Vác, tác dụng chữa bệnh của Vác
Trước đây, không ai biết dùng loại quả này, mặc cho Chim, Sóc, Chuột, Khỉ ăn. Nhưng hiện nay, đến mùa quả Vác chín ( tháng 7 – 11 âm lịch ), bà con đổ xô đi thu hái để bán cho thương lái và các cơ sở sản xuất “ Rượu trái Giác ”. Một người có thể hái được vài chục ký / ngày, thu nhập bình quân khoảng 150 - 200 ngàn đồng. Mùa quả Vác chín rộ, có khi thu được nhiều tiền hơn.
Dây Vác nói ở đây là vác ba lá (tên tiếng Anh là Three - leaf cayratia, tên khoa học là Cayratia trifolia ( L. ) Domino, thuộc họ Nho ( Vitaceae ).
Gọi Vác ba lá, vì ở Việt Nam chi Vác có 13 loài, chỉ 4 loài lá có 3 lá chét, số còn lại có 5 lá chét ( trong đó có loài lá giống lá cây Giảo cổ lam, đã gây ra sự nhầm lẫn ). Cây này mọc hoang dã phổ biến ở Việt Nam, nhưng chúng ta chưa biết dùng làm thuốc. Nhiều sách cây thuốc chính thống ở nước ta cũng không viết về cây này. Trong khi đó, nó đã được dùng trong Y học cổ truyền ở Ấn Độ và nhiều nước khác để chữa bệnh. Vì vậy, chúng tôi xin cung cấp những thông tin của nước ngoài đã viết về cây Vác ba lá để bạn đọc tham khảo, sử dụng và nghiên cứu.
Vác ba lá là dây leo nhờ tua cuốn thân dài đến 10m hoặc hơn, sống nhiều năm, có tua cuốn mọc đối diện với lá, đầu tua cuốn thường chia 3 nhanh cách xa nhau. Thân non màu đỏ tía nhạt, có lông trắng. Lá mọc so le, kép hình chân vịt, có 3 lá chét hình trái xoan rộng, kích thước 3 = 6cm x 2 – 5cm, cuống lá dài 2 – 3cm, lá chét giữa lớn hơn hai lá chét bên ; phiến hơi dày, hai mặt lá có lông thưa, có 6 – 8 đội gân bên cong, mép lá khía răng cưa. Lá kèm hình tam giác. Cụm hoa là ngù ở nách lá, hoặc đầu cành, xòe rộng khoảng 6 – 9cm, cuống dài 6 – 8cm, mang nhiều hoa nhỏ lưỡng tính, rộng 4 – 6mm đài hoa rất nhỏ, 4 cánh hoa màu xanh lục nhạt ; 4 nhị đính trước cánh hoa ; đĩa mật mỏng, bầu trên, nhăn, 2 lá noãn, với nhụy màu đỏ nhạt. Quả mọng hình cầu dẹt, đường kính khoảng 1cm, khi chín màu tím sẫm đến đen, có mùi vị tương tự như Nho, chứa 2 - 4 hạt. Mùa hoa: tháng 3 - 4, quả từ tháng 6 trở đi.
Loài Vác phân bố ở Ấn Độ đến Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines và Australia. Ở nước ta, cây này mọc hoang trong rừng thứ sinh và dọc các bờ rào, từ các tỉnh miền núi phía Bắc, qua miền Trung, cho tới An Giang, Kiên Giang.
Theo tài liệu Ấn Độ, cây Vác ba lá chứa kaempferol, myricetin, quercetin, triterpen và epifriedelanol. Toàn cây có chứa chất dầu đặc màu vàng, steroid / terpenoid, flavonoid (cyanidin, delpyridin ), tannin. Lá và rễ chứa các stilben ( piceid, reveratrol, viniferin và ampelopsin ). Toàn cây còn có hydrocyanic acid, delphinidin và cyanidin. Quả và hạt chứa các hợp chất cyanogenic. Cũng theo tài liệu Ấn Độ, cây có chứa calcium oxalat gây ngứa miệng khi ăn nhiều quả này.
Gần đây, N. P. Đảm và cộng sự ( Đại học Cần Thơ ) dùng dung môi chloroform để chiết xuất từ thân và lá dây Vác ba lá thu hái ở quận Ninh Kiều ( Cần Thơ ), đã xác định được các chất stearic acid, lutein, và B - sitosterol - 3-O-6' - stearyl - B - D glucopyranosid ( Tạp chí Dược học số 499, 11. 2017, trang 76 - 79 ).
Theo tài liệu nước ngoài, cây Vác ba lá có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm kháng khuẩn ( gồm Escherichia coli, Bacillus subtilis, Micrococcus luteus và Penicillium oxalium ), kháng nấm, hạ đường huyết và bảo vệ tim mạch. Chất delphidin and cyanidin có tác dụng chống sự tăng trưởng của tế bào ung thư dạ dày và ung thư thực quản trên động vật thí nghiệm. Ở Trung Quốc, rễ Vác được dùng trị đòn ngã chấn thương, đinh nhọt, ghẻ lở. Thân và lá Vác được dùng trị gẫy xương.
Ở Campuchia, rễ tươi giã nát thêm nước, lọc uống trị bạch đới Lá sắc uống làm thuốc hạ nhiệt Khi bị chặt, nước chảy ra từ thân có thể uống được.
Ở Thái Lan, lá và rễ đun lấy nước tắm cho người sốt cao, thân dùng long đờm, gây trung tiện và thuốc làm sạch máu. Lá hơ nóng đắp mụn nhọt, chống viêm..
Ở Indonesia, nước ép lá Vác trộn với nước ép quả Dứa non để chữa ngứa và gầu da đầu ( Java ) hoặc dùng lá non luộc với ít muối để ăn như rau ( Molucca ).
Người dân vùng U Minh dùng quả Vác ( Giác ) già để kho cá rô hoặc nấu canh chua với cá đồng, lươn, ếch... Quả Vác chín có vị chua dễ chịu, được dùng để sản xuất rượu “Trái Giác", một đặc sản của vùng này.
Tóm lại, Vác ba lá không phải là cây vô dụng. Ngoài việc dùng quả để nấu các món ăn và sản xuất rượu Giác đặc sản, nó còn là một cây thuốc chữa được nhiều loại bệnh, cả bệnh của súc vật ( lá đắp chữa vết thương nhiễm trùng ).
Hiện nay, nhu cầu về nguyên liệu này chưa nhiều nên nguồn cây Vác ba lá mọc tự nhiên cũng tạm đủ dùng, nhưng khi cần nhiều hơn thì việc trồng trên quy mô lớn cũng không khó vì cây này dễ trồng và phát triển nhanh.
TSKH Trần Công Khánh
Nguồn: Tổng hợp
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm
Y học cổ truyền - 04/06/2022
Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm
Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền
Y học cổ truyền - 13/06/2020
Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền
Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn
Y học cổ truyền - 17/05/2020
Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn
Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'
Y học cổ truyền - 15/05/2020
Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'
Ai không nên ăn cay
Y học cổ truyền - 11/05/2020
Ai không nên ăn cay