Ghép tế bào gốc: Phép màu cho những người bệnh ung thư máu
Năm 2013, chị Thức kết hôn và sống trong những ngày tháng đẹp đẽ khi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui quá ngắn khi ở thai kỳ tháng thứ 5, chị có biểu hiện mệt mỏi, khó thở và gầy sút cân. Kết quả khám bệnh khiến chị gần như chết lặng - chị bị ung thư máu.
Trong những ngày đầu nằm viện, chị phải đứng trước một quyết định quá khó khăn với một người làm mẹ, đó là không thể giữ đứa con bé bỏng còn đang nằm trong bụng mẹ.
“Tôi đã nghĩ đến việc không điều trị mà cố nuôi dưỡng thai cho đến lúc con chào đời. Nhưng cả gia đình đều hiểu rõ, với tình trạng của tôi lúc này, nếu vẫn cố giữ em bé thì có thể còn mất cả mẹ lẫn con”, chị Thức chua xót nói.
Ở tháng 5 của thai kỳ, em bé chào đời trong một tình huống cấp cứu và đã vĩnh viễn rời vòng tay chị vì bị suy hô hấp. Sự tuyệt vọng khiến người mẹ trẻ đang đối mặt với căn bệnh tử thần không còn chút sức lực để sống tiếp. Chị đã nghĩ đến cái chết. Thế nhưng, tình yêu của chồng, sự động viên của gia đình đã làm chị thức tỉnh.
Tháng 11/2013, chị quay lại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để điều trị. Chị đã trải qua 3 đợt truyền hóa chất kéo dài hơn 6 tháng với bao nhiêu đau đớn. Những người bệnh cùng khoa chị, có nhiều người đã mất trong hành trình kéo dài sự sống. Chị cũng rất hoang mang và sợ hãi. Nhưng số phận may mắn mỉm cười với chị khi sự lạc quan cùng sự tận tâm điều trị của các bác sĩ đã giúp chị vượt qua bạo bệnh.
Sau khi lui bệnh hoàn toàn và đi khám định kỳ được một thời gian, cuối năm 2014, chị được bác sĩ ở Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tư vấn ghép tế bào gốc.
Chị đã suy nghĩ, đắn đo rất nhiều vì lo tốn kém cho gia đình và sợ ca ghép không thành công. Nhưng vốn mạnh mẽ và quyết tâm, chị nhanh chóng quyết định bước vào phòng ghép khi có nguồn tế bào gốc phù hợp từ anh trai.
Trải qua rất nhiều nỗi đau và mất mát, dường như may mắn đã trở lại với chị: “Quá trình ghép của tôi rất thuận lợi, suôn sẻ. Tôi chỉ mệt những ngày đầu truyền hóa chất, sau đó sức khỏe của tôi rất tốt. Tôi chỉ phải ở trong phòng cách ly 25 ngày rồi được chuyển ra sang phòng theo dõi.
Đến giờ bác Bình (bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc) và các điều dưỡng ở Viện vẫn nhắc đến tôi là trường hợp đặc biệt, ra viện sau ghép với số tiền viện phí thấp đến bất ngờ”.
Một năm sau ngày ghép, chị được dừng thuốc hoàn toàn. Ước mơ làm mẹ cháy bỏng vẫn nung nấu trong chị. Nhưng vì không thể có con tự nhiên, chị được tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm. Chị quyết liều một lần, nếu không thành công, chị sẽ chia tay chồng để anh đi tìm hạnh phúc mới.
Sau những ngày tháng chống chọi với bạo bệnh, chị không nghĩ cuộc đời mình lại được bồi đắp thêm niềm hạnh phúc lớn lao khi trong lần chuyển phôi đầu tiên, chị đã đậu thai. Tháng 8/2021, gia đình chị hạnh phúc đón một bé trai kháu khỉnh chào đời.
Hơn 6 năm sau khi vượt qua cánh cửa tử thần, người phụ nữ đã từng nghĩ rằng “Mình có thể chết bất cứ lúc nào”, “Mình sẽ không thể sinh con được” giờ đây không chỉ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống mà còn thực hiện được khát khao làm mẹ.
Phép màu từ ghép tế bào gốc cũng đã mang lại cho anh Nguyễn Văn Hải, giáo viên dạy Toán của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình một cuộc sống mới.
Một năm trước, tương lai như mờ mịt trước mắt khi thầy Hải nhận được kết quả mắc bệnh ung thư máu. Lúc ấy, dù mạnh mẽ đến đâu anh cũng không thể kìm được những giọt nước mắt tủi hờn, buồn bã.
Khi đó, anh Hải đã phải dừng toàn bộ công việc để toàn tâm điều trị. Nghĩ đến gia đình và những người học trò đang cần mình dìu dắt, thầy Hải quyết tâm phải chữa khỏi bệnh để trở về. Ghép tế bào gốc trở thành chiếc “phao cứu sinh” cho người giáo viên trẻ.
Hy vọng ngày càng sáng rõ với thầy giáo trẻ khi kết quả xét nghiệm HLA cho thấy tế bào gốc của em trai ruột và thầy Hải hoà hợp 10/10. Thời điểm đó, sau nhiều tháng điều trị hoá chất, thầy Hải đã lui bệnh hoàn toàn.
Cùng với quyết tâm của gia đình, đội ngũ y, bác sĩ và sự giúp sức của cộng đồng, ca ghép tế bào gốc đồng loài cùng huyết thống phù hợp HLA đã được tiến hành.
Thời gian trong phòng ghép, thầy Hải đối diện với những cơn sốt triền miên không cắt, những lần đổi kháng sinh bị nôn ra thuốc, nôn nhiều, không ăn uống được…
Có rất nhiều khó khăn mà người bệnh ghép phải trải qua. Những lúc như vậy, những câu chuyện, chia sẻ của nhiều người bệnh khác đã tiếp thêm động lực để thầy Hải vượt qua. Sau hơn 2 tháng trong phòng cách ly, thầy giáo trẻ đã chính thức xuất viện.
Với nhiều người bệnh như chị Thức, anh Hải, ghép tế bào gốc tựa như một “phép màu” đưa người bệnh từ ranh giới sinh tử đến với một cuộc sống mới.
Kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 545 ca ghép tế bào gốc, hồi sinh sự sống cho rất nhiều người bệnh máu hiểm nghèo.
Riêng về ghép đồng loài, viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn…
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Nghẹt thở chuyện lấy tạng cứu bệnh nhân chờ chết
Y tế 24h - 04/09/2024
Nghẹt thở chuyện lấy tạng cứu bệnh nhân chờ chết
Bệnh nhân đột quỵ não nặng thêm vì uống An cung ngưu hoàng hoàn
Y tế 24h - 21/08/2024
Bệnh nhân đột quỵ não nặng thêm vì uống An cung ngưu hoàng hoàn
Bệnh nhân khổ sở vì thiếu thuốc, vật tư y tế
Y tế 24h - 20/08/2024
Bệnh nhân khổ sở vì thiếu thuốc, vật tư y tế
Đắk Lắk ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị trấn Ea Knốp
Y tế 24h - 06/08/2024
Đắk Lắk ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị trấn Ea Knốp
Mắc viêm tai mũi họng vì bơi lội ngày hè
Y tế 24h - 05/08/2024
Mắc viêm tai mũi họng vì bơi lội ngày hè