Ca mổ tách hai bé thành công
Sau mổ, hai em được chuyển tới Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tổng chỉ huy ca mổ, đã gặp bố mẹ các cháu, thông báo kết quả sơ bộ cuộc mổ.
"Ca mổ kết thúc, thành công", bác sĩ Định nói. Đôi vợ chồng trẻ ôm nhau khóc nức nở khi nghe tin mừng.
Các bác sĩ cho biết hậu phẫu cũng sẽ là một hành trình gian truân không kém.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện thăm hỏi và chúc mừng thành công của kíp mổ.
Trong suốt 13 giờ, gần 100 chuyên gia, y bác sĩ đã gây mê, mổ tách, sắp xếp các cơ quan nội tạng, cắt tách xương, tách rời hai bé, tạo hình các bộ phận khiếm khuyết, nắn chỉnh khung xương cho các em. Ca mổ thành công sẽ giúp hai trẻ có được cuộc sống khỏe mạnh, bình thường, sau 13 tháng dính liền nhau kể từ chào đời.
"32 năm sau cuộc mổ tách thành công cặp song sinh đầu tiên ở Việt Nam, ca phẫu thuật hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế về tách dính trẻ song sinh dính liền", Giáo sư Trần Đông A, tổng chỉ huy nhiều ca phẫu thuật tách dính ở Việt Nam kể từ năm 1988, đánh giá.
Trước đó, lúc 14h10, phẫu thuật viên cắt xương, tách rời thành công Trúc Nhi và Diệu Nhi, các kíp mổ tiếp tục phẫu thuật tạo hình cho hai cháu.
Bé Trúc Nhi được đưa sang phòng mổ siêu sạch số 12, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đã được chuẩn bị sẵn. Bé Diệu Nhi vẫn ở lại phòng mổ ban đầu. Các bác sĩ bắt tay vào các công đoạn phẫu thuật tạo hình cho từng cháu.
Các bác sĩ nhận định: "Tất cả dị tật của hai bé phù hợp với những dự liệu trước phẫu thuật. Các chỉ số sinh tồn hai bé hoàn toàn ổn định đến lúc này".
Trước đó, ở khâu cắt rời xương chậu để tách hai bé, nhóm phẫu thuật viên chỉnh hình gặp khó khăn do màng xương dính nhau rất cứng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn tiến tốt. Máu chảy ít, mỗi cháu chỉ cần truyền một đơn vị máu.
Các bác sĩ bắt đầu thì phẫu thuật thứ 3. Nhóm phẫu thuật viên ngoại Niệu sẽ phục hồi hệ tiết niệu sinh dục. Nhóm ngoại Tổng hợp phẫu thuật phục hồi hệ tiêu hóa. Nhóm phẫu thuật tạo hình chỉnh hình phục hồi tầng sinh môn, khung chậu cho hai bé.
Lúc này, ca đại phẫu đã kéo dài 9 giờ.
Diễn biến mổ tách hai cháu diễn ra đúng như dự liệu của các bác sĩ.
Bắt đầu ca mổ, sau đường rạch da đầu tiên của Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trưởng ê kip phẫu thuật, Tiến sĩ Trần Văn Dương, bác sĩ ngoại viện từ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng nhóm Phẫu thuật tạo hình, bắt đầu cân cơ và mở bụng tách hai bé. Nhóm phẫu thuật Ngoại tổng quát tiến vào thám sát ruột và thực hiện phương án chia đôi phần ruột chung đã tính toán trước.
Khi phần ruột chia ổn, nhóm phẫu thuật Niệu tiếp tục tách hai bàng quang, niệu quản, tử cung, âm đạo, buồng trứng cho hai bé. 11 ê kip phẫu thuật phối hợp nhịp nhàng, chắc chắn.
Vào lúc trưa, bệnh viện thông báo các cháu an toàn trải qua 1/3 ca mổ tách.
Sáng sớm nay, hai bé được các điều dưỡng chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ tách. Cha mẹ hai bé nắm chặt tay con, đi theo băng ca, đưa con tới tận cửa phòng mổ. Hai bé tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Các bác sĩ dán giấy màu đỏ lên trán Trúc Nhi, giấy màu xanh cho Diệu Nhi để phân biệt hai em, tránh nhầm lẫn nhân sự và trang thiết bị phẫu thuật.
Nhìn theo hai con gái bé bỏng khuất sau cánh cửa, người mẹ khóc không ngừng. Bên ngoài hành lang, đôi vợ chồng trẻ ôm vai nhau, hồi hộp chờ đợi. Trong phòng mổ, 7h30, hai em bé vẫn nằm ngoan, tự chơi. Không khí phòng mổ không quá căng thẳng. Các phẫu thuật viên điềm tĩnh thực hiện thao tác. Có riêng hai nhân viên y tế dỗ dành mỗi em.
Tiền mê xong, các bác sĩ sát trùng phẫu trường và các thủ tục khác. Hai em được gây mê hoàn toàn. 9h, những đường dao đầu tiên thay đổi số phận hai bé gái bắt đầu. Nếu đúng kế hoạch, cuộc mổ kết thúc lúc 18h cùng ngày.
"Em chỉ mong hai bé được bình an khỏe mạnh vượt qua ca phẫu thuật lần này. Còn về tương lai đến đâu tính đến đó chứ cũng chưa biết phải làm sao", người mẹ, 25 tuổi, chia sẻ khi cánh cửa phòng mổ đang dần khép lại.
93 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nội viện và ngoại viện, chia thành 11 ê kip tham gia ca phẫu thuật. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là "chỉ huy trưởng". Nhóm tham vấn chuyên môn có mặt Giáo sư Trần Đông A, vị bác sĩ tài ba thực hiện thành công ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt Đức năm 1988.
Bác sĩ Trương Quang Định, trưởng nhóm phẫu thuật tái tạo các cơ quan cho bé Diệu Nhi. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, chịu trách nhiệm chính phần phẫu thuật đối với Trúc Nhi.
Trước khi bắt tay vào phẫu thuật, bác sĩ Định chia sẻ: "Cảm xúc phải giấu vào trong".
Từ chiều tối qua, hai bé đã được các điều dưỡng chăm sóc, chuẩn bị sẵn sàng tại phòng vô trùng ở khoa Hồi sức sơ sinh. Tất cả đã sẵn sàng cho ca đại phẫu.
Kế hoạch phẫu thuật trước đó đã được các bác sĩ tính toán đến từng chi tiết. Sau khi tách rời thành công hai bé, Trúc Nhi sẽ được chuyển sang phòng mổ khác để thực hiện tiếp các giai đoạn khác. Diệu Nhi tiếp tục phẫu thuật ở phòng ban đầu. Ê kip chính chia ra làm đôi, phẫu thuật đồng thời cho hai cháu.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?