Báo động ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
8 tháng, hơn 1.000 người ngộ độc
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 8 tháng, từ tháng 9/2023 đến tháng 5/2024, cả nước đã xảy ra ba vụ ngộ độc lớn và hàng loạt vụ ngộ độc nhỏ khiến hơn 1.000 người nhập viện.
Một bệnh nhi ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) khiến 369 người phải vào viện khám và điều trị cuối tháng 3/2024.
Sau đó vài ngày, cũng tại Khánh Hòa, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khác khiến nhiều học sinh của trường Tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang nhập viện. Đáng tiếc trong vụ việc này, 1 học sinh lớp 5 đã tử vong. Các em học sinh này đều ăn sáng ở bên ngoài nhà trường trước khi vào học.
Đầu tháng 5/2024 liên tiếp 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Tại TP.HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận 15 học sinh tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức đến cấp cứu với các triệu chứng ói, chóng mặt, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Trước đó, 15 em học sinh đều ăn món cơm cuộn mua trước cổng trường.
Cùng thời điểm, tại Đồng Nai xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) khiến 568 người nhập viện khám và điều trị, trong đó có 1 trẻ tiên lượng nặng, 1 trẻ ngộ độc nặng nhưng đang phục hồi.
Nắng nóng tăng nguy cơ ngộ độc
BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu hay nhiễm vi trùng, ký sinh trùng nếu không được bảo quản đúng cách. Nguy cơ này càng cao hơn với thức ăn đường phố, khi phần đông người bán chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về dụng cụ bảo hộ, dụng cụ bảo quản hoặc nguồn gốc nguyên liệu.
"Ngộ độc hàng loạt thường do 3 nhóm vi khuẩn, gồm: Tụ cầu vàng, Salmonella và E.coli… các loại khuẩn này dễ xâm nhập, phát triển trong thức ăn và tiết ra độc tố rất nhanh, gây ngộ độc cho người sử dụng", BS Khanh chia sẻ.
Thời gian qua, hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm lớn được xác định nguyên nhân do thức ăn nhiễm vi khuẩn Salmonella. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn Salmonella có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn.
Có dấu hiệu phải đến ngay bệnh viện
Sau khi vào cơ thể qua đường ăn uống, Salmonella gây nhiễm trùng ở dạ dày, ruột, thời gian ủ bệnh từ 6-72 giờ.
Món cơm gà tại quán Trâm Anh ở TP Nha Trang khiến 369 người ngộ độc vì nhiễm nhiều vi khuẩn có hại (ảnh bệnh nhân cung cấp).
Bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước. Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
"Khi ngộ độc thực phẩm với các dấu hiệu đau bụng, nôn ói, người dân không nên chủ quan, cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Đồng thời, trong thời gian 24-48 giờ sau đó, cần tự theo dõi sức khỏe, nếu dấu hiệu nặng hơn, cần đến ngay bệnh viện, tránh biến chứng đáng tiếc", BS Khanh khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước có khoảng 700.000 cơ sở chế biến thực phẩm, đa số ở quy mô vừa và nhỏ nên rất khó kiểm soát toàn bộ. Cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường quản lý của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Cần sự kết hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý, người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng để góp phần tạo nên thị trường thực phẩm an toàn, phòng tránh ngộ độc", ông Long nói.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các sở y tế tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố... Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Một người đàn ông hoại tử vùng sinh dục, hậu môn vì đắp lá chữa bệnh
Sống lành mạnh - 17/09/2024
Một người đàn ông hoại tử vùng sinh dục, hậu môn vì đắp lá chữa bệnh
Chống dịch bệnh hậu lũ lụt, những điều cần lưu ý
Sống lành mạnh - 12/09/2024
Chống dịch bệnh hậu lũ lụt, những điều cần lưu ý
Cận cảnh chế biến đặc sản mạch nha nổi tiếng xứ Quảng
Sống lành mạnh - 04/09/2024
Cận cảnh chế biến đặc sản mạch nha nổi tiếng xứ Quảng