Ăn thừa muối gây tăng huyết áp
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp như thừa cân, ăn mặn, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo,... Trong đó, ăn thừa muối không chỉ làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp mà còn có thể gây ra nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Vì vậy kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày cũng là cách tốt để kiểm soát huyết áp.
Cơ chế gây tăng huyết áp của natri trong muối
Ở những người đã có sẵn yếu tố di truyền, nếu ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với natri. Ion na+ sẽ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tích nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp.
Nồng độ muối của các chất dịch trong cơ thể là ổn định. Ăn nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, khiến cơ thể phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Để đáp ứng yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện, làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, dẫn tới làm tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài có thể dẫn đến tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố gây nhiều sang chấn tinh thần (stress) trong cuộc sống sẽ tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion Na+ vào nhiều trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim mạch và thận đối với adrenaline - một chất gây tăng huyết áp.
Ngoài ra, khi ăn quá nhiều muối, các loại thuốc điều trị huyết áp như thuốc lợi tiểu sẽ không thể hoạt động tốt. Và huyết áp tăng lên sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và hệ tiết niệu, gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe như đột quỵ và suy tim, suy thận. Hoặc khiến bệnh tiến triển nhanh hơn ở người đã mang sẵn những căn bệnh này.
Chế độ ăn nhiều muối ở trẻ em cũng có ảnh hưởng lớn tới huyết áp, làm tăng khả năng mắc cao huyết áp và nhiều bệnh lý khác. Tăng huyết áp ở trẻ em còn để lại hậu quả tăng huyết áp khi đến tuổi trưởng thành và làm tăng nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp do mắc bệnh sớm, thời gian mắc bệnh kéo dài.
Nên thay đổi thói quen ăn mặn thế nào?
Để huyết áp giảm được từ 2-8 mmHg, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch cần chú ý đảm bảo lượng muối nạp mỗi ngày nên dưới 5g.
Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối,... Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Nếu vẫn muốn ăn các thực phẩm này, người dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn (xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm).
Chọn cách chế biến món ăn: nên chế biến món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang,... Ngoài ra, mì chính là gia vị có vị ngọt nhưng trong thành phần có natri - tương tự thành phần chính của muối ăn - nên người nội trợ cũng nên hạn chế dùng mì chính để tăng vị ngọt của món ăn.
Tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất.
Hạn chế chấm nước mắm, bột canh,... Tốt nhất, khi ăn các loại nước chấm trên người dùng nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi.
Giảm dần gia vị khi nấu ăn: dùng gia vị khác như chua, cay hoặc các loại rau thơm phối hợp khi chế biến để làm tăng vị ngon của thực phẩm và giảm độ mặn…
Nguồn: viendinhduong.vn
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ