Việt Nam nên ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng nào?

Theo Báo Giao thông 08:37 22/02/2021 - Y tế 24h
Theo các chuyên gia, với lượng vaccine dự kiến về Việt Nam còn ít so với nhu cầu thực tế, cần cân nhắc đối tượng, vùng được ưu tiên sử dụng…
Thử nghiệm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất
Thử nghiệm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất

Trước thông tin Việt Nam có thể nhập về hơn 60 triệu liều vaccine trong năm 2021, nhiều đơn vị, cá nhân mong muốn được tiếp cận sớm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với lượng vaccine còn ít so với nhu cầu thực tế, cần cân nhắc đối tượng, vùng được ưu tiên sử dụng…

Bác sỹ ở tuyến đầu, người có bệnh nền được ưu tiên

Từ trước Tết Nguyên đán, khi manh nha thông tin Việt Nam nhập về những liều vaccine Covid-19 đầu tiên do Công ty CP vaccine Việt Nam (VNVC) phân phối, anh Vũ Minh An (trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhanh chóng đăng ký mua online. Tuy nhiên, mới đây khi vào lại, đã thấy VNVC dừng nhận đăng ký.

“Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên tôi cũng như nhiều người đều mong muốn được sử dụng vaccine sớm nhất có thể để phòng bệnh”, anh An chia sẻ.

Thực tế, nhiều địa phương, đơn vị và các cá nhân khác cũng hy vọng mua được vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại Bộ Y tế đã đàm phán với Liên minh Toàn cầu về vaccine, chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine trong năm 2021, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, Công ty AstraZeneca của Anh cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều trong năm nay. Trong đó, 204.000 liều đầu tiên của AstraZeneca dự kiến có mặt tại Việt Nam trong tuần này.

“Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam chắc chắn nhập khẩu ít nhất 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ nguồn nước ngoài. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Nga… để có thêm vaccine”, ông Long cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngay khi vaccine nhập khẩu “cập bến”, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm theo hướng dẫn của WHO trong việc sắp xếp các đối tượng ưu tiên, bao gồm: Người làm việc ở tuyến đầu như y, bác sĩ; Người tham gia chống dịch; Người làm việc trong các khu vực có tiếp xúc rộng, dễ lây nhiễm; Người có bệnh nền....

Bên cạnh nguồn nhập khẩu vaccine, Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước với 3 đơn vị tiềm năng là Nanogen, IVAC và Vabiotech. Trong đó, Nanogen đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, vaccine Nanocovax dự kiến trong tháng 2 này sẽ bắt đầu tiêm giai đoạn 2 tại Học viện Quân y và Viện Pasteur TP HCM cho 560 tình nguyện viên.

Để chuẩn bị cho thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Nanocovax, Bộ Y tế đã kết nối, liên hệ với đại sứ một số nước như: Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... để giai đoạn 3 có thể thử nghiệm sớm hơn ở nước ngoài, đảm bảo tính khách quan, khoa học.

“Nếu thử nghiệm diễn ra suôn sẻ và thực tiễn chứng minh có hiệu quả, dự kiến cuối năm nay, chúng ta có thể có vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất”, ông Nguyễn Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Ngoài đơn vị Nanogen, IVAC và Vabiotech cũng đã và đang triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19.

Lựa chọn đối tượng ưu tiên dựa trên mức độ rủi ro, xác suất phơi nhiễm

Với hơn 200.000 liều vaccine ngừa Covid-19 sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối tháng 2 này, theo PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Cố vấn cấp cao chuyên ngành Dược, việc phân phối và sử dụng, ngoài hướng dẫn kỹ thuật tiêm chủng còn phải có hướng dẫn cụ thể đối tượng tiêm chủng, đặc biệt là đối tượng ưu tiên.

“Theo tôi, trong khi nguồn vaccine chưa đủ để tiêm chủng cho toàn dân, hoặc chí ít là trên 80% dân số, việc lựa chọn đối tượng ưu tiên phải dựa trên mức độ rủi ro, xác suất phơi nhiễm virus SAR-CoV-2. Như vậy, những đối tượng ưu tiên này bao gồm: Nhân viên y tế, lực lượng tham gia kiểm soát khu cách ly, ổ dịch, thầy thuốc trong hệ thống khám chữa bệnh và lực lượng biên phòng”, ông Truyền chia sẻ.

Còn GS. TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều chủ trương tiêm chủng cho các công dân nằm trong vùng dịch, nếu ngoài vùng dịch cần hết sức cân nhắc lựa chọn đối tượng ưu tiên, bởi điều này phụ thuộc vào năng lực cung cấp vaccine, cũng như nhu cầu của ngành Y tế.

“Để tạo được miễn dịch cộng đồng có 2 cách tiếp cận. Đó là để dịch lây lan tự nhiên trong cộng đồng, một số quốc gia đã và đang làm. Nhưng Việt Nam chủ trương tạo miễn dịch cộng đồng thông qua sử dụng vaccine, đây là cách tiếp cận an toàn. Như vậy, đồng nghĩa với việc cần một lượng lớn vaccine để tạo được miễn dịch cho 60-70% dân số trong cộng đồng. Tuy nhiên, không nhất thiết phải vậy, mà trước mắt cần tạo miễn dịch cộng đồng trong vùng dịch, tiếp đến là vùng nguy cơ là hoàn toàn khả thi và sau đó sẽ mở rộng dần miễn dịch cộng đồng trong cả nước… với nguồn vaccine trong nước có thể sản xuất được”, GS. Văn phân tích.

Trước câu hỏi liệu biến thể của virus SAR-CoV-2 có ảnh hưởng tới vaccine hay không, ông Tạ Thành Văn cho biết: “Hoàn toàn có cơ sở khoa học để khẳng định virus lan truyền từ cá thể này sang cá thể khác trong cộng đồng thì chỉ cần 1-2 đột biến ở phân tử protein nhận diện của virus. Tuy nhiên, để thay đổi tính kháng nguyên, nó phải đột biến rất nhiều. Trong khi phân tử làm vaccine có chiều dài tới 1.273 axit amin. Do vậy, với vaccine Astrazeneca và vaccine ngừa Covid-19 mà chúng ta hiện đang nghiên cứu tại Việt Nam thì nguy cơ biến thể mới ảnh hưởng tới vaccine rất thấp”.

 

Vaccine Covid-19 AstraZeneca được nhập về Việt Nam có ưu điểm gì?

Các dữ liệu lâm sàng của vaccine Astrazeneca cho thấy có độ an toàn cao đối với trẻ trên 10 tuổi và người dưới 65 tuổi, không bệnh nền và hiệu lực với bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng; Hiệu giá kháng thể của vaccine này đạt 80%, tức là tạo được vaccine ở trong người; Giá vaccine cũng rẻ hơn so với các vaccine khác. Hơn nữa, AstraZeneca có 19 cơ sở sản xuất ở các nước, yêu cầu về bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, phù hợp với điều kiện bảo quản ở nhiều quốc gia khi triển khai tiêm trên diện rộng.

Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên hàng không

Trong văn bản mới đây gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ GTVT thống nhất với cơ quan y tế liên quan về việc giám sát, kiểm tra và khử trùng tàu bay, nhà ga hàng hóa… tại các CHK, sân bay do kiểm định viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại các địa phương (CDC) thực hiện.

Tại các CHK, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm virus cao. Do đó, Cục Hàng không VN đề nghị ưu tiên cho các nhóm nhân viên được tiêm vaccine đợt 1 gồm nhân viên làm thủ tục hành khách, nhân viên phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp viên, phi công, kiểm soát viên không lưu.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN cũng đề nghị giao cho các hãng hàng không Việt Nam đảm nhiệm vận chuyển chính trong các đợt vận chuyển vaccine của Chính phủ Việt Nam.

 

Uyên Vũ

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới