Gần 50% người trưởng thành ở đô thị bị mỡ máu cao, thừa cholesterol
Báo động thực trạng thừa Cholesterol
Tại hội thảo khoa học về “Báo động thực trạng thừa Cholesterol: Hệ hụy và giải pháp” do Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Y học ứng dụng Việt Nam vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đáng lo ngại, tại Việt Nam, theo thống kê, có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao. Trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
Mỡ máu cao đã và đang trở thành vấn đề báo động, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng cộng đồng vẫn chưa được trang bị kiến thức đúng đắn, trong khi tình trạng này có thể dự phòng và kiểm soát được thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động".
Còn PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ Môn dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, trường Đại học Y Hà Nội cho biết: "Cholesterol máu cao là một trong những nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch.
Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành có 3 người cholesterol máu cao (30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu.
Hiện nay, cộng đồng có thái độ “thờ ơ” với tăng cholesterol mỡ máu, nhiều người bị mỡ máu nhưng vẫn vô tư ăn nhà hàng, đồ xào rán, nhiều thịt mỡ, ít rau, trái cây, ít hoạt động thể lực".
Chia sẻ về hậu quả của rối loạn mỡ máu, ông Dũng cho hay, mỡ sẽ tích tụ trong động mạch, tắc nghẽn, xơ vữa, cứng động mạch. Xơ vữa động mạch vành gây đau thắt ngực (do gián đoạn tạm thời lưu lượng máu), đây là dấu hiệu cơn đau tim.
Mảng xơ vữa vỡ ra, hình thành cục máu đông, lòng động mạch thu hẹp, chặn hoàn toàn dòng máu tới tim cơn đau tim. Nếu xảy ra ở não dẫn tới đột quỵ.
Hoặc những mảng xơ vữa có thể ngăn cản dòng máu tới ruột, chân, bàn chân gây bệnh động mạch ngoại biên có thể phải cắt cụt chân....
Cần kiểm soát rối loạn mỡ máu ra sao?
Để kiểm soát rối loạn mỡ máu, PGS Dũng cho rằng từ 20 tuổi, cần kiểm tra mỡ máu mỗi 5 năm/lần.
Còn TS.BS. Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, ngoài điều trị thuốc, rối loạn mỡ máu phải điều trị theo nguyên nhân.
Hiện nay với người bệnh thay đổi chế độ ăn là quan trọng nhất. Việc thay đổi chế độ ăn không phải là cắt bỏ đạm hay tinh bột mà có chế độ ăn hợp lý.
TS. BS. Trương Hồng Sơn nhấn mạnh đến quan điểm sai lầm của người Việt cho rằng để giảm cholesterol, ngừa mỡ máu cao thì cần loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là quan niệm không đúng vì chất béo là một nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần bổ sung mỗi ngày với hàm lượng hợp lý. Nhiều chế độ ăn tốt cho sức khoẻ trên thế giới cũng nhấn mạnh đến việc không cần thiết phải kiêng sử dụng chất béo hoàn toàn.
“Thay vì loại bỏ, chúng ta cần chọn lọc nguồn chất béo có lợi cho sức khoẻ để nạp vào cơ thể. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ phủ tạng động vật, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp…
Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi - thường được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích; trong quả bơ, ô liu, trong các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương…
Ưu tiên sử dụng các loại dầu ăn có chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol vì còn có khả năng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm”, ông Trương Hồng Sơn cho biết.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư