Ai nên tầm soát đột quỵ?

Theo VnExpress 10:14 23/01/2021 - Phòng bệnh
Người cao tuổi, người có bệnh nền, lối sống kém lành mạnh, người từng mắc đột quỵ... cần tầm soát đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Minh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đột quỵ là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, gây các hậu quả nghiêm trọng như liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và đặc biệt có thể gây tử vong cao.

Tầm soát đột quỵ chính là tầm soát các nguyên nhân, các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch... Với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các khảo sát phù hợp, thông thường bao gồm theo dõi huyết áp, đường huyết, mỡ máu, tim mạch, xơ vữa động mạch. Trong một số tình huống, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) não và mạch máu não.

Đối tượng đầu tiên cần tầm soát đột quỵ là người lớn tuổi (trên 50 tuổi), đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc có các thói quen xấu, lối sống kém lành mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, ít vận động... Ở người cao tuổi, dấu hiệu đột quỵ thường từ các cơn thiếu máu não thoáng qua, nhưng nhiều người bỏ qua. Khoảng 12% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó. Bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để dự phòng đột quỵ là khi có những cơn thiếu máu thoáng qua, bệnh nhân không được chủ quan mà cần đến viện ngay để chẩn đoán, kịp thời điều trị.

Những người cao tuổi đang khỏe mạnh và không có yếu tố nguy cơ thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng. Siêu âm mạch cảnh cũng có thể tầm soát nguy cơ. Bệnh thiếu máu não do hẹp động mạch cảnh rất phổ biến nhưng ít người để ý để khám và điều trị. Nhiều trường hợp bác sĩ bỏ quên khi khám lâm sàng cho bệnh nhân. Tai biến mạch máu não xảy ra, 25-30% là do hẹp động mạch cảnh.

Đối tượng thứ hai là những người đã từng bị đột quỵ, nguy cơ đột quỵ tái phát nhiều hơn người khỏe mạnh. Mục tiêu tầm soát với nhóm này là tìm các nguyên nhân tạo ra cục máu đông làm tắc mạch não hoặc nguyên nhân làm vỡ mạch não tương tự như với trường hợp chưa bị đột quỵ như hẹp động mạch não, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim, lóc tách động mạch...

Các bác sĩ thường khuyên dùng thuốc để giảm nguy cơ. Bên cạnh đó, người bệnh cần tái khám thường xuyên để điều chỉnh thuốc và kiểm soát các bệnh nền, đạt mục tiêu phòng ngừa tối ưu. Nếu người bệnh có tăng huyết áp cao hoặc đái tháo đường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để hạ thấp, kết hợp với việc thay đổi lối sống.

Trong một số trường hợp, những người đã bị đột quỵ nhẹ do động mạch cảnh bị hẹp có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh để loại bỏ mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh, ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể điều trị động mạch cảnh bị hẹp mà không cần phẫu thuật bằng thủ thuật, được gọi là nong mạch, dùng bóng nong và đặt stent để mở động mạch.

Bác sĩ Minh cho biết, thông thường các thuốc phòng ngừa đột quỵ đều phải dùng lâu dài, gần như là suốt đời. Do đó bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều thuốc. Nếu có bất thường trong quá trình điều trị, nên tái khám để được đánh giá lại và điều chỉnh nếu cần. Người bệnh không nên tự ý thay đổi liệu trình điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết ngoài hai đối tượng trên, người trẻ cũng nên tầm soát đột quỵ. Ở người trẻ tuổi, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Dị dạng mạch máu não có thể bẩm sinh hoặc trải qua nhiều năm dị dạng mới hình thành.

Có hai phương pháp khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, chi phí khoảng 1,9 đến 2,5 triệu đồng một lần. Nếu phát hiện dị dạng mạch, bác sĩ điều trị nút mạch chủ động trước khi dị dạng bị vỡ, tránh nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, siêu âm mạch cảnh hằng năm với chi phí 200.000 đồng.

Không chỉ người lớn tuổi mà người trẻ cũng nên tầm soát đột quỵ. Ảnh: Medical Xpress
Không chỉ người lớn tuổi mà người trẻ cũng nên tầm soát đột quỵ. Ảnh: Medical Xpress

Theo các chuyên gia, chụp MRI với công nghệ hiện đại được coi là công cụ vàng tầm soát đột quỵ não. Hiện nay, chụp cộng hưởng từ MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra.

MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).

Thúy Quỳnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới