Đừng phải chết oan do chó dại cắn
Chết oan
Cách đây hơn hai tháng, một bé trai bảy tuổi ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) trong lúc nô đùa với một con chó lạ đã vô tình bị cắn nhẹ vào tay và chân. Nhưng vì chủ quan, gia đình đã không đưa đi tiêm phòng. Sau khi bé có một số biểu hiện bất thường, gia đình lại mang đến thầy lang cứu chữa. Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì bệnh nhân đã lên cơn dại dẫn đến tử vong.
Vài tháng trước, cũng tại huyện Yên Thành, thầy giáo tên T. (45 tuổi) đã tử vong vì chó dại cắn. Người nhà nạn nhân cho biết, trước Tết Nguyên đán, ông T. bị một con chó thả rông cắn. Tuy nhiên, do chủ quan, nghĩ vào mùa đông chó ít bị mắc bệnh dại nên ông T. không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Sau đó, ông T bắt đầu có các triệu chứng bất thường nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị. Được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm virus bệnh dại ở giai đoạn nặng nên bệnh viện đã chuyển lên tuyến trên ở Hà Nội cấp cứu nhưng ông T. đã tử vong do bệnh chuyển biến nặng.
Đây là hai trong năm trường hợp bị tử vong do chó dại cắn ở Nghệ An trong năm tháng đầu năm 2020. Trong đó huyện Yên Thành hai người; Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Thanh Chương mỗi địa phương một người.
Theo thống kê của ngành Y tế, tại Nghệ An, từ năm 2013 đến cuối năm 2019 đã có 71 người bị chết do bệnh dại; gần 3.000 người tiêm huyết thanh kháng dại và 70.000 người phải đi tiêm vắc-xin phòng dại do bị súc vật nghi dại cắn. Theo đánh giá của ngành chức năng Nghệ An, nguy cơ bị chó dại cắn gây tử vong có dấu hiệu gia tăng trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có gần 171 nghìn người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Trước đó, trong năm 2018, cả nước cũng có tới 103 người tử vong vì bệnh dại, tăng 29 trường hợp so với năm 2017...
Hằng năm, trên thế giới, bệnh dại giết chết gần 60 nghìn người, chủ yếu là trẻ em ở các nước đang phát triển. Tính ra, cứ 15 phút thì có một người chết vì bệnh dại. Đây là thực tế đáng buồn của tình hình bệnh dại hiện nay.
Tuyệt đối không đến thầy lang chữa chó cắn
Bệnh dại đã và đang gây ra nỗi đau khắp nơi, kéo dài dai dẳng nhiều năm. Trong khi đó nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, chủ quan không đi tiêm phòng mà điều trị bằng thuốc nam nên khi phát bệnh dại thì vô phương cứu chữa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn có rất nhiều thầy lang vườn hoạt động “chui” đang ngày đêm “giết người” bằng cách phòng, điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn bằng thuốc nam.
Những cái chết vì bệnh dại luôn oan uổng và đau đớn khôn cùng. Nỗi ân hận mãi giằng xé người ở lại. Anh T.T.T - bố nạn nhân T.N.N ở xã Nghi Trường, Nghi Lộc (Nghệ An) day dứt: “Cháu nó học lớp 2. Gia đình không biết cháu bị chó cắn từ bao giờ. Người phát hiện triệu chứng bệnh của cháu là cô giáo ở lớp. Đau đớn và ân hận lắm vì chưa quan tâm nhiều đến con”.
Chung tâm trạng, anh N.V.T (43 tuổi) ở xã Nghi Thiết, Nghi Lộc (Nghệ An), chồng nạn nhân N.T.T buồn rầu: “T phát bệnh dại sau khi bị chó cắn khoảng một năm. Khi bị cắn, T có lên trạm y tế để khâu vết thương năm mũi nhưng lại không đi tiêm phòng mà cùng gia đình nuôi chó ra lấy thuốc nam của một thầy lang ở huyện Diễn Châu uống... “Lúc T bị chó cắn, tôi đã thiếu kiên quyết bắt đi tiêm phòng, anh T. ân hận.
Bác sĩ Võ Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc cho biết: Năm 2018, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có tới bốn người tử vong do bệnh dại. Cả bốn trường hợp tử vong này sau khi bị chó cắn đều không tiêm phòng dại, và 3/4 trường hợp sử dụng thuốc nam để chữa trị mặc dù đã được nhân viên y tế tuyên truyền, khuyến cáo đi tiêm phòng.
Đáng buồn, trong thời đại công nghệ 4.0 mà có không ít người dân vẫn mù quáng, tin vào thầy lang băm có thể chữa được chó dại cắn. Đã có không ít gia đình, cứ có người nhà bị chó cắn là không mang đi tiêm phòng mà lại mang đến thầy lang chữa, rất chi là nguy hiểm. Bác sĩ Hoàng Ngọc Đàn ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, có trường hợp tử vong mới nhất ở Nghệ An, sau khi bệnh viện trả về, người nhà lại tiếp tục mang bé đến cứu chữa ở thầy lang. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc của thầy lang được ít giờ, cháu đã tử vong. Bác sĩ Đàn cho biết thêm, nhiều trường hợp sau khi bị chó cắn mang đến thầy lang chữa sau đó khỏi nên cứ đồn thổi “thầy lang chữa được bệnh chó dại cắn”. Nhưng trên thực tế, con chó cắn người đó không hề bị dại…
Cũng theo bác sĩ Đàn, bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu, mặt, cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine; hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương, và đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không được tin, thầy lang có thể chữa được bệnh chó dại cắn, để phải bỏ mạng một cách oan uổng.
Một vấn đề cấp thiết nữa đặt ra đó là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An phải vào cuộc một cách quyết liệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và dẹp bỏ tận gốc những thầy lang băm, hoạt động “chui” đang ngày đêm “giết người” bằng cách phòng, điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn bằng thuốc nam. Bên cạnh đó, chúng ta phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, hễ gia đình nào nuôi chó mèo, đều phải tiến hành tiên phòng dại cho vật nuôi đó; những người nào nào bị chó, mèo cắm thì phải đi tiêm phòng dại ngay lập tức, tuyện đối không dến thầy lang băm để chữa bệnh dại…
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?