“Phép màu” tái sinh những cuộc đời không may mắn
“Vượt cửa tử” nhờ ghép tế bào gốc
Giờ đây bên mái ấm nhỏ hạnh phúc, cô gái Dương Thị Chiến (quê Hà Tĩnh) không thể quên hành trình gian nan “vượt cửa tử” kéo dài suốt nhiều năm. Đó là năm 2007, khi mới 15 tuổi, Chiến đối mặt với căn bệnh ung thư máu.
Kể từ đó, em cùng cha trải qua chặng đường dài vừa đi học, vừa chữa bệnh. Chiến được điều trị bằng thuốc Glivec (thuốc nhắm đích) - một trong những loại thuốc tốt nhất tại thời điểm đó dành cho bệnh nhân ung thư máu mạn tính. Nhưng sau 7 năm uống thuốc, Chiến thường xuyên bị nôn, đau đầu, đau xương, chuột rút và mệt mỏi.
Năm 2014, Chiến được bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tư vấn nên ghép tế bào gốc. Thật may mắn khi anh trai cả của Chiến hòa hợp HLA 100% với em gái. Hy vọng mở ra với cả Chiến và gia đình.
Tháng 6/2014, Chiến bước vào hành trình ghép tủy đầy gian nan và vất vả. Chiến kể lại: “Từ một cô gái 40kg, tôi chỉ còn nặng có 33,5kg, đầu trọc lóc, khuôn mặt bị phù. Tôi gạt nước mắt và tự mỉm cười, tiếp tục chiến đấu”.
Trong phòng ghép tế bào gốc, Chiến nôn liên tục, nôn ra cả máu, miệng họng đều bị loét. Suốt gần một tháng, cô không ăn uống được và phải truyền dinh dưỡng.
Dù mệt đến đâu, cô vẫn cố gắng gượng dậy, tự vệ sinh cá nhân để cha mẹ bớt lo lắng. 17 ngày sau khi truyền tế bào gốc, các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản của Chiến đều tăng, mảnh ghép đã mọc và cô được chuyển sang phòng cách ly khác.
Những thời điểm khó khăn nhất cũng qua đi, Chiến được về nhà và chỉ cần vào Viện kiểm tra, điều chỉnh thuốc định kỳ 2 tuần một lần.
Nhưng một vấn đề đáng lo ngại khác lại xảy ra: Kết quả xét nghiệm gen ung thư máu của Chiến vẫn dương tính. Lúc đó, Chiến khóc rất nhiều vì nghĩ ca ghép đã thất bại.
Sau khi ghép tế bào gốc 6 tháng, Chiến được làm xét nghiệm gen một lần nữa. Và lần này, cả Chiến và gia đình vỡ òa cảm xúc hạnh phúc khi được thông báo kết quả xét nghiệm gen bệnh đã âm tính.
“Âm tính là thành công, là khỏi bệnh rồi”, Chiến vẫn nhớ như in khoảnh khắc hạnh phúc đó.
Đến nay, đã gần 8 năm trôi qua kể từ ca ghép tế bào gốc, Chiến dường như đã quên mình từng bị bệnh. Năng lượng tích cực luôn tỏa ra từ cô gái trẻ đã dũng cảm chiến đấu với tử thần.
Được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn, có một công việc yêu thích, Chiến đã từng nghĩ sẽ không lập gia đình. Nhưng mong ước về một tình yêu, một gia đình nhỏ đôi lúc vẫn nhen nhóm trong tim cô gái trẻ.
Và rồi mơ ước ấy cũng đã thành hiện thực. Trong đám cưới ấy, rất nhiều người đã khóc, khóc vì vui mừng, khóc vì cảm động trước câu chuyện cổ tích về một cô gái đã đi qua hành trình đầy nước mắt để chiến thắng ung thư máu và tìm thấy hạnh phúc của đời mình.
Hạnh phúc của cậu bé mắc tan máu bẩm sinh
Đã hơn 15 tháng kể từ khi bé Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) được ghép tế bào gốc, con khỏe mạnh hơn, không còn phải truyền máu định kỳ nữa và đã bước vào lớp 1.
Theo lời chia sẻ của anh Vũ Hoàng Thắng (bố của bé Tuấn), khi mới sinh ra Tuấn vốn là một cậu bé kháu khỉnh, khỏe mạnh, nhưng đến 2 tuổi, con bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, quấy khóc và sốt liên miên.
Cả gia đình suy sụp khi khi biết Tuấn đã mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh, vốn là căn bệnh di truyền sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời.
“Lúc đó, mặc dù biết Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư có thể điều trị bệnh tan máu bẩm sinh bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Nhưng các ca đã thành công đều được ghép từ nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột phù hợp hoàn toàn HLA, trong khi em của con lại còn quá nhỏ, chưa thể hiến tế bào gốc. Gia đình cứ ngỡ đi vào ngõ cụt”, anh Thắng chia sẻ.
Hy vọng mới thắp lên rồi lại bị dập tắt nhưng không có giây phút nào gia đình anh ngừng nghĩ đến việc chạy chữa cho con.
May mắn, thời điểm đó các y, bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã có kế hoạch triển khai ghép tế bào gốc nửa hòa hợp, bên cạnh ghép phù hợp hoàn toàn HLA để tìm thêm cơ hội hồi sinh cho những em bé bị căn bệnh di truyền này.
Với sự quyết tâm của gia đình người bệnh và đội ngũ y, bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, bé Tuấn trở thành ca tan máu bẩm sinh ghép tế bào gốc nửa hòa hợp đầu tiên tại Viện, cũng là đầu tiên tại Việt Nam.
Tháng 8/2019, bé Tuấn bắt đầu được truyền hóa chất liều cao và được truyền tế bào gốc của mẹ. Gần 2 tháng ghép tế bào gốc của con là quãng thời gian có thể nói là dài nhất đối với vợ chồng anh Thắng.
Sau khi ghép, Tuấn còn gặp phải biến chứng ghép chống chủ. Các tế bào của mảnh ghép phát triển quá mạnh, tấn công gan của cậu bé, nhưng các bác sĩ đã điều trị kịp thời giúp con vượt qua biến chứng này.
Nói về ca tan máu bẩm sinh đầu tiên ghép tế bào gốc này, TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư chia sẻ: Ghép từ nguồn tế bào gốc phù hợp hoàn toàn HLA cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh vốn đã khó, nhưng ghép nửa hòa hợp còn phức tạp hơn rất nhiều, do thời gian mọc mảnh ghép kéo dài, nguy cơ thải ghép cũng như ghép chống chủ cao…
“Nhiều năm qua cá nhân tôi cũng như tập thể Viện luôn trăn trở làm thế nào để những em bé tan máu bẩm sinh không phải gắn cuộc đời với bệnh viện”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã thực hiện được 500 ca ghép tế bào gốc tạo máu (trong đó có 255 ca tự thân, 245 ca đồng loài), đem đến cơ hội hồi sinh cho nhiều bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính.
Hằng Trương - Vũ Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk