Lây nhiễm thủy đậu, nhiều bệnh nhân đái tháo đường trở nặng
Nhiều ca đái tháo đường nhập viện vì thủy đậu
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà V.T.O, ở Nam Định nhập viện với chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm viêm phổi kèm nhiễm khuẩn tiết niệu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và rối loạn Lipid máu.
Theo lời bệnh nhân, dù bà mắc đái tháo đường 7 năm nhưng điều trị ổn định. Một tuần trước khi nhập viện, bà O đã lây thủy đậu từ người khác. 5 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 38 - 39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, không ngứa, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ.
Bà O đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo bệnh nhân tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt… Do vậy, người nhà vội đưa bà O tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và được nhập viện vào khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Theo ThS. BS Phạm Hồng Quảng, Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, háo khát, mất nước, có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh nhân được xử trí tích cực ngay lúc nhập viện bằng việc bù nước điện giải bằng đường truyền và uống, hạ sốt, kháng sinh tiêm truyền đặc hiệu chống bội nhiễm, thuốc ức chế virus Acyclovir đồng thời được tích cực kiểm soát đường huyết, huyết áp và các triệu chứng đi kèm …
BS Quảng cho biết, gần đây, khoa Bệnh nhiệt đới, BV Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận khá thường xuyên các ca mắc bệnh thủy đậu trên nền bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… Hầu hết các ca bệnh này đều vào viện trong tình trạng đường máu rất cao, rối loạn nước điện giải cần bù nước điện giải tích cực, kiểm soát đường máu bằng thuốc tiêm mặc dù trước đó người bệnh chỉ cần uống thuốc viên đường máu đã có thể kiểm soát tốt.
Bệnh nhân đái tháo đường mắc thủy đậu cần lưu ý gì?
BS Quảng cho biết, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, thường gây các chùm ca bệnh, các ổ dịch nhỏ rải rác và đa phần là lành tính. Tuy nhiên, trên những người bệnh có bệnh lý mạn tính, sức đề kháng kém như đái tháo đường, suy thận, suy thượng thận… bệnh dễ gặp các biến chứng như bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Do các bệnh nhân này có nhiều bệnh nền phức tạp nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải điều trị tích cực, toàn diện.
Ngoài thủy đậu, các bệnh nhân có bệnh lý nền nội tiết còn mắc các bệnh truyền nhiễm khác như cúm A, Covid-19, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt do nhiễm rickettsia… tăng nguy cơ trở nặng.
Theo khuyến cáo của BS Quảng, bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm cần cách ly tránh các nơi đông người như trường học, trụ sở làm việc… để hạn chế lây truyền cho cộng đồng.
Đặc biệt lưu ý, những bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… không nên chủ quan khi bị mắc các bệnh cấp tính như cúm A, B, Covid-19, sốt xuất huyết, thủy đậu, vì việc điều trị các bệnh lý nền lúc này cần có sự điều chỉnh nhất định và điều trị tích cực hơn nếu không có thể sẽ gây ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần khám tại các cơ sở y tế ngay khi mắc các bệnh lý cấp tính, tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?
Từ vết thương nhỏ, nhiều người mắc uốn ván, cứng cơ, co giật nhập viện cấp cứu
Phòng bệnh - 08/10/2024
Từ vết thương nhỏ, nhiều người mắc uốn ván, cứng cơ, co giật nhập viện cấp cứu
Nhiều ca nhiễm khuẩn, biến chứng sau lũ lụt
Phòng bệnh - 04/10/2024
Nhiều ca nhiễm khuẩn, biến chứng sau lũ lụt