Đột quỵ ở người trẻ

Theo VnExpress 12:20 11/07/2020 - Y tế 24h
TP HCM - Chị Thục, 33 tuổi, bị đột quỵ não cấp song cho rằng chỉ trúng gió, đến bệnh viện "sau thời gian vàng" nên bác sĩ không thể can thiệp kịp thời.

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trưa 26/6, trong tình trạng nói khó, méo tiếng, lệch miệng, tay trái yếu, khó cầm nắm.

Kết quả CT scan sọ cho thấy chị bị đột quỵ do tắc nghẽn mạch, gây nhồi máu não, một dạng đột quỵ não cấp. Triệu chứng bệnh khởi phát vào buổi sáng với các biểu hiện khó cầm nắm bàn tay trái, nói khó nhưng bệnh nhân chủ quan, cho rằng chỉ trúng gió thông thường.

Do đó, khi đến bệnh viện, thời gian "vàng" điều trị đột quỵ đã qua, các phương pháp can thiệp tái thông mạch máu, làm tan cục máu đông và ngăn ngừa tổn thương não không thể áp dụng. Các bác sĩ chỉ có thể hỗ trợ nội khoa, kiểm soát huyết áp, duy trì lượng máu lên não, hạn chế tổn thương tối đa các tế bào thần kinh.

Chị Thục trải qua 14 ngày điều trị tích cực, tập vật lý trị liệu hồi phục. Hiện tình trạng đã cải thiện, mặt hết lệch, giọng nói hết méo nhưng sức cơ tay yếu, chưa thể cầm nắm. Bệnh nhân phải theo dõi và tầm soát tìm ra nguyên nhân đột quỵ, nhằm đưa ra biện pháp phòng ngừa tối ưu, tránh tái phát.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Trung Thành, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, đột quỵ não, còn gọi tai biến mạch máu não, là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế.

Bác sĩ Thành thăm khám cho một bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Thư Anh
Bác sĩ Thành thăm khám cho một bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Thư Anh

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%.

Trường hợp tai biến trẻ tuổi như chị Thục không hiếm gặp. Ước tính, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 100 ca đột quỵ trẻ tuổi. Trước đó, một học sinh nam, 16 tuổi, không có tiền sử bị tim mạch hay cao huyết áp, cũng vào viện cấp cứu vì nhồi máu não cấp trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Thành phân tích, hiện nay, lối sống ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Các bệnh lý bẩm sinh như bất thường về tim, đặc biệt là bệnh rung nhĩ, bệnh huyết học, hay dị dạng mạch máu não cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ gia tăng.

Nguy hiểm hơn, mọi người thường nghĩ đột quỵ là bệnh người già, không bao giờ "gõ cửa" lớp thanh niên nên rất chủ quan. Họ dễ bỏ qua những triệu chứng đột quỵ nên khi bệnh vào giai đoạn muộn mới cầu cứu y tế. "Nhiều người trẻ tử vong hoặc tàn phế vì không được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Thành nói.

Biến chứng đột quỵ ở người trẻ cũng tương tự như người cao tuổi. Có thể cơ địa người trẻ tốt hơn nên khả năng hồi phục cao hơn. Mặc dù vậy, nếu bệnh nặng gây tàn phế, tâm sinh lý người bệnh dễ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi một người đang hừng hực sức thanh niên, bỗng dưng "bán thân bất toại", tạm dừng mọi công việc, phụ thuộc sinh hoạt vào người thân sẽ rất khó khăn để vượt qua.

Theo bác sĩ Thành, để ngăn chặn đột quỵ, giảm gánh nặng cho ngành y tế và cả xã hội, người dân ở mọi lứa tuổi cần đi khám tầm soát định kỳ các bệnh liên quan trực tiếp đến đột quỵ như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Người bị tăng huyết áp nên đo thường xuyên để có biện pháp kiểm soát và điều trị phù hợp.

Người đang có lối sống không lành mạnh cần thay đổi thói quen. Nên ăn cá, nhiều trái cây, rau tươi, ngũ cốc và dầu thực vật, hạn chế muối, thịt gia cầm, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng vừa phải. Từ bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia, tránh lo âu căng thẳng kéo dài nhằm giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tìm hiểu và nâng cao kiến thức để nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ. Khi đột ngột thấy nói khó, lệch miệng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn... phải nghĩ ngay đến đột quỵ. Ngay lập tức phải gọi cấp cứu đưa người bệnh đến các trung tâm có thể can thiệp điều trị đột quỵ não cấp tính gần nhất để được điều trị kịp thời.

"Người nhà tuyệt đối không tự sơ cứu bằng các phương pháp dân gian như cạo gió, bấm huyệt, châm cứu. Những động tác này làm chậm trễ việc điều trị và có thể khiến bệnh trầm trọng hơn", bác sĩ Thành nói.

Hiện, bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong các cơ sở y tế điều trị đột quỵ với phương pháp tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ.

Thư Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới