Mối nguy khi thừa cholesterol
Tại Việt Nam, có đến 1/3 người trưởng thành gặp tình trạng thừa cholesterol. Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể" do Bộ Y tế vừa tổ chức.
Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Cholesterol chủ yếu có 2 loại chính là cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL). Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, cholesterol tốt có vai trò vận chuyển cholesterol ra khỏi máu, nhất là đưa cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa động mạch, hạn chế gây ra các biến chứng tim mạch. Trong khi đó, cholesterol xấu sẽ tăng cường di trú vào nội mạc tế bào, hình thành mảng xơ vữa. Một người bình thường đến khoảng 40-50 tuổi thì mức độ xơ vữa mạch làm hẹp lồng mạch khoảng 40%. Tăng cholesterol xấu sẽ làm tăng sự xuất hiện của các mảng xơ vữa.
Các mảng xơ vữa khiến cho mạch máu bị hẹp, tế bào máu đi trong lòng mạch bị cản trở, mạch lắng đọng, tiểu cầu bị vón lại, làm khởi động quá trình đông máu và tạo ra cục máu đông. Cục máu đông tắc ở bộ phận nào sẽ gây ra biến cố ở đó, ví dụ tắc ở mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim, tắc ở não dẫn đến nhồi máu não, đột quỵ... Những người bị tăng huyết áp, bệnh tiểu đường còn thường có mức cholesterol cao hơn bình thường.
Xét nghiệm cholesterol toàn phần (TC) ≥ 5,2 mmol/lít; tăng cholesterol xấu (LDL) > 3,4 mmol/lít, giảm cholesterol tốt (HDL) < một mmol/lít hoặc tăng triglyceride (TG) > 2,3 mmol/lít. Nếu có những yếu tố này có thể đang gặp một số vấn đề về cholesterol.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tình trạng thừa cholesterol ở Việt Nam ngày một tăng, 1/3 người trưởng thành bị thừa cholesterol, trong đó, hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi có cholesterol cao hơn bình thường. Thừa cholesterol thường gây ra các bệnh lý về tim mạch, là một trong các nhóm bệnh không lây nhiễm có nguy cơ tử vong hàng đầu. Nhiều người còn phải chịu gánh nặng về bệnh lý không lây nhiễm khác như đái tháo đường, tăng huyết áp. Ở nước ta, có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp; 3,5-5 triệu người bị đái tháo đường.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, đối với phụ nữ, tỷ lệ rối loạn lipid máu cao hơn nam giới, nhất là tăng cholesterol ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh; tỷ lệ tăng phối hợp cholesterol và triglyceride ở nữ giới không thấp hơn nam giới. Một số người thường nghĩ rằng rối loạn lipid máu, tăng huyết áp thường là bệnh của nam giới, nhưng không phải như vậy; chỉ có điều yếu tố khiến nam giới dễ bộc lộ bệnh để nhập viện hơn là do uống rượu bia. Tuổi càng lớn, xu hướng tăng cholesterol càng cao, nguy cơ sức khỏe càng nhiều, nhất là rối loạn chuyển hóa lipid máu có liên quan đến tăng cholesterol.
Cách hạn chế tình trạng thừa cholesterol
Những đối tượng bị tăng cholesterol ngoài tiền sử người trong gia đình có cholesterol máu cao; người bị thừa cân béo phì, đái tháo đường, suy giáp thì chủ yếu nguyên nhân đến từ chế độ ăn uống và sinh hoạt chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều chất béo có hại, thức ăn nhiều cholesterol như mỡ động vật, phủ tạng của động vật; lười vận động, thường xuyên hút thuốc, uống rượu, bia...).
Nói riêng về chế độ dinh dưỡng, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, mọi người cần ăn đủ theo 8 nhóm thực phẩm. Người trưởng thành nên ăn 400 gram rau quả mỗi ngày (rau quả có nhiều chất xơ sẽ góp phần "quét sạch" cholesterol xấu ra khỏi cơ thể), ăn giảm muối (dưới 5 gram một ngày). Sử dụng gia vị, dầu ăn có chất chống oxy hóa giúp giảm đi các gốc tự do sinh ra do quá trình chuyển hóa lipid máu, giảm hình thành cholesterol xấu. Bác sĩ khuyến nghị chị em nội trợ hạn chế đưa vào thực đơn gia đình các món ăn chứa nhiều cholesterol ví dụ như nội tạng động vật, sử dụng các chất béo có lợi.
"Nhiều người thường nghĩ tăng cholesterol phải kiêng hẳn nhóm chất béo; tuy nhiên điều này chưa đúng. Chất béo có chứa axit béo không no rất cần thiết, nhất là omega-3, 6 thường có nhiều trong chất béo của thực vật, các loại cá. Trong một số loại dầu thực vật và gạo lứt có chất oxy hóa như Gamma - Oryzanol, Phytosterol. Gamma - Oryzanol, Phytosterol có tác dụng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm, góp phần giúp kiểm soát cholestol, đã được minh chứng trong các nghiên cứu tại Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ", bác sĩ Bạch Mai nói thêm.
Kim Uyên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?