Đốt than hoa sưởi ấm, hai vợ chồng ngộ độc khí CO

Cặp vợ chồng ở Lạng Sơn phải cấp cứu do ngộ độc khí CO. Trong đó, người chồng nhập viện trong tình trạng rất nặng, tím tái toàn thân.

Liên tục ngộ độc do đốt than sưởi ấm

Ngày 24/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông tin tại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc khí CO (Cacbon Monoxide). Mới nhất là hai vợ chồng trú tại huyện Lộc Bình ngộ độc do đốt than hoa sưởi ấm trong nhà. Khi người nhà phát hiện, người chồng 61 tuổi đã rơi vào tình trạng mê man, gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí CO, đang được thở máy, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Vợ bệnh nhân cũng ngộ độc khí CO nhưng mức độ nhẹ hơn nên đang được điều trị tại Trung tâm Y tế tuyến huyện.

Đốt than hoa sưởi ấm, hai vợ chồng ngộ độc khí CO

Ca ngộ độc do đốt than sưởi ấm đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn.

Cùng tại đây, các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi (ở TP Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng lơ mơ, tím môi. Trước đó ở nhà, mẹ bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm. Khoảng 40 phút sau gọi không thấy trả lời, mẹ bé phát hiện con nằm bất tỉnh trong phòng tắm.

Khi vào viện, cháu bé được thở oxy dòng cao, hồi sức tích cực. May mắn, sau đó bệnh nhân đã hồi phục tốt. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe tạm ổn định.

Hiện nay, nhiều tỉnh tại miền Bắc đang chìm sâu trong thời tiết rét đậm, rét hại. Lạng Sơn và nhiều tỉnh vùng cao có nơi xuống dưới 0 độ C. Chính vì vậy, người dân đã làm nhiều cách để sưởi ấm, trong đó có việc đốt than hoa mà không lường trước nguy cơ ngộ độc khí CO.

Ngộ độc CO để lại nhiều di chứng

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đốt than, củi hoặc dùng khí gas trong phòng kín sẽ đốt hết ô xy và hình thành ngày càng nhiều khí CO, gây ngộ độc.

Khí CO có đặc điểm là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết và khó phát hiện, nhất là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí CO xảy ra rất nhanh. Khi hít phải, khí CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và lấy mất ô xy trong máu, khiến nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy bất thường cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Trường hợp người hít phải lượng lớn khí CO có thể bị ngộ độc nặng, gây bất tỉnh và tử vong nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính.

40% số người ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay, chân cứng và run, liệt nửa người…

Để phòng tránh ngộ độc khí CO, theo Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn thay vì đốt than, đốt củi để sưởi ấm. Ở những vùng khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.

Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí, chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; Không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, người dân nên đặt bếp ở những nơi thông thoáng; Không đốt than, củi trong nhà, trong lều, không cho động cơ xe máy, ôtô... nổ máy trong phòng kể cả khi mở cửa cũng rất nguy hiểm.

Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Người thân phải mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở, phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với những phương pháp sưởi ấm không dùng than, người dân cũng nên cẩn trọng. Không nên để máy sưởi bức xạ hồng ngoại như quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi… gần trẻ nhỏ và người già, khoảng cách đặt máy sưởi nên cách từ 1-2m, để chế độ quay, không chiếu sưởi trực tiếp. Khi sử dụng chăn điện cũng phải kiểm tra kĩ trước khi dùng, bật chế độ ấm vừa đủ, khi đủ ấm thì tắt trước khi sử dụng, không đem giặt ướt.

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới