Lợi thế vaccine Covid-19 đầu tiên thử nghiệm trên người
Kể từ đầu tháng 1, sau khi Trung Quốc công bố trình tự gene của nCoV, nhiều hãng dược lập tức tham gia vào cuộc đua điều chế loại vaccine. Những thử nghiệm mới, những cái bắt tay giữa các đối thủ trực tiếp, tất cả để tìm ra phương pháp an toàn và hiệu quả ngăn ngừa Covid-19.
Ngày 18/5, công ty công nghệ sinh học Moderna cho biết vaccine đầu tiên thử nghiệm có khả năng kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại nCoV, nồng độ bằng với người đã khỏi bệnh. Nếu kết quả khả quan, các chuyên gia kỳ vọng liều tiêm chủng đầu tiên sẽ có mặt vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
Vaccine của Moderna dựa trên RNA thông tin (vật chất di truyền). Đây là công nghệ mới, chưa từng được sử dụng trước đây. Các nhà khoa học sẽ tổng hợp chất dẫn truyền tin, mang mã di truyền của cơ thể đến nhà máy sản xuất tế bào.
Ưu thế đầu tiên của vaccine RNA là độ an toàn.
Thông thường, các loại vaccine truyền thống đều chứa virus đã giảm độc lực hoặc ngưng hoạt động, được tạo ra thông qua kỹ thuật di truyền. Khi tiêm vào cơ thể, chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch lâu dài, giống với người đã khỏi bệnh.
Trong khi đó, vaccine RNA sử dụng chính tế bào người, "hướng dẫn" cơ thể tạo ra các ‘protein gai’ tương tự virus. Điều này giúp cơ thể tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch, bao gồm phản ứng của tế bào B và T. Vaccine RNA không được tạo ra từ mầm bệnh, do vậy không thể gây nhiễm trùng cho người sử dụng.
Việc điều chế và sản xuất đại trà cũng nhanh và tốn ít chi phí hơn.
Stéphane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna, cho biết: "Bạn có thể sao chép và dán thông tin của các loại thuốc bằng việc sử dụng cùng một công nghệ. Đây chính là cách mà chúng tôi điều chế vaccine".
Với chỉ một quy trình sản xuất và một dây chuyền thiết bị, công ty có thể tạo ra nhiều loại vaccine khác nhau, bao gồm vaccine nCoV. Điểm khác biệt duy nhất là trình tự gene của virus. Phương pháp mới giải quyết bài toán về thời gian và chi phí, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh cấp thiết của đại dịch.
Giám đốc Bancel cho biết công ty bắt đầu làm việc kể từ tháng 1, ngay sau khi Trung Quốc chia sẻ trình tự gene của virus. Đến tháng 3, đây trở thành loại vaccine nCoV đầu tiên được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng. Trong một tuyên bố, tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, gọi đây là "tốc độ kỷ lục".
Thử nghiệm giai đoạn một trên 45 người trưởng thành, khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55. Mỗi người được tiêm hai mũi vaccine, cách nhau 28 ngày, liều dùng từ thấp, trung bình đến cao.
Dữ liệu về sự an toàn và nồng độ miễn dịch ở giai đoạn 1 sẽ trở thành tiền đề cho các bước tiếp theo.
Mordena đang tích cực chuẩn bị nghiên cứu giai đoạn hai, với sự tham gia của 600 người. Để phát triển vaccine trong tình trạng khẩn cấp, công ty dự kiến hợp tác với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các tổ chức phi chính phủ khác.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra dữ liệu chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả chống lại Covid-19", trang web của Mordena thông tin.
Trong khi các nước ráo riết chạy đua, giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và phát triển vaccine có thể tạo ra nhiều hệ lụy.
Trong một số trường hợp, phân phối đại trà khi chưa được thử nghiệm kỹ càng sẽ khiến cộng đồng mắc bệnh nặng hơn hoặc xảy ra biến chứng. Nếu đi chệch hướng, thế giới có thể phải trả giá bằng làn sóng phản đối từ những người ủng hộ phong trào "chống tiêm chủng", vốn là nỗi đau đầu từ trước khi Covid-19 bùng phát.
"Chúng ta đặt kỳ vọng rất cao vào vaccine, nhưng rõ ràng có nhiều thứ cần thận trọng", tiến sĩ Kathryn Edwards, bác sĩ nhi khoa Đại học Vanderbilt, nói.
Chưa chuyên gia nào cho rằng việc tăng tốc phát triển sản phẩm là quá nguy hiểm, song nhiều người nhận định cần đảm bảo kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt.
"Trái ngược với thuốc, vaccine được tiêm cho người khỏe mạnh. Chúng ta phải hết sức lưu ý để không làm tổn hại đến bất cứ ai", Barry Bloom, giáo sư Trường Y tế Công cộng, Đại học Harvard, nói.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng chính việc chậm trễ phê duyệt hoặc nghiên cứu vaccine khi virus giết chết hàng ngàn người mỗi ngày là "vô đạo đức".
"Nếu đang phát triển phương pháp điều trị ung thư, bạn cần phải mạo hiểm một chút để cứu mạng nhiều người, tương tự khi đang ở giữa đại dịch", Michael Watson, chuyên gia về vaccine tại Moderna nói.
Thục Linh (Theo Science Magazine, Biopharma Dive, Moderna)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch