Nguồn siêu lây nhiễm Covid-19 ẩn trong đám đông biểu tình
Những cuộc biểu tình nổ ra sau khi cảnh sát Minneapolis ghì gáy George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, anh này sau đó chết tại bệnh viện. Một số chính trị gia khẳng định quyền biểu tình và kêu gọi người tham gia đeo khẩu trang cũng như duy trì khoảng cách an toàn, trong khi đó giới chức y tế lo ngại đồng loạt xuống đường sẽ khiến virus lây lan rộng hơn.
Khoảng 100.000 công dân Mỹ đã chết vì Covid-19. Người da màu bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ nhập viện và tử vong vượt xa so với người da trắng. Các cuộc biểu tình tự phát đòi quyền lợi cho cộng đồng này diễn ra ở các bang, ngay khi quốc gia vừa nới lệnh hạn chế, mở cửa trở lại các trường học, bãi biển và công viên.
Tại Los Angeles, tình trạng hỗn loạn khiến nhiều trạm xét nghiệm nCoV bị đóng cửa hôm 30/5. Thị trưởng Eric Garcetti cảnh báo các cuộc biểu tình có thể trở thành nguồn siêu lây nhiễm Covid-19, tạo ra làn sóng bùng phát thứ hai, trong khi Mỹ thậm chí chưa kiểm soát được đợt dịch đầu tiên.
Larry Hogan, Thống đốc bang Maryland, lo ngại các ca nhiễm tại đây sẽ tăng đột biến trong khoảng hai tuần, thời gian ủ bệnh trung bình trước khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên. Trong khi đó, Keisha Lance Bottoms, thị trưởng thành phố Atlanta, khuyến nghị người biểu tình đi xét nghiệm trong tuần.
Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm tỏ ra bình thản hơn bởi các cuộc tụ họp chủ yếu được tổ chức ngoài trời. Họ cho rằng không gian mở, thoáng khí sẽ làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, người dân cũng đeo khẩu trang, tránh đứng thành đám đông quá lớn ở một số khu vực.
"Khí trời và gió tự nhiên sẽ làm loãng mật độ virus và ngăn ngừa khả năng truyền bệnh. Dù lượng người tụ tập lớn, tần suất hít thở nhiều hơn, nhưng họ lướt qua nhau rất nhanh", tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Đại học Vanderbilt, cho biết.
Ông cũng lưu ý đám đông hầu hết trẻ tuổi, khả năng khỏi bệnh cao hơn nếu chẳng may nhiễm virus. Tuy nhiên họ có thể lây truyền cho các thành viên trong gia đình, bao gồm người già.
Song tiến sĩ Howard Markel, một nhà sử học y khoa, cho rằng các rủi ro từ việc biểu tình đang bị đánh giá thấp. Ông ví đám đông hỗn loạn gần một tháng qua với đoàn người xem diễu hành tại hai thành phố Philadelphia và Detroit trong đại dịch cúm 1918. Khi ấy, để củng cố tinh thần lực lượng vệ binh, hơn 200.000 người Mỹ đồng loạt xuống đường. Sự kiện cuối cùng trở thành nguồn siêu lây nhiễm cúm, khiến khoảng 2.600 công dân Philadelphia tử vong chỉ trong một tuần.
"Đúng là biểu tình diễn ra bên ngoài, nhưng họ đứng rất sát nhau. Vì vậy, khí trời không giúp đảm bảo an toàn. Tụ tập tức là tụ tập, không quan trọng bạn đang biểu tình hay ăn mừng. Đó là lý do vì sao chúng ta phải hoãn các trận bóng chày lớn và bóng bầu dục đại học", tiến sĩ Markel nói.
Ông chỉ ra rằng trong khi nhiều người đeo khẩu trang, số khác lại không. Covid-19 chủ yếu lây qua giọt bắn hô hấp, khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi. Việc la hét, hô khẩu hiệu những ngày vừa qua có thể khiến virus lây lan nhanh chóng, theo tiến sĩ Markel
Lực lượng cảnh sát cũng sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông, khiến nhiều người chảy nước mắt và ho, làm tăng tiết dịch hô hấp từ mắt, mũi, miệng. Trong khi đó, giải pháp di chuyển đám đông về các khu vực đô thị chật chội lại làm giảm khoảng cách an toàn, tăng nguy cơ lây nhiễm trong không gian hẹp.
"Mọi người bị choáng ngợp, họ không còn nhận ra ai đang đứng cạnh mình, ai đang đeo khẩu trang, ai không", ông Markel nói.
Mối quan tâm lớn nhất của các chuyên gia là những người bệnh không triệu chứng, cảm thấy hoàn toàn bình thường, đủ khỏe để tham gia biểu tình. Họ giống như "vũ khí bí mật" của nCoV.
"Có những người mang mầm bệnh mà không biết, tạo ra rủi ro vô cùng lớn", tiến sĩ Markel khẳng định.
Tiến sĩ Ashish Jha, Viện trưởng Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard, cho biết hơn một nửa số ca Covid-19 là lây nhiễm từ bệnh nhân không triệu chứng. Bên cạnh đó, việc bắt tạm giam hàng loạt người biểu tình cũng làm tăng khả năng phát tán virus. Ông Jha kêu gọi công dân và cả cảnh sát Mỹ kiềm chế bạo lực để giảm thiểu nguy cơ.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), dự đoán các cuộc biểu tình sẽ tạo ra hàng loạt chuỗi lây nhiễm mới. Sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội, bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phân biệt đối xử trong môi trường bệnh viện, sự lệ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng và cách biệt thu nhập sẽ khiến người da màu chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi mắc Covid-19.
"Công tác dập dịch phụ thuộc vào khả năng điều trị cho những người yếu thế nhất về mặt y tế và xã hội. Chúng tôi chắc chắn cần giải quyết vấn đề tiềm ẩn này để ngăn chặn sự lây lan của virus", tiến sĩ Gottlieb nói.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?