Phòng tránh và xử trí đột quỵ hiệu quả
Hiện nay, đột quỵ đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bệnh, tai biến mạch máu não thường xuất hiện đột ngột, tỷ lệ tử vong cao và dù cứu sống thì di chứng để lại hết sức nặng nề. Đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở nước ta. Những người sống sót để lại di chứng như: tàn phế, liệt nửa người hoặc toàn thân; khù khờ, lú lẫn; cần sự hỗ trợ trong sinh hoạt, tốn kém chi phí điều trị sau đột quỵ.
Tuy nhiên, nhiều người không biết cách xử trí ra sao khi người nhà mắc phải đột quỵ và bệnh đột quỵ có thể phòng ngừa được.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng đột quỵ là tăng huyết áp, chiếm 80% trường hợp. Những nguyên nhân còn lại do xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim, rung nhĩ, suy tim, vỡ phình mạch máu não… Đặc biệt tình trạng tai biến mạch máu não rất dễ xảy ra nếu người bệnh có sẵn bệnh lý đái tháo đường hoặc rối loạn chuyển hóa lipid (tăng mỡ máu). Tai biến mạch máu não hầu hết gặp ở người già, nhưng cũng có khi gặp ở người trẻ. Đa số người trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não là do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
Những người có nguy cơ bị đột quỵ cao là người có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa mạch và rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, thường xuyên hút thuốc, uống rượu, tiền sử gia đình có bệnh đột quỵ, người bị đột quỵ lần 1 và bị tái phát đột quỵ lần 2…
Cách xử trí khi đột quỵ xảy ra
Những triệu chứng của người bị tai biến mạch máu não sẽ có một hoặc hàng loạt biểu hiện đột ngột như yếu nửa người, nói ngọng hoặc không nói được, tê cứng hoặc đau nửa mặt, chân, nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê… Có người còn không hề có biểu hiện tê hoặc đau nào mà đột ngột đi vào hôn mê.
Khi thấy người nhà có các biểu hiện trên, chúng ta nên để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Nguy hiểm hơn vì nhiều người tưởng lầm bị trúng gió và đã dùng các biện pháp đánh gió, cho uống các loại nước hoa quả... Điều này rất không nên do khi bị đột quỵ, vùng hầu họng đã bị liệt nếu bắt bệnh nhân uống nước sẽ gây sặc vào đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc gây tăng huyết áp thêm nữa và làm chậm trễ thời gian đưa đến bệnh viện.
Đối với người bị tai biến mạch máu não thời gian là vàng. Xử lý quan trọng nhất là gọi ngay xe cấp cứu đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi di chuyển bệnh nhân nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang 1 bên, nới bớt quần áo cho thoáng.
Không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy vì có trường hợp bệnh nhân bị liệt một bên, không thể gác chân lên xe, khi đến bệnh viện chân bên liệt của bệnh nhân bị chấn thương gây chảy máu.
Các biện pháp phòng tránh đột quỵ
- Tăng cường các hoạt động thể chất như duy trì chế độ tập thể dục hàng ngày, làm việc vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh không căng thẳng và luôn giữ tinh thần thoải mái, sống lạc quan.
- Giữ trọng lượng cơ thể trong tầm kiểm soát, không để cơ thể béo phì thừa cân. Nếu béo phì phải thực hiện chế độ ăn giảm cân phù hợp. Khả năng dẫn đến đột quỵ ở người béo phì cao hơn nhiều lần so người bình thường.
- Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã được phát hiện tăng huyết áp phải uống thuốc đều hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ và đi khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh chữa tăng huyết áp theo kiểu khi nào thấy mệt hoặc nhức đầu mới uống thuốc.
- Nếu bị tiểu đường, phải ăn uống theo chế độ của người tiểu đường, không ăn đường, giảm bột, ăn nhiều rau, đủ đạm, ít béo, chia nhỏ bữa ăn, uống hoặc tiêm thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tái khám và xét nghiệm máu định kỳ.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh đảm bảo khoa học và phù hợp như không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường. Nên ăn nhiều rau xanh, củ, trái cây tươi. Hạn chế sử dụng mỡ động vật và sử dụng ít muối để chế biến thức ăn.
- Ngừng hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá của người khác, ngừng uống rượu bia. Thuốc lá làm tăng thêm quá trình xơ vữa mạch máu và các chất gây đông máu. Nghiện rượu nặng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Ngoài ra nên kiểm soát bệnh tim mạch, cholesterol trong máu. Tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ để giảm nguy cơ đột quỵ.
- Ngô Hằng
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh