Trả lời:
Sỏi mật gồm có sỏi đường mật và sỏi túi mật. Các yếu tố nguy cơ dễ gây hình thành sỏi mật gồm: Nhiễm trùng đường mật, giun chui ống mật, người bị béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, người lớn tuổi, người bị bệnh đái tháo đường hoặc bệnh nhân bị bệnh tan máu…
Điều đáng lo lắng là bệnh nhân bị sỏi mật ban đầu thường không có triệu chứng. Có một số bệnh nhân có triệu chứng đau tức ở vùng hạ sườn phải. Ngoài ra bệnh nhân có thể có cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu.
Sỏi mật, nhất là sỏi túi mật là bệnh lý điều trị khá đơn giản khi chưa có biến chứng. Hiện nay phẫu thuật cắt túi mật nội soi vẫn là phương pháp tối ưu nhất được thừa nhận trong điều trị sỏi túi mật.
Khi sỏi túi mật có triệu chứng hay sỏi túi mật nhỏ dưới 5mm là đã có chỉ định phẫu thuật vì sỏi túi mật càng nhỏ càng dễ di chuyển, gây biến chứng như kẹt cổ túi mật, rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật, viêm tuỵ cấp… Vì vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ.
Khi bệnh nhân thấy đau bụng thượng vị, đau hạ sườn phải cần đi khám ngay. Không nên để có vàng da, sốt mới đi khám.
Trong trường hợp không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như: Áp xe đường mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp, viêm túi mật cấp, sốt, vàng da và đau bụng tăng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền) như sốc nhiễm trùng, viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật...
Sỏi mật khi có biến chứng sẽ điều trị phức tạp hơn, nhiều nguy cơ tai biến, thời gian nằm viện lâu, chi phí điều trị lớn. Những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý kèm theo, bị sỏi mật biến chứng sẽ làm tăng nguy cơ tử vong…
Chính vì vậy, khi phát hiện ra bệnh nên tham vấn ý kiến các bác sĩ chuyên khoa ở những cơ sở y tế có uy tín, tuân thủ chỉ định chuyên môn, không nên tự ý điều trị, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.