Bệnh xơ vữa động mạch
Bệnh xơ vữa động mạch là từng mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch. Động mạch mang máu chứa oxy đến tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Mảng xơ vữa được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu. Theo thời gian, mảng xơ vữa cứng lại và làm hẹp động mạch, hạn chế dòng chảy của máu chứa oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí là tử vong.
Căn bệnh này không xuất hiện ngay lập tức mà dần dần theo thời gian. Xơ vữa động mạch nhẹ thường không có triệu chứng nào. Người bệnh thường sẽ không có bất kỳ triệu chứng cho đến khi động mạch bị hẹp lại hoặc bị tắc khiến nó không thể cung cấp đủ máu đến các cơ quan và mô. Đôi khi, một khối máu đông có thể làm tắc hoàn toàn dòng máu hoặc làm chậm quá trình vận chuyển máu, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Những nguyên nhân phổ biến làm xơ cứng động mạch bao gồm nồng độ cholesterol trong máu cao. Cholesterol là một chất sáp, màu vàng được tìm thấy trong cơ thể và trong các loại thực phẩm. Chất này có thể tăng trong máu và làm tắc nghẽn các động mạch, trở thành một mảng xơ cứng làm hạn chế hoặc làm tắc nghẽn khiến cho máu không thể lưu thông đến tim và các cơ quan khác. Một nguyên nhất khác là chất béo. Ăn nhiều thực phẩm có chất béo cũng có thể dẫn đến hình thành mảng xơ vữa. Lớn tuổi cũng là một nguy cơ trong việc mắc bệnh. Khi bạn có tuổi, tim và mạch máu làm việc nhiều hơn để bơm và nhận máu. Động mạch có thể bị suy yếu và trở nên kém đàn hồi, từ đó dễ hình thành mảng xơ vữa.
Sau khi đánh giá từ các nghiên cứu trước đây, một báo cáo được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Mỹ [1] đã đưa ra kết luận rằng thử nghiệm lâm sàng này có thể mở đường cho phương pháp điều trị mới giúp làm giảm sự khởi phát sớm của xơ vữa động mạch.
Theo tác giả chính, tiến sĩ Jennifer G. Robinson - Giáo sư dịch tễ học và Giám đốc Trung tâm can thiệp phòng ngừa tại Đại học Iowa, thành phố Iowa, thử nghiệm nhằm vào các lipoprotein B ở người trưởng thành trẻ và trung niên.
Các protein trong máu (còn được gọi là apolipoprotein B) bao gồm lipoprotein mật độ thấp (LDL), hoặc cholesterol "xấu". Các nhà khoa học cho rằng LDL và các lipoprotein B khác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ vữa động mạch.
Ngăn ngừa xơ vữa động mạch
Tiến sĩ Robinson cho biết: “Hạ thấp những chất trên có thể gây tác động lớn đến việc khiến cho xơ vữa động mạch biến mất”. "Nếu điều này có tác dụng, người bệnh hoàn toàn có thể loại bỏ cơn đau tim và đột quỵ, bởi vì họ không thể bị đau tim hoặc đột quỵ trừ khi bị xơ vữa động mạch."
Nghiên cứu tiềm năng nhằm xác định liệu có thể đảo ngược xơ vữa động mạch ở những người lớn có nguy cơ cao trong độ tuổi từ 25 đến 55 sử dụng các loại thuốc được gọi là statin và chất ức chế PCSK9 [2] trong thời gian 3 năm. Cả statin và thuốc ức chế PCSK9 đều có tác dụng làm giảm cholesterol LDL trong máu.
"Ý tưởng đề ra là để cholesterol ở mức khá thấp trong thời gian ngắn, từ đó khiến tất cả cholesterol tích tụ dần tan ra, giúp các động mạch lành lại", tiến sĩ Robinson khẳng định rằng phương pháp này đã thành công trong nghiên cứu trên động vật. "Sau đó, bệnh nhân có thể cần phải được điều trị lại sau khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm nếu xơ vữa động mạch bắt đầu phát triển trở lại."
"Một khi tìm được nguyên nhân gây ra điều gì thì sẽ tìm được giải pháp để loại bỏ nó. Chúng tôi không phải là những người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng này. Đây sẽ là nghiên cứu mang lại hiệu quả nhất sau những nghiên cứu và thử nghiệm của hàng ngàn người trong những thập kỷ qua."
Tiến sĩ Robinson tiếp tục, "Tôi nghĩ rằng đây thực sự là thời điểm để theo đuổi giả thuyết này."
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào
Sự tích tụ mảng xơ vữa và xơ cứng động mạch làm hạn chế dòng chảy của máu trong động mạch, khiến cho các cơ quan và các mô trong cơ thể bị thiếu oxy để hoạt động.
Điều này có nghĩa rằng người bệnh không nhận được nhiều oxy trong máu khi họ cần, dễ gây hậu quả nghiêm trọng như là những cơn đau tim hoặc đột quỵ mà tồi tệ hơn là nguy cơ tử vong cao. Người bệnh cần cố gắng kiểm soát một số yếu tố gây xơ vữa động mạch như nồng độ cholesterol trong máu. Nồng độ LDL cao và mức lipoprotein tỷ trọng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh.
Các nguyên nhân khác bao gồm huyết áp cao, hút thuốc lá, kháng insulin, tiểu đường, thừa cân và thiếu hoạt động thể chất. Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể gây ra xơ vữa động mạch, đặc biệt là đối với những người ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri và đường.
Giới hạn của thử nghiệm
Một phương pháp mới trong việc chống lại xơ vữa động mạch là điều thiết yếu, đặc biệt khi bệnh tim trở nên quá phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) lưu ý rằng trong 4 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp là do bệnh tim gây ra [3].
Tuy nhiên, Tiến sĩ John Wilkins, một bác sĩ tim mạch và trợ lý chuyên gia tại Đại học Y khoa Tây Bắc Feinberg ở Chicago, IL - đã tiến hành nghiên cứu về lipoprotein B nhưng không tham gia vào nghiên cứu này - cho rằng khó có thể thuyết phục một người khỏe mạnh dùng thuốc để giữ xơ vữa động mạch ở mức kiểm soát. Ông cũng cho rằng thử nghiệm lâm sàng này sẽ khó làm vì nó liên quan đến việc theo dõi người bệnh trong 20 hoặc 30 năm.
Nhìn chung, nghiên cứu này vẫn là một phát hiện đầy tiềm năng và hứa hẹn, như Tiến sĩ Robinson nói, nó có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cách các bác sĩ và người bệnh phòng chống lại bệnh tim trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
[1]: Thử nghiệm “Eradicating the Burden of Atherosclerotic Cardiovascular Disease by Lowering Apolipoprotein B Lipoproteins Earlier in Life”;
(https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/JAHA.118.009778)
[2]: The Evolving Future of PCSK9 – Richard L. Weinberg;
[3]: Heart Disease Facts – CDC; (https://www.cdc.gov/heartdisease/facts.htm)
Nguồn: medicalnewstoday.com
DS. Lê Duy (tổng hợp)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?