7 nguyên tắc cần đảm bảo khi mở lại cửa hàng ăn uống
Từ hôm nay, cả nước bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các địa phương quản lý tốt 2 nhóm gồm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhóm kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo Cục An toàn thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm: Cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng-tin ăn uống
Ngoài tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như đã quy định, trong tình hình dịch hiện này, để phòng tránh lây lan dịch Covid-19, các cơ sở này phải đảm bảo 7 nguyên tắc:
Thứ nhất, người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.
Thứ hai, khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.
Thứ ba, đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Thứ tư, khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay, phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát.
Khu ăn uống phải có đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi.
Thứ năm, đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.
Thứ sáu, đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.
Thứ bảy, thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Đối với kinh doanh thức ăn đường phố, người bán hàng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Thực phẩm, thức ăn ăn ngay phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn trước khi giao cho khách hàng.
Bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uống.
Không được phục vụ cùng lúc quá đông người để bảo đảm khoảng cách an toàn.
Song song đó, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đảm bảo thực hiện các tiêu chí nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?