'Thợ săn virus' suýt chết vì Covid-19
"Nếu là một tuần trước, tôi đã không thể thực hiện cuộc phỏng vấn này. Đến giờ, tôi vẫn bị hụt hơi chỉ sau 10 phút", ông nói với phóng viên New York Times.
Tiến sĩ Piot thừa nhận mình đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của nCoV, cuối cùng trở thành "con mồi" của chính loại virus mà ông ngày đêm săn lùng.
"Tôi nhầm tưởng nó sẽ tương tự dịch SARS, lây lan chậm trong phạm vi hạn chế. Hoặc như cúm mùa. Nhưng nó chẳng giống cả hai bệnh trên", ông nói.
Năm 1976, khi còn là nghiên cứu sinh tại Viện Y học Nhiệt đới ở Antwerp, Bỉ, tiến sĩ Piot cùng các đồng nghiệp của mình đã tìm ra virus Ebola. Kể từ năm 1991 đến 1994, ông là Chủ tịch Hiệp hội Phòng chống AIDS Quốc tế, sau đó trở thành giám đốc Chương trình Phối hợp Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS).
Những triệu chứng đầu tiên của tiến sĩ Piot xuất hiện ngày 19/3. Trước đó, ông thường xuyên đi lại giữa các thành phố, tham gia nhiều hội thảo về y tế.
"Suy nghĩ lúc ấy của tôi là ‘Mong mình không mắc Covid-19’", ông kể lại.
Tuy nhiên, vài ngày trôi qua, ông càng cảm thấy ốm yếu, thân nhiệt tăng nhanh chóng, gần ngưỡng 38 độ C.
"Căn bệnh tới một cách đột ngột. Cực kỳ mệt mỏi, như thể từng tế bào trong cơ thể đều kiệt quệ. Da đầu tôi đặc biệt nhạy cảm, chạm vào cũng đau. Đây là một triệu chứng thần kinh", ông nói.
Đối với tiến sĩ Piot, Covid-19 là trải nghiệm mới mẻ. Trước đó, dù dành thời gian dài tìm hiểu về các mầm bệnh do muỗi gây ra, ông chưa từng ốm nặng.
Khi ông nhiễm nCoV, việc xét nghiệm còn tương đối khó khăn. Những kit thử sẵn có được dành riêng cho các bệnh viện.
Ngày 31/3, tiến sĩ Piot sốt 40 độ C, ông bắt đầu cảm thấy lú lẫn và phải lập tức đến phòng cấp cứu Bệnh viện Hoàng gia London cùng vợ mình. Dù không cảm thấy khó thở, độ bão hòa oxy trong máu ông là 84%, thấp tới mức nguy hiểm. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi chứa đầy dịch bởi tình trạng viêm nghiêm trọng. Cơ thể ông Piot cũng hình thành các cục máu đông.
"Từ một bác sĩ, tôi nhanh chóng trở thành bệnh nhân", ông kể lại.
Ông phải thở oxy và được điều trị ở khu cách ly.
Cùng ngày, tiến sĩ Gita Ramjee, một nhà nghiên cứu AIDS nổi tiếng ở Nam Phi, qua đời vì Covid-19.
Những ngày trong viện, tiến sĩ Piot tự vật lộn với nỗi sợ hãi của riêng mình.
"Tất cả những gì tôi có thể làm là nằm đó và suy nghĩ, hy vọng bệnh tình sẽ không chuyển biến tồi tệ hơn", ông nói.
Ông được tiêm kháng sinh tĩnh mạch và thở oxy nồng độ cao. Bác sĩ cũng kiểm tra huyết áp và dấu hiệu sinh tồn hai tiếng một lần.
"Tôi lo lắng về việc thở máy. Thiết bị này có thể cứu mạng người, nhưng cũng gây nhiều hệ lụy. Một khi được lắp máy thở, bạn có khoảng một phần ba cơ hội sống sót, cao ngang người mắc Ebola".
Đầu tháng 4, sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe của tiến sĩ Piot dần cải thiện. Độ bão hòa oxy ổn định ở mức 92%. Đến ngày 8/4, ông được xuất viện.
Tuy nhiên, các triệu chứng vẫn dai dẳng đeo bám, ngay cả khi ông đã âm tính virus. Đây được gọi là phản ứng chậm của hệ miễn dịch.
"Tôi bắt đầu bị hụt hơi. Chúng tôi sống trong một căn nhà kiểu truyền thống ở Georgia, với ba tầng lầu. Việc leo cầu thang thực sự trở nên khó khăn", Piot kể lại.
Đến 15/4, nhịp tim của ông lên tới 165 nhịp mỗi phút. cao gần gấp đôi so với người bình thường. Một lần nữa, tỷ lệ oxy máu giảm xuống 80%. Piot lại cùng vợ nhập viện và chụp X-quang. Ông được chẩn đoán "viêm phổi kẽ". Xung quanh cơ quan phát triển các kén khí như chùm nho, tiết protein. Ông cũng gặp hội chứng giải phóng cytokine, khiến hệ miễn dịch tấn công nội tạng, thay vì bảo vệ cơ thể.
Bác sĩ cân nhắc cho ông Piot nhập viện trở lại. Ông phải thở oxy, song không có kết quả. Phổi của tiến sĩ 71 tuổi đã xơ cứng, không thể trao đổi khí. Bác sĩ chính phải điều trị cho ông bằng thuốc steroids tiêm tĩnh mạch, thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa cục máu đông do rung tâm nhĩ.
Phương pháp dường như phát huy tác dụng, tuy nhiên sẽ để lại phản ứng phụ như yếu cơ, giòn xương và tiểu đường nếu dùng quá lâu. Ông có nguy cơ phải uống thuốc loãng máu trong suốt phần đời còn lại, phổi cũng xơ hóa mạn tính.
"Nhưng bạn có thể sống chung với nó. Nếu trải qua ‘bão cytokine’ khi triệu chứng vẫn nghiêm trọng, bạn sẽ chết. Tuy nhiên, bệnh tình của tôi chia thành ba giai đoạn. Ban đầu là sốt, sau đó thở máy, giờ mới đến ‘cơn bão’. Mọi người nghĩ rằng khi mắc Covid-19, 1% bệnh nhân tử vong, số còn lại chỉ như cảm cúm. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Có cả một quá trình xen giữa", ông nói.
Dù đã khỏi bệnh, bác sĩ chưa cho phép ông đi làm trở lại.
"Tôi từng đối mặt với cái chết. Năm 1976, khi làm xét nghiệm máu cho bệnh nhân (HIV), chẳng ai mặc đồ bảo hộ cả. Tôi thậm chí đã sống sót sau một tai nạn máy bay trực thăng. Tuy nhiên, căn bệnh này là trải nghiệm hoàn toàn khác. Bị đẩy vào tình cảnh sinh tử là điều tốt. Nó khiến bạn suy nghĩ về những thứ quan trọng trong cuộc sống", ông chia sẻ.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử