Đau mắt đỏ vào mùa, cảnh giác với biến chứng gây giảm thị lực
Nhiều ca đau mắt đỏ biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực
Theo BS Lưu Thị Quỳnh Nga, Khoa Mắt, BV Bãi Cháy, tại đây những ngày qua có khoảng 80 bệnh nhân tới khám mỗi ngày, trong đó khoảng 50% bệnh nhân đau mắt đỏ, ở mọi lứa tuổi.
BS Nga thông tin, người bệnh bị đau mắt đỏ đến khám thường có biểu hiện đặc trưng như mắt đỏ, cộm chói, mi mắt bị sưng, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ, kết mạc phù nề, có nhú, có giả mạc, thậm chí mờ mắt. Ngoài ra, người bệnh bị đau mắt đỏ có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch trước tai…
Đáng lưu ý, rất nhiều người chủ quan với bệnh đau mắt đỏ, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đúng cách. Đến khi bệnh kéo dài không khỏi hoặc diễn tiến nặng mới đến thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa.
Điển hình như trường hợp chị T.H (28 tuổi, trú tại TP Hạ Long) khi thấy mắt sưng nề mi, đỏ, nhức đã mua thuốc điều trị đau mắt đỏ ở hiệu thuốc. Sau 9 ngày tra thuốc mắt và uống kháng sinh tại nhà không thấy đỡ, mắt đỏ và sưng nề, đau nhức nhiều chị H mới đến BV Bãi Cháy khám. Tại đây, chị được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, chẩn đoán tình trạng đau mắt đỏ biến chứng viêm giác mạc.
Còn theo chia sẻ của ThS.BS Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, BV Nhi TƯ, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).
Nếu dùng không đúng cách các loại thuốc này có thể gây nhiều tai biến như suy giảm thị lực, sẹo giác mạc, làm cho thời gian điều trị lâu hơn, thậm chí có thể gây mù lòa...
Người bệnh tuyệt đối không tự áp dụng các bài thuốc dân gian như đắp lá trầu, lá dâu, nha đam vào mắt hoặc xông mắt lá trầu… vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.”
Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Lưu ý tự điều trị đau mắt đỏ, dễ biến chứng
BS Lưu Thị Quỳnh Nga cho biết: “Đau mắt đỏ nếu điều trị đúng cách, kịp thời người bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 10-14 ngày. Tuy nhiên, nhiều người bệnh tự ý mua thuốc điều trị không theo tư vấn, đơn kê của bác sĩ dẫn đến bệnh kéo dài không khỏi, tăng nặng, biến chứng viêm giác mạc.
Mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có giả mạc, xuất huyết dưới kết mạc, đôi khi hình thành viêm loét trên giác mạc… ảnh hưởng đến thị lực, sinh hoạt hằng ngày. Loét giác mạc có thể gây sẹo trên giác mạc, giảm thị lực vĩnh viễn.
Đặc biệt, người già hoặc trẻ nhỏ là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ và có nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách”.
Ở trẻ em, BS Quỳnh Anh lưu ý, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Hoặc một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
“Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 8 đến tháng 10 hàng năm do đây là thời điểm thời tiết, khí hậu ẩm rất dễ để virus, vi khuẩn phát triển gây nên dịch bệnh”, BS Nga cho biết.
Để phòng đau mắt đỏ lây lan thành dịch, theo các bác sĩ nhãn khoa, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung chậu rửa mặt, khăn mặt với người bị đau mắt đỏ. Thường xuyên tra rửa mắt bằng dung dịch nhỏ mắt muối NaCL 0,9% hằng ngày. Vệ sinh tay thường xuyên. Khi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tới chỗ đông người để tránh lây lan cho người khác. Với trẻ nhỏ nên để trẻ nghỉ học để chăm sóc tại nhà.
Tuyệt đối không điều trị đau mắt đỏ theo những phương thức truyền miệng dân gian. Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý điều trị khi chưa được thăm khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?