Bàn tay biến dạng vì uống thuốc nam chữa khớp
Nữ bệnh nhân bị sưng đau khớp kéo dài 6 năm nhưng không đến bệnh viện điều trị mà tự mua một loại thuốc nam về uống. Sau hai năm, các khớp hai tay của bà bị sưng, đau nhiều, biến dạng khớp bàn tay hai bên.
Sau khi xét nghiệm và chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm khớp dạng thấp, biến chứng dính khớp cổ tay. Người bệnh điều trị bằng thuốc dạng uống nhưng chỉ giảm sưng đau khoảng 20%. Nhận định đây là trường hợp kém đáp ứng với thuốc dạng uống, các bác sĩ quyết định điều trị thuốc sinh học cho người bệnh.
Sau hai đợt truyền thuốc cách nhau một tháng, người bệnh giảm sưng đau khớp. Ngày 5/12, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số viêm giảm nhiều. Bệnh nhân sẽ duy trì điều trị thuốc sinh học truyền mỗi tháng.
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, ảnh hưởng chủ yếu lên khớp với các biểu hiện sưng, nóng, đau khớp. Ngoài ra, bệnh có thể tác động đến các cơ quan như phổi, hệ tạo máu, tim mạch.
Đây là bệnh gặp ở tất cả nước trên thế giới, chiếm 0,5-3% dân số. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh lý này trong dân số là 0,5%, nữ giới mắc nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 3:1. Bệnh thường khởi phát ở nữ giới trong độ tuổi từ 30 đến 60, nam giới thường muộn hơn.
Dấu hiệu sớm của bệnh là đau, sưng, nóng, thường ít tấy đỏ. Chúng bắt đầu ở một khớp và trong vòng vài tuần đến vài tháng sẽ ảnh hưởng tới các khớp cổ tay, ngón tay, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân và các khớp nhỏ ở bàn chân.
Bác sĩ Ngọc cho biết, đa số trường hợp diễn tiến nặng xuất phát từ việc điều trị sai phương pháp và không đúng chuyên khoa hoặc thường đến khám khi bệnh đã trở nặng. Nguy hiểm hơn, người bệnh tự mua thuốc uống không theo toa của bác sĩ hoặc uống các loại thuốc tàu, thuốc nam, thuốc bắc có chứa thành phần corticoid.
Khi dùng các loại thuốc này lâu dài, người bệnh không còn đáp ứng nữa và xuất hiện biến chứng như biến dạng khớp, da mỏng, bầm máu ở da, tay chân teo, bụng to, dễ loãng xương sớm. Một số người bệnh khi được điều trị đúng lại tự ý ngưng thuốc dẫn đến bệnh bùng phát trở lại nghiêm trọng hơn.
"Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì hầu hết các trường hợp mắc bệnh sẽ dẫn đến đau nhức, biến dạng khớp, hủy khớp, mất khả năng lao động, tàn phế, thậm chí tử vong", bác sĩ Ngọc nói.
Để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần đến bệnh viện sớm, tuân thủ điều trị và theo dõi bệnh định kỳ dù bệnh đã ổn. Khi muốn ngưng thuốc phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không nên kiêng mà cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM ngày 8/12 sẽ tư vấn và tặng phiếu khám miễn phí cho 100 người bệnh viêm khớp dạng thấp. Đăng ký (028) 3952 5449.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm
Y học cổ truyền - 04/06/2022
Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm
Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền
Y học cổ truyền - 13/06/2020
Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền
Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn
Y học cổ truyền - 17/05/2020
Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn
Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'
Y học cổ truyền - 15/05/2020
Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'
Ai không nên ăn cay
Y học cổ truyền - 11/05/2020
Ai không nên ăn cay