Có phải bệnh khớp “đớp” tim?

“Bệnh khớp đớp tim” như mọi người vẫn gọi để chỉ căn bệnh có tổn thương khớp và biến chứng trên tim mạch. Đây chính là các biểu hiện của bệnh thấp tim (còn gọi là thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp) là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (liên quan đến miễn dịch) chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A.
Bệnh khớp
Bệnh khớp "đớp" tim

 

Có sự lầm tưởng tổn thương tim là do các bệnh về khớp gây ra, nên nhiều người lo lắng khi đang mắc các bệnh về khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp. Tuy nhiên bệnh thấp tim là do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra. Vi khuẩn này thường gây ra các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, hoặc viêm da do liên cầu. Cơ chế gây bệnh là do sự giống nhau giữa cấu trúc vi khuẩn và các tế bào cơ thể đặc biệt là cơ tim, sụn khớp và mô mềm dưới da. Từ đó dẫn đến sự tiêu diệt nhầm lẫn giữa vi khuẩn và các tế bào này dẫn đến tổn thương các cơ quan đặc biệt là khớp và tim.

Thấp tim là một bệnh khá nguy hiểm bởi thương tổn có tính chất toàn thân. Các bộ phận như: tim, thận, khớp, phổi, thần kinh, da v.v... đều có thể bị tổn thương ở mức độ khác nhau. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 5-15, nếu không được chẩn đoán, điều trị đúng sẽ để lại di chứng đe dọa tính mạng lâu dài.

Những biểu hiện của bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim thường được bắt nguồn sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Đặc biệt là sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao. Dấu hiệu ban đầu của thấp tim là trẻ thường sốt từ 38 - 40oC, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, đái ít, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt. Cũng có trường hợp triệu chứng chỉ thoáng qua không gây nên khó chịu gì đối với trẻ nhưng sau đó khoảng 1-5 tuần thì có biểu hiện đau ở khớp.

Biểu hiện ở khớp: Điển hình là đau viêm sưng nóng đỏ ở một số khớp, đau “chạy” từ khớp này sang khớp khác. Khớp bị sưng, đau, nóng đỏ thường là các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay làm cho người bệnh đi lại và cử động rất khó khăn; ít khi thấy sưng đau ở các khớp cốt sống hoặc khớp ngón tay, ngón chân. Khi khớp sau bị sưng đau thì các khớp bị sưng đau trước đó lại khỏi và trở lại hoạt động bình thường, không bao giờ có biến dạng khớp và bị hạn chế cử động như các loại viêm khớp khác. Chính vì biểu hiện ở khớp ồn ào như vậy nên đã có thời gian khá dài bệnh được mang tên là bệnh “thấp khớp cấp”. Tuy vậy từ xa xưa, các thầy thuốc có kinh nghiệm đã nói rằng bệnh chỉ “liếm” qua khớp nhưng lại “đớp” vào tim. Thực ra ngay khi người bệnh có cơn đau ở khớp thì ở tim cũng có tổn thương (cơ tim, các màng tim và các van tim) làm cho người bệnh mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở.

Biểu hiện ở tim: Đây là biểu hiện thường gặp và rất nguy hiểm. Tổn thương ở tim có thể là: viêm màng trong tim và các van tim, viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đơn độc. Song có thể toàn bộ tim bị viêm gây ra những biểu hiện như: mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim hoặc có những tiếng bất thường ở tim. Tình trạng viêm tim nặng có thể dẫn đến suy tim cấp nếu không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong rất nhanh, hoặc để lại di chứng ở van tim nặng nề nguy hiểm về sau.

Biểu hiện ở thần kinh: Đây là thể thấp tim rất đặc biệt, biểu hiện lúc đầu có thể trẻ chỉ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm theo rối loạn như: múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi, viết xấu, không thẳng hàng v.v...

Biểu hiện ở da: Trên da, đặc biệt là xung quanh một số khớp xuất hiện những hạt cứng bằng hạt ngô, hạt lạc, hạt táo hoặc những ban màu hồng bằng đồng xu ở ngực, tay, dọc cột sống, lưng v.v...

Điều trị bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khi đó, bệnh sẽ gây ra những tổn thương van động mạch chủ và dẫn đến suy tim sau thời gian dài, gây tổn thương đến não, thận…

Khi bị bệnh thấp tim cần sử dụng kháng sinh trị viêm do liên cầu khuẩn, tránh tái phát. Bên cạnh đó là sử dụng thuốc chống viêm như: steroid hoặc một corticoid như prednisone để làm giảm đau và viêm ở khớp và ở tim.

Cách tốt nhất để đối phó với bệnh suy tim là ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Xuất phát từ nguyên nhân gây bệnh chính do viêm họng lâu ngày, không chữa trị dứt điểm, nên cần giữ gìn vệ sinh vòm họng, tránh để tình trạng viêm họng kéo dài.

Ngoài ra, những người mắc bệnh thấp khớp, sốt thấp khớp có khả năng mắc bệnh thấp tim cao, cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh, kịp thời điều trị.

Biện pháp phòng bệnh thấp tim cho trẻ em

Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng nếu có ý thức phòng bệnh tốt sẽ tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc và giảm khả năng mắc bệnh đáng kể. Luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông, ăn uống đủ chất deinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.  Khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5-15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim, hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điều trị phòng bệnh thấp tim ngay. Không nên chữa bằng các biện pháp dân gian, cúng bái sẽ rất nguy hiểm cho trẻ về sau. Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để. Nếu theo dõi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu của thấp tim như đã mô tả ở trên cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời và tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Việc tiêm phòng thấp tim ở trẻ đã bị thấp tim sau khi đã điều trị ổn định là rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ. Tốt nhất là tiêm phòng bằng thuốc penicilin đào thải chậm. Thời gian tối thiểu là 5 năm. Nếu trong thời gian tiêm phòng mà trẻ vẫn bị tái phát bệnh thấp tim thì phải tiêm tới khi 21 tuổi hoặc suốt đời.

          Ai dễ mắc?

Thấp tim (còn gọi là thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp) là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (liên quan đến miễn dịch) chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A theo phân loại của Lancefield. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ đang độ tuổi đi học, 5 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, không phải tất cả những trẻ bị viêm họng đều bị thấp tim, khoảng 3% trẻ bị viêm họng mắc bệnh này. Sau đợt viêm họng do liên cầu khuẩn, các cơ quan khác bắt đầu bị tổn thương. Bệnh biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm: viêm đa khớp, viêm tim, chorea, hạt dưới da, ban đỏ vòng.

          Bệnh thấp tim đã được biết đến từ thế kỷ 17. Năm 1944, J.Duckett Jone đưa ra bảng hướng dẫn chẩn đoán thấp tim. Năm 1988, WHO đã công nhận bảng tiêu chuẩn chẩn đoán thấp tim của Jone đã được sửa đổi. Hiện nay trên thế giới bệnh thấp tim đã được giải quyết ở các nước phát triển. Các nước khác tỷ lệ bệnh vẫn còn cao.

Tại Việt Nam, hiện nay thấp tim vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh van tim. Thấp tim gây ra bởi các vi khuẩn thuộc nhóm liên cầu, đặc biệt sau viêm họng do liên cầu từ vài tuần đến vài tháng, dẫn đến tổn thương các cấu trúc van tim, tiến triển dần gây dày, co kéo, vôi hóa tổ chức van tim. Nhờ sự phát triển nhanh của nhiều loại kháng sinh, tỉ lệ thấp tim ngày nay đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên tỉ lệ thấp tim ở Việt Nam còn cao.

Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi khi thời tiết lạnh, ẩm, khí hậu thay đổi thất thường; những gia đình có kinh tế thấp, nhà cửa chật chội, ẩm thấp, thiếu vệ sinh... trẻ em thường dễ mắc bệnh.

Dấu hiệu nhận biết

Thông thường bệnh nhân bị viêm họng trước đó 1-2 tuần. Người bệnh có sốt nhẹ hoặc sốt cao; toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém; có thể ho, đau ngực...
Viêm tim là một biểu hiện bệnh lý nặng của thấp tim và khá đặc hiệu. Có khoảng 41-83% số bệnh nhân thấp tim có biểu hiện viêm tim. Các biểu hiện của viêm tim có thể là viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim. Viêm tim có thể biểu hiện từ thể không có triệu chứng gì đến các dấu hiệu suy tim cấp nặng hoặc tử vong. Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là: tăng nhịp tim, tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim, tim to, rối loạn nhịp, tiếng cọ màng tim, suy tim... Suy tim thường ít gặp ở giai đoạn cấp, nhưng nếu gặp thì là biểu hiện nặng và do viêm cơ tim. Một trong những biểu hiện cần phải chú ý và là biến chứng nặng của thấp tim đó là viêm van tim. Hở van hai lá là một trong những biểu hiện thường gặp nhất, trong khi hở van động mạch chủ ít gặp hơn và thường kèm theo hở van hai lá. Viêm màng ngoài tim có thể gây đau ngực, tiếng cọ màng tim, tiếng tim mờ.

Viêm khớp cũng là tình trạng hay gặp, thường gặp ở các khớp nhỡ hoặc khớp lớn như: đầu gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay... khớp đau di chuyển, hạn chế vận động, sưng nóng đỏ.

Tình trạng múa giật (denham) xảy ra do tổn thương thần kinh trung ương. Người bệnh có những động tác ở một hoặc hai chi với đặc điểm: biên độ rộng, đột ngột, không có ý thức, tăng lên khi thức và giảm hoặc hết động tác nếu tập trung vào một việc nào đó hoặc khi ngủ. Trước khi xuất hiện múa giật thường có các rối loạn tâm thần như hay xúc động, khóc, cười, cáu giận vô nguyên cớ. Thường gặp những ban mầu hồng hoặc vàng nhạt, có đường kính từ 1-3cm, hình tròn có bờ viền thường thấy ở gốc chi, nó xuất hiện nhanh và mất đi sau vài ngày không để lại dấu vết.

Trong các đợt viêm tiến triển, có thể thấy nổi các hạt cứng (hạt Meynet), đường kính từ 0,5 – 2 cm ở dưới da, không dính vào da nhưng dính vào nền xương chẩm, xương bả vai, cột sống, đầu gối và gân của các cơ duỗi của chân, tay, vùng háng... hạt ấn không đau, tồn tại một vài ngày hoặc một tuần rồi biến mất, không để lại di chứng.

Các biến chứng thấp tim

          Tình trạng không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể có những biến chứng trong đó có nhồi máu: Nhồi máu não thận và các chi do mảnh cục sùi do viêm nội tâm mạc. Tạo điều kiện dễ dàng cho viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp tính do vi khuẩn. Xơ hoá các van tim: nếu xơ hoá toàn bộ mặt của van tim dẫn đến van tim bị co ngắn lại và làm hở lỗ van tim, nếu xơ hoá ở giữa van tim  van tim sẽ bị co  kéo theo hướng chụm vào nhau dẫn đến hẹp lỗ van tim.

Phòng bệnh cách nào?

Bệnh thấp tim có thể hoàn toàn tránh được nếu điều trị tốt và đúng khi bị viêm họng. Phải chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Khi bị viêm họng cấp phải đi khám, nếu bị viêm họng do liên cầu khuẩn phải dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Tích cực chữa trị các bệnh mạn tính ở vùng miệng, hầu họng.

Phòng thấp tim tái phát, trẻ bị viêm họng nên đi khám bác sĩ để được cho uống đúng thuốc kháng sinh và đủ thời gian. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và nặng. Khi trẻ sốt, đau sưng khớp, mệt, khó thở, phù, tiểu ít, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện khám lại ngay.

Khi bị thấp tim nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong giai đoạn tiến triển (1- 6 tuần), sau đó hoạt động nhẹ. Với thể khớp, hoạt động bình thường sau 6 tuần. Với các thể viêm cơ tim nặng, thời gian nghỉ và hoạt động bình thường có thể kéo dài hơn.

BS. Hải Thanh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới