhân đột quỵ não nặng thêm vì uống An cung ngưu hoàng hoàn

Bệnh nhân đột quỵ não nặng thêm vì uống An cung ngưu hoàng hoàn

Y tế 24h - 21/08/2024

Bệnh nhân đột quỵ não nặng thêm vì uống An cung ngưu hoàng hoàn

Đắk Lắk ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị trấn Ea Knốp

Đắk Lắk ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị trấn Ea Knốp

Y tế 24h - 06/08/2024

Đắk Lắk ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị trấn Ea Knốp

Mắc viêm tai mũi họng vì bơi lội ngày hè

Mắc viêm tai mũi họng vì bơi lội ngày hè

Y tế 24h - 05/08/2024

Mắc viêm tai mũi họng vì bơi lội ngày hè

Chớ chủ quan với tê chân, chuột rút về đêm

Chớ chủ quan với tê chân, chuột rút về đêm

Y tế 24h - 01/08/2024

Chớ chủ quan với tê chân, chuột rút về đêm

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới